HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Ngành điện chủ động chuyển đổi số

Thứ Ba, 02/11/2021, 20:55 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyển đổi số giúp DN ngành điện hiện đại hóa tất cả hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Vận hành các nhà máy điện trên nền tảng số tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ.
Vận hành các nhà máy điện trên nền tảng số tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ.

Từ năm 2013, ngành điện là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, ngành điện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khách hàng, quản lý chỉ số điện và hóa đơn tiền điện thông qua các phần mềm. Ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT (PC BR-VT) cho biết, công ty đang quản lý hơn 420.000 khách hàng dùng điện. Để thuận tiện cho khách hàng, công ty đã lắp đặt được 227.500 công tơ điện tử, chiếm 54% tổng số công tơ đang hoạt động. Việc lắp đặt công tơ điện tử không chỉ giúp tự động đo đếm điện năng, thu thập giữ liệu khách hàng mà còn giảm chi phí nhân công ghi chỉ số công tơ, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, hệ thống này có thể phát hiện kịp thời các sự cố của hệ thống đo đếm, giám sát chặt chẽ chế độ sử dụng điện của khách hàng, nhất là của các khách hàng lớn…

“Chúng tôi đã có những thay đổi căn bản về mô hình quản trị và phương thức vận hành DN, thay thế hình thức giao dịch trực tiếp với khách hàng bằng hình thức giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, đẩy nhanh quá trình số hóa, chúng tôi không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua Website, Email, Webchat, App chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động”, ông Giáp thông tin thêm.

 Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng hơn 215.000 khách hàng cài đặt app chăm sóc khách hàng, chiếm tỷ lệ 52,1%. Bình quân 1 tháng có khoảng 8.150 lượt khách hàng tiếp cận các kênh chăm sóc khách hàng, tiếp cận các thông tin tiện ích như: chỉ số, thông báo tiền điện, thanh toán tiền điện, lịch ngừng giảm cung cấp điện và đặc biệt là các dịch vụ điện trực tuyến như cấp điện mới, báo sửa chữa điện, di chuyển công tơ điện và giải quyết các yêu cầu về điện. Ngoài ra, PC BR-VT đã hợp tác với 17 ngân hàng và 6 đối tác thu hộ tiền điện, đến nay tỷ lệ thu qua ngân hàng và các điểm thu ngoài đạt hơn 80% về số lượng khách hàng…

Còn tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, bên cạnh áp dụng những phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh như ERP, PMIS, E-Office, EVNHES, HRMS, IMIS…, Công ty còn xây dựng và ứng dụng chữ ký, phòng họp không giấy E-Cabinet; các phần mềm ghi thông số nhật ký vận hành điện tử của các nhà máy điện trên mobile, kiểm kê vật tư bằng mã vạch trên mobile, quản lý thiết bị đường khí nóng của các nhà máy nhiệt điện tuabin khí… Việc ứng dụng này đã tạo thuận lợi rất lớn trong công tác quản trị, giám sát, điều hành sản xuất của đơn vị, giúp giải quyết nhanh chóng các thủ tục, kiểm soát được các thông số, dữ liệu và tiết kiệm thời gian. Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản trị, quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, quản lý dự án, công nghệ thông tin và viễn thông. Tiêu biểu như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để khai thác kho dữ liệu tập trung, phân tích trích xuất thông tin tự động; xây dựng hệ thống quản lý công tác vận hành - sửa chữa các nhà máy điện trên thiết bị Mobile…

Với chủ trương “Phòng họp không giấy”, cùng với E-Office và việc tăng cường ứng dụng nền tảng hội họp trực tuyến, chia sẻ tài liệu, báo cáo trên cổng thông tin nội bộ, truy xuất dữ liệu qua QR code… đã đánh dấu sự chuyển dịch từ mô hình quản trị truyền thống lên mô hình quản trị trực tuyến làm tiền đề cho tiến trình chuyển đổi số tại Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa. Khởi đầu từ E-Office 1.0 với tiện ích chưa nhiều, chủ yếu theo dõi văn bản đi, văn bản đến, đến nay, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa đang sử dụng phiên bản E-Office 3.0 có thể dễ dàng quản lý, tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành văn bản điện tử, mở và lưu trữ hồ sơ trên không gian mạng… 100% văn bản đi và văn bản nội bộ đã được phát hành số hóa, trừ các loại văn bản bắt buộc ký bản giấy theo quy định về công tác văn phòng của EVN.

Trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa, phần lớn các tổ máy có hệ thống điều khiển đều được nâng cấp lên các phiên bản cao hơn. Công ty đã đưa các máy tính HMI về nhà Điều hành Trung tâm để tập trung điều khiển các tổ máy; trạm biến áp 110 kV & 220 kV đã thực hiện thao tác từ xa thông qua Remote HMI với các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin được trang bị đồng bộ và vận hành theo tiêu chí trạm không người trực từ xa… Các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các lĩnh vực kỹ thuật - sản xuất, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ và công nghệ thông tin, đáp ứng được các nhu cầu quản trị, kiểm soát hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực, giúp công ty không bị động và gián đoạn trong các hoạt động điều hành sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua.

Bài, ảnh: THU HẰNG

 
;
.