Trong 2 ngày qua, người dân BR-VT đã quay lại với nhịp sống tương đối bình thường, nhiều hàng quán, siêu thị, cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại. Trong khi quán cà phê, đồ ăn sáng bán mang đi khá đông khách thì các chợ, siêu thị sức mua vẫn còn chậm.
Khách hàng mua cà phê mang đi tại cà phê Cộng sáng 17/10. |
QUÁN CÀ PHÊ ĐÔNG KHÁCH MUA MANG ĐI
7 giờ sáng Chủ nhật 17/10, tại quán cà phê Cộng (69 Ba cu, TP. Vũng Tàu), đã có hơn chục khách xếp hàng chờ đến lượt mua cà phê mang đi. Như đã thành thói quen, mọi người đều tuân thủ 5K. Ngay tại khu vực cổng, nước rửa tay sát khuẩn, mã QR code và ghế cho khách ngồi chờ đến lượt được chủ quán bố trí đầy đủ.
Chị Nguyễn Thanh Thảo, nhà ở phường 8, TP. Vũng Tàu cho biết, sau khi biết hàng quán ăn uống phục vụ tại chỗ được bán mang về mà không phải đặt qua app, shipper, chị đã đến mua món cà phê yêu thích. “Trước đây mỗi lần thèm cà phê Cộng tôi phải đặt qua app và chờ shipper giao tới. Việc đặt hàng như vậy không thoải mái lắm lại còn mất thêm phí ship. Còn giờ đến tận nơi, tự mình chọn món yêu thích cũng thú vị hơn”, chị Thanh Thảo nói.
Theo chị Thanh Phương, đại diện quán cà phê Cộng cho biết, từ ngày 16/10, cà phê Cộng được bán mang về cho khách đến trực tiếp quán mua, lượng khách cũng đã tăng so với việc chỉ bán qua shipper. Ngoài người dân địa phương, sau khi BR-VT nới lỏng việc đi lại, đã có một số khách từ TP. Hồ Chí Minh xuống TP. Vũng Tàu cũng ghé quán mua. Trong ngày đầu thực hiện kinh doanh theo quy định mới, sức mua của quán đạt 30-40% so với bình thường, tăng 10-20% so với thời điểm thực hiện Chỉ thị 15. “Mặc dù khách đã được đến quán gọi nước mang đi nhưng quán cũng yêu cầu khách tuân thủ quy định phòng chống dịch, như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không được vào trong cửa hàng mà chờ ngay trước cổng. Khi nhân viên pha chế xong theo đơn sẽ mang ra cho khách và việc giao nhận nước, tiền cũng không tiếp xúc trực tiếp. Khách bỏ tiền vào thùng được đặt sẵn tại khu vực gọi nước; nhân viên giao hàng, trả lại tiền thừa cũng để xuống bàn để khách tự lấy và sát khuẩn”, chị Thanh Phương nói.
Dọc các con phố tập trung đông các quán ăn, quán cà phê như khu vực đường sách Bãi Trước, đường Bacu, Trương Công Định, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học… (TP. Vũng Tàu); Nguyễn Hữu Thọ, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám… (TP/ Bà Rịa) phần lớn đã mở cửa. Theo nhân viên của quán, lượng khách đến mua tuy không bằng việc phục vụ tại chỗ nhưng cũng đã tăng so với việc đặt qua app, shipper.
Nhiều quán cà phê quy mô ngay cả khi tỉnh thực hiện Chỉ thị 15 vẫn đóng cửa thì nay đã bắt đầu dọn dẹp, mở bán mang đi. Sau 4 tháng tạm nghỉ, sáng 17/10, chị Trang chủ quán cà phê cóc trong hẻm Trần Hưng Đạo, TP. Vũng Tàu đã mở bán trở lại. Trong quầy, cả chục phin cà phê được chế nước sẵn để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Vừa chế cà phê cho khách, chị Trang cho biết: “Do là quán nhỏ, chỉ phục vụ khách quen là chính nên dù ngày 23/9 tỉnh đã thực hiện theo Chỉ thị 15 tôi cũng chưa bán lại vì khó thực hiện việc đặt và giao hàng cho khách qua shipper. Nay được mở bán mang đi, khách quen ngang qua đã ghé vào mua”, chị Trang vui vẻ nói.
KHÁCH ĐÃ ĐƯỢC VÀO SIÊU THỊ MUA HÀNG
Trong khi đó, tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, vào ngày cuối tuần đã có nhiều người dân đến mua sắm. Tuy nhiên, các siêu thị cũng chỉ cho phép dưới 30 người vào chọn hàng cùng lúc.
Vừa mua xong một số hàng hóa cho gia đình như giấy vệ sinh, thực phẩm tươi sống, nước giặt, rau củ cho gia đình tại Co.op Mart Vũng Tàu, bà Đào Thị Miên, đường Hoàng Văn Thụ, TP. Vũng Tàu cho biết: “Được vào mua hàng tất nhiên sẽ tiện lợi hơn so với nhờ người đi chợ hộ hay đặt online. Tuy nhiên, tôi tranh thủ mua nhanh về nhanh vì thấy đông người mua”.
Theo ông La Trọng Nghĩa, Tổ trưởng Tổ Marketting Co.op Mart Vũng Tàu, từ ngày 16/10, siêu thị đã cho người dân vào khu tự chọn mua sắm với số lượng hạn chế tối đa là 30 người. Khách đến siêu thị phải khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn và tuân thủ theo ra vào 1 chiều theo quy định của siêu thị. Trong 2 ngày mở cửa cho người dân vào mua sắm, lượng khách đã tăng hơn so với thời điểm thực hiện Chỉ thị 15, nhưng nhìn chung sức mua cũng không cao dù là ngày cuối tuần.
Tại các chợ truyền thống việc mua bán cũng đã nới lỏng hơn. Một số chợ cũng đã cho người dân đến chợ mua sắm tự do. Tại Trung tâm thương mại Ngãi Giao (còn gọi là chợ Ngãi Giao), những biển báo, rào chắn xung quanh chợ đã được dỡ bỏ. Trong chợ, hàng hóa được nhập về nhiều hơn, dồi dào, phong phú, đa dạng các mặt hàng.
Ông Trần Ngọc Hùng, Phó Ban quản lý chợ Ngãi Giao cho biết, 80% tiểu thương ở các quầy hàng này đã đến chợ mở sạp, dọn dẹp và mở bán. Khu vực nhà lồng 1, nơi bày bán các mặt hàng đồ áo, vải vóc, phụ liệu may mặc đã được mở cửa trở lại sau hơn 3 tháng đóng cửa. Khu vực bán đồ ăn uống đã được mở cửa lại bán cho khách mang về. “Sau khi các mặt hàng ăn uống bán mang về trong chợ hoạt động ổn định, khoảng 1-2 ngày tới, khu vực chợ đêm trước chợ Ngãi Giao sẽ được mở cửa trở lại. Để được mở cửa quầy sạp, các tiểu thương phải ký cam kết phòng dịch, tuân thủ 5K thì mới được tiếp tục buôn bán”, ông Hùng nói thêm.
Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ cho thấy, hiện nay sức mua vẫn còn chậm do người dân đã hình thành thói quen mua sắm online. Ông Phan Minh Nhật, Phó Ban quản lý phụ trách chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện nay dù người dân đã được đến chợ mua sắm mà không phải có giấy đi chợ, nhưng sức mua tại chợ không đáng kể. Số tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu cũng chỉ khoảng 30 người, chỉ bằng 25% tổng số tiểu thương kinh doanh các mặt hàng này. Hiện nay, BQL chợ phối hợp với địa phương tuyên truyền, xử lý các trường hợp kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường và kêu gọi bà con tiểu thương vào chợ buôn bán. Sở dĩ có tình trạng trên là do chợ tự phát phát sinh xung quanh chợ cũng như gần các khu vực khu dân cư nên người dân tiện đâu mua đó, tiểu thương có vào chợ cũng không buôn bán được.
Tại TX.Phú Mỹ, 16/16 chợ truyền thống trên địa bàn thị xã cũng đã mở cửa bán trực tiếp cho người dân thay vì chỉ bán cho shipper và đội đi chợ hộ như trước đây. Tuy nhiên, các quầy hàng trong chợ vẫn phải bảo đảm công tác phòng chống dịch, giữ khoảng cách an toàn và được giám sát bởi hệ thống camera của thị xã. Tiểu thương nào không tuân thủ quy định phòng dịch sẽ bị nhắc nhở.
Tại huyện Đất Đỏ, trong 2 ngày cuối tuần, việc tuân thủ quy định của các chủ cửa hàng khá tốt, trước các quầy hàng đều treo bảng chỉ bán mang về. Người dân đến mua cũng thực hiện biện pháp 5K. Theo các chủ quán, so với thời điểm thực hiện Chỉ thị 15, sức mua tăng thêm 20-30% do người dân được đến trực tiếp mua bán. Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn huyện, người dân vẫn thực hiện việc đi chợ theo phiếu, theo khung giờ với tần suất 2 lần/tuần; tại các cổng chợ vẫn kiểm soát người ra vào chợ.
Riêng tại TP.Bà Rịa, hoạt động mở cửa chợ còn dè dặt, cẩn trọng. Ông Trần Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết, hiện các chợ trên địa bàn xã, phường quản lý đang xây dựng phương án nhằm bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở các phương án, TP. Bà Rịa sẽ xem xét, nếu đủ điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch thì thành phố sẽ phê duyệt và cho hoạt động.
Bài, ảnh: BÍCH HIẾU