Đưa lục bình ra thế giới

Chủ Nhật, 17/10/2021, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Từ một cơ sở đan lục bình nhỏ, sau 20 năm, ông Lê Văn Đạt, KP. Hải Hòa, TT. Long Hải, huyện Long Điền đã mang sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình vươn xa ra thế giới. Mới đây, ông Lê Văn Đạt là một trong 63 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”.

Ông Lê Văn Đạt, TT.Long Hải, huyện Long Điền với sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình.
Ông Lê Văn Đạt, TT.Long Hải, huyện Long Điền với sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình.

Cơ sở gia công đan lục bình của ông Lê Văn Đạt hình thành từ năm 2002. Sản phẩm làm ra nhanh chóng được người tiêu dùng ủng hộ bởi sự tiện ích và giá thành phù hợp. Đến năm 2006, ông thành lập Công ty TNHH SX-TM Hiệp Hòa với vai trò là Giám đốc công ty. Bằng khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những người thợ thủ công của Công ty TNHH SX-TM Hiệp Hòa đã biến những cây lục bình bình dị thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, có giá trị kinh tế cao như khay, đôn, kệ, giỏ, rổ, bình… Với sự tìm tòi, sáng tạo và không ngừng học hỏi, đến nay sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình của công ty đã xuất khẩu ra thị trường các nước hàng nghìn sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, ông Đạt còn học hỏi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng của các nước. Nhờ vậy, đơn hàng ngày càng tăng lên, giúp DN phát triển ngày càng bền vững và đem lại lợi nhuận cao.

Để từng bước hiện đại hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho chứa, mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng việc xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Đức, Anh, Trung Đông… với chi phí lên tới 30 tỷ đồng.

Sau 19 hoạt động, công ty đã có 20 mặt hàng đan lát từ lục bình và nhựa giả mây, được khách hàng nước ngoài ưa chuộng bởi vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng màu, cũng như hóa chất. Mỗi năm, công ty sản xuất từ 90.000-110.000 sản phẩm xuất đi các nước, với tổng doanh thu hàng năm đạt từ 38-45 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 25-30%/năm.

Ngoài đưa sản phẩm vươn ra thế giới, hiện công ty của ông Đạt đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 500-550 lao động với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng và từ 700-800 lao động mùa vụ, với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Với những đóng góp trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động cũng như mang lại thu nhập phát triển kinh tế gia đình, ông Lê Văn Đạt đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Cụ thể, ông đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có “Thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất –kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015” và năm 2018; Giấy chứng nhận danh hiệu:  “Hộ nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú đã có cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống” năm 2016; Chứng nhận “ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, năm 2020”…

Danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021” một lần nữa ghi nhận nỗ lực, đóng góp của ông Lê Văn Đạt đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, với sự phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung, đưa sản phẩm này đến với thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.