NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI: Trao "cần câu cơm" cho người dân

Thứ Sáu, 22/10/2021, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

Là đơn vị đi đầu trong công tác tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Điểm giải ngân vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Đức tại xã Kim Long những ngày qua hoạt động hết công suất để giải ngân vốn cho người dân.
Điểm giải ngân vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Đức tại xã Kim Long những ngày qua hoạt động hết công suất để giải ngân vốn cho người dân.

Cứu cánh cho hộ nghèo

Gia đình chị Lý Thị Nữ là một trong những hộ cận nghèo nhiều năm ở thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Do có con nhỏ đang học tiểu học nên chị phải ở nhà làm nội trợ và chăm sóc gia đình. Thu nhập chính dựa vào khoản tiền công ít ỏi từ công việc làm thuê, làm mướn của chồng. Thời gian qua, do dịch bệnh, chồng chị không đi làm được. Hoàn cảnh gia đình đã khó, nay càng khó khăn hơn. Đầu tháng 9, gia đình chị được NHCSXH huyện cho vay 60 triệu đồng để phát triển kinh tế. Chị đã mua 1 cặp bò mẹ-con trị giá gần 40 triệu đồng về nuôi. Số tiền còn lại chị dùng làm chuồng trại và trồng thêm cỏ nuôi bò.

Bà Trần Thị Ngọc, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Đức cho biết, trong 3 tháng 7, 8, 9/2021, đơn vị đã giải ngân cho 682 gia đình, người lao động với số tiền hơn 21,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngân hàng còn tập trung giải ngân cho hộ gia đình, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tại huyện Xuyên Mộc, chị Lưu Thị Hòa (tổ 5, ấp Thạnh Sơn 3, xã Phước Tân) cũng được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để mua bò, làm chuồng trại và trồng thêm cỏ làm thức ăn cho bò.

Chị Lý Thị Nữ (thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chăm sóc  cặp bò được mua từ nguồn vốn vay NHCSXH huyện đầu tháng 9.
Chị Lý Thị Nữ (thôn Phước An, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chăm sóc cặp bò được mua từ nguồn vốn vay NHCSXH huyện đầu tháng 9.

Thường xuyên kiểm tra nguồn vốn

Để nguồn vốn được phát huy hiệu quả, việc lựa chọn đối tượng cho vay, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay là rất quan trọng. Vì vậy, NHCSXH huyện đều yêu cầu các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc. Sau khi nguồn vốn được giải ngân, thành viên các tổ phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của các gia đình được vay nhằm bảo đảm vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Theo bà Hoàng Thị Minh Duyên, Tổ trưởng tổ vay vốn ấp Việt Kiều (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc), dịch bệnh kéo dài khiến kinh tế nhiều gia đình lâm vào khó khăn. Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài giúp người nghèo thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế. Nắm bắt được tình hình đó, các thành viên đã họp tổ và bình xét chọn những hộ khó khăn nhất, lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ chờ giải ngân. Đợt 1, xã đã có 9 gia đình được giải ngân vốn từ NHCSXH huyện. Bà con rất mừng vì có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt gần 3.135 tỷ đồng, tăng gần 387 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 97,7% kế hoạch tín dụng nguồn vốn trung ương và tỉnh giao. Trong đó, cho vay trả lương ngừng việc hơn  5,1 tỷ đồng cho 17 DN vay vốn. Đặc biệt, từ ngày 22/9 đến nay tổng doanh số cho vay tăng mạnh. NHCSXH tỉnh đã giải ngân gần 90 tỷ đồng cho 1.651 hộ vay. Qua đó, kịp thời tạo điều kiện cho người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
(Ông Võ Văn Hoàng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh)

Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết, từ khi huyện Xuyên Mộc nới lỏng giãn cách đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân cho 124 hộ, lao động với số tiền gần 5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn giải quyết việc làm. “Trong 3 tháng cuối năm 2021, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền địa phương các xã, thị trấn, tập trung nguồn vốn cho vay, dự kiến giải ngân hơn 14 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, chúng tôi đặc biệt ưu tiên những hộ gia đình, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”.

Bài, ảnh: MAI NGỌC -THANH HỒNG

;
.