.
NƯỚC SẠCH - TỪ TẦM NHÌN ĐẾN LỢI THẾ CẠNH TRANH

Kỳ 3: Mạch sống được khơi nguồn

Cập nhật: 18:25, 27/04/2021 (GMT+7)

Có nguồn nước dồi dào, nhiều vùng đất khô cằn đã đổi thay, vườn tược xum xuê cây trái. Đời sống của người dân theo đó cũng đi lên. Đặc biệt, đến nay, 100% gia đình vùng nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh.  

Nhà máy hồ Đá Bàng công suất 20.000m3/ngày cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực vùng nông thôn
Nhà máy hồ Đá Bàng công suất 20.000m3/ngày cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực vùng nông thôn

KHƠI NGUỒN SỐNG

Từ khu vực trung tâm hồ Đá Đen, chúng tôi men theo suối Lúp, Sông Xoài đến thôn Sông Xoài 4 (huyện Châu Đức), một địa bàn giáp với hồ Đá Đen. Những vườn cây sum xuê hoa trái, những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Ông Phạm Văn Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Sông Xoài 4 kể lại, khi có quyết định xây dựng hồ Đá Đen, hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn huyện Châu Đức nằm trong diện có đất cần thu hồi để bàn giao cho cơ quan chức năng triển khai công trình. “Trước đây hồ Đá Đen chỉ là một hồ chứa nước nhỏ, chưa đến đầu mùa khô nước đã cạn kiệt, dân không có nước để ăn uống, vườn tược cây trái chết khô vì thiếu nước. Nên người dân trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày qua mùa mưa, đến mùa nắng phải bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất. Nhưng khi hồ Đá Đen xây dựng và đưa vào vận hành, từ năm 2004 đến nay người dân có nước sạch để sinh hoạt, ăn uống và không lo thiếu nước sản xuất ngay cả khi khô hạn”, ông Hùng nói.

Đá Bạc, Suối Rao (huyện Châu Đức), Long Tân (Đất Đỏ) hay Phước Thuận (Xuyên Mộc) từng là những địa bàn gặp khó khăn về nguồn nước. Trước đây, ở những nơi này, đất bạc màu và người dân thường chỉ trồng một vụ vào mùa mưa. Trong mùa khô, phần lớn những gò cao đều bị bỏ trống bởi không có nước tưới. Nhưng nay đã khác, nhờ có nguồn nước từ hồ Đá Đen, Sông Ray… cùng hệ thống kênh mương đồng bộ, nguồn nước tưới và phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đã dồi dào. Những gò cao trước đây giờ cũng được phủ một màu xanh mướt của hồ tiêu, cà phê, mít, ổi…

Nguồn nước dồi dào, BR-VT có điều kiện triển khai các chương trình đưa nước sạch về nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Người dân ấp 4, xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) đón nước sạch về ấp.
Nguồn nước dồi dào, BR-VT có điều kiện triển khai các chương trình đưa nước sạch về nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Người dân ấp 4, xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) đón nước sạch về ấp.

Nước sản xuất đã dồi dào, nước sinh hoạt cũng dần về tận ngõ ngách của các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chuyện người dân nông thôn ở BR-VT không có nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh để sử dụng ăn uống, tắm giặt đã trở thành dĩ vãng. Hàng chục năm trước, những người dân ở ấp 4, xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) đã quen với việc dùng nước giếng khoan lắng phèn hoặc nước lấy từ các hồ lên để lắng rồi dùng. Việc này đã quen đến nỗi chẳng ai còn nghĩ đến chuyện sẽ có nước sạch về đây nữa. Nhưng hơn 3 năm nay, chuyện đã khác rồi. Hôm chúng tôi đến thăm, chị Phan Thị Mỹ Lan (ấp 4, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) vặn cái vòi nhựa nút màu xanh to đùng cho nước chảy xuống chậu rồi rửa rau, rửa thịt. Chị Lan chia sẻ: “Nhà tôi ngay sát chân núi Tóc Tiên, xa trung tâm xã, bao nhiêu năm không có nước sạch. Năm 2017, nước từ nhà máy Châu Pha của Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) đã kéo đến tận nhà. Từ đó tới nay, đời sống gia đình tôi và 37 hộ dân sống ở ấp 4 văn minh hẳn lên”.

Tương tự thôn Phước Thành, xã Phước Hòa (TX. Phú Mỹ) là khu vực vùng xa, núi cao (sát chân núi Dinh), địa hình gồ ghề, bên dưới chủ yếu đá ngầm, số hộ dân sinh sống trong thôn cũng không tập trung nên từ nhiều năm qua, người dân trong thôn chủ yếu xài nước mưa. Nhiều gia đình có giếng đào nhưng độ sâu chỉ khoảng 6-8m nên cứ đến mùa khô là cạn trơ đáy. Ngay sau khi hoàn thành thi công tuyến ống dẫn nước từ huyện Châu Đức sang phục vụ KCN Phú Mỹ 3 theo đường Tóc Tiên - Hội Bài, tháng 9/2020, Công ty CP Cấp nước Phú Mỹ đã đấu nối thành công hệ thống tuyến ống nhánh dài hơn 19km dẫn vào các tổ dân cư, lắp đồng hồ nước miễn phí cho từng hộ gia đình ở thôn Phước Thành. Từ đó, hơn 130 hộ dân đã có nước sạch để sử dụng.

Nước về đã mang theo sự tươi mát cho cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, mang cả văn minh và chất lượng sống đến với họ.

Bà Mai Thị Hồng Điệp (ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) dùng nước sạch để phục vụ  cuộc sống gia đình.
Bà Mai Thị Hồng Điệp (ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) dùng nước sạch để phục vụ cuộc sống gia đình.

GIẢM KHOẢNG CÁCH GIỮA THÀNH THỊ VÀ NÔNG THÔN

Theo lời của ông Võ Thành Tô, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường BR-VT, chương trình “Nước sạch về nông thôn” được tỉnh BR-VT bắt đầu thực hiện từ năm 1991. Trong giai đoạn đầu khó khăn, nguồn nước để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn lúc bấy giờ chủ yếu là nước ngầm. Trong 6 năm (2010-2016), tỉnh đầu tư thêm 3 nhà máy nước mặt gồm: nhà máy Đá Bàng (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ); sông Ray (Châu Đức) và sông Hỏa (huyện Xuyên mộc). Trung tâm cũng bắt đầu thay thế dần các đường ống sắt thành ống nhựa HDPE. Từ đó ngưng khai thác hoạt động 15 nhà máy nước ngầm nhỏ lẻ, chuyển đổi công năng sử dụng, giảm khai thác nguồn nước ngầm.

Trong khuôn viên nhà máy Đá Bàng rộng khoảng 8ha, ngập tràn hoa vàng và các loại cây ăn trái… Anh Phan Nhật Hào, nhân viên nhà máy đi kiểm tra một lượt các hệ thống máy móc đang được điều khiển tự động. Anh Hào cho biết, việc sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn ngày càng hiện đại, tiêu chuẩn nước thành phẩm đều đạt quy chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.

Nhà máy Đá Bàng là nhà máy sản xuất nước lớn nhất của Trung tâm (NSVSMTNT), với công suất 20.000m2/ngày. Đến nay, tổng công suất của 5 nhà máy (gồm 3 nhà máy nước mặt và 2 nhà máy nước ngầm) là 53.400 m3/ngày đêm. Ngoài ra, trong giai đoạn 2015-2020, Trung tâm NSVSMTNT và Ban Quản lý chuyên ngành NN-PTNT đã làm chủ đầu tư 10 dự án nâng cấp, mở rộng 829km đường ống cấp nước cho người dân vùng nông thôn. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư 6 dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc danh mục chuẩn bị đầu tư đã được HĐND tỉnh phê duyệt nhằm phục vụ nhu cầu của 25% hộ dân vùng sâu, vùng xa chưa có nước sạch sử dụng, nâng cao đời sống tinh thần của người dân vùng nông thôn. Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, lắp đặt 18.250 đồng hồ để nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 95% vào năm 2025. Những dự án này nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước cục bộ ở các khu vực cao làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng nông thôn; góp phần ổn định về hạ tầng thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.