.
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG, HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Đột phá về thu ngân sách Nhà nước

Cập nhật: 22:05, 25/01/2021 (GMT+7)

Cơ cấu thu ngân sách của tỉnh đang có nhiều tín hiệu tích cực. Số thu nội địa không ngừng tăng lên, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách. Đây là sự chuyển biến mang tính đột phá, khẳng định nội lực mạnh mẽ của các DN, nhất là DN thuộc các lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh như công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch.

Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận một cửa Cục Thuế tỉnh.
Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận một cửa Cục Thuế tỉnh.

THU NỘI ĐỊA CHIẾM TỶ TRỌNG LỚN

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) gồm 3 nguồn thu chính là dầu thô, xuất khẩu và nội địa. Trong 3 nguồn thu này, có 2 nguồn thu giảm là dầu thô và xuất khẩu, cụ thể tỷ trọng thu từ dầu thô giảm 10,6% so với năm 2016, tỷ trọng thu xuất khẩu giảm 0,4%; tỷ trọng thu nội địa tăng 11,1%. Kết quả trên cho thấy, tỷ trọng thu NSNN (phần nội địa) có sự đóng góp ngày càng lớn trong tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, thu từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu có xu hướng giảm về tỷ trọng trong cơ cấu tổng thể của thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Sở Tài chính cho biết, năm 2020, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh 77.930 tỷ đồng, đạt 102,5 so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô 20.237 tỷ đồng; Thu xuất nhập khẩu là 17.239 tỷ đồng; Thu NSNN (phần nội địa) là 40.454 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Tài chính, năm 2020, mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 và do Trung ương ban hành các chế độ, chính sách miễn, giảm thu ngân sách nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa vẫn đạt và vượt kế hoạch. Chẳng hạn như khoản thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ trọng 45,4% tổng thu nội địa) thực hiện 19.250 tỷ đồng, đạt 116,3% so với dự toán; Thu tiền sử dụng đất gần 2.717 tỷ đồng, đạt hơn 388%; Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước 1.616,5 tỷ đồng, đạt 147%. Với số thu này, thu NSNN (phần nội địa) của tỉnh vẫn bảo đảm đạt dự toán Trung ương giao.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, BR-VT là một trong những tỉnh có đóng góp nguồn thu lớn cho NSNN (đứng thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội).

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA CÁC DN TRỤ CỘT

SCG là một trong những dự án đầu tư nước ngoài có đóng góp NSNN lớn. Trong ảnh: Cầu cảng phục vụ cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị siêu cường siêu trọng để phục vụ trong quá trình thi công dự án đã hoàn thành vào giữa tháng 7/ 2020.
SCG là một trong những dự án đầu tư nước ngoài có đóng góp NSNN lớn. Trong ảnh: Cầu cảng phục vụ cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị siêu cường siêu trọng để phục vụ trong quá trình thi công dự án đã hoàn thành vào giữa tháng 7/ 2020.

Có được kết quả thu NSNN như trên là nhờ BR-VT thu hút đầu tư có chọn lọc, đồng thời khẳng định sự chuyển biến mang tính đột phá, khẳng định nội lực mạnh mẽ của các DN, nhất là DN thuộc các lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh như công nghiệp, cảng biển, du lịch... Lấy kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài làm rường cột, giảm được áp lực cho tỉnh khi nguồn thu từ dầu khí sụt giảm.

Điển hình như Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (SCG) có tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD. Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Siam Cement Group (SCG, Thái Lan), cho biết: Tính đến đầu tháng 12/2020, dự án này đã hoàn thành khoảng 62% tiến độ công việc. Hiện, SCG đang xúc tiến phát triển những dự án thành phần, nhất là hợp tác với Tập đoàn Amata phát triển dự án KCN chung quanh dự án chính; tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để cùng phối hợp kể cả khi dự án đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động cuối năm 2022, đưa vào vận hành thương mại đầu năm 2023. Hiện nay, mặc dù đang trong quá trình xây dựng, nhưng số tiền nộp ngân sách của SCG khá lớn. Năm 2020, riêng số tiền thuế thu nhập DN mà SCG nộp là 440 tỷ đồng. Hay như Công ty TNHH Nhà máy Bia Heniken Việt Nam- Vũng Tàu mới đây cũng đã thông báo tăng vốn thêm 68,8 triệu USD. Với việc tăng vốn này, DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để nâng công suất nhà máy lên đạt 1.100 tỷ lít/năm, tức tăng thêm 490 triệu lít/năm. Trong đó, công suất sản xuất bia sẽ là 1.075 tỷ lít/năm và công suất sản xuất nước trái cây lên men là 25 triệu lít/năm. Năm 2020, chỉ riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, DN đã nộp tới 5.630 tỷ đồng…

Với những kết quả đạt được như trên, mục tiêu của tỉnh là trong thời gian tới tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế không phụ thuộc vào dầu khí, trong đó chú trọng các lĩnh vực trụ cột kinh tế của tỉnh như: công nghiệp, kinh tế cảng biển, du lịch… Đặc biệt, tỉnh tập trung các nguồn lực phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế và hệ thống dịch vụ hậu cần cảng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận đội tàu biển quốc tế, chia sẻ lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP. Hồ Chí Minh và dần dần đóng vai trò cảng chính, cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Nam.

Năm 2021, BR-VT đặt chỉ tiêu tổng thu NSNN hơn 65.900 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách địa phương hơn 25.400 tỷ đồng.

Về phía ngành thuế, tiếp tục đề ra các giải pháp tăng thu. Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Đơn vị sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, quản lý nợ và cưỡng chế nợ. Đặc biệt, ngành thuế kiên quyết cưỡng chế, xử lý thu hồi nợ thuế đối với các DN dây dưa, chây ì, nợ đọng tiền thuế, các DN có khả năng nộp thuế nhưng không nộp thuế đúng hạn, lợi dụng chính sách hỗ trợ tiền thuế của Nhà nước để nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Ngành thuế đặt quyết tâm đến cuối năm 2021 tổng số nợ thuế giảm xuống 5% so với số thực thu vào NSNN theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và theo chỉ tiêu thu nợ được giao. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; kịp thời trả lời vướng mắc cho DN bằng nhiều hình thức như: Qua điện thoại, hướng dẫn trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc trên trang web của ngành…

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.