.

Nhiều cơ hội cho khách hàng vay vốn

Cập nhật: 18:18, 30/03/2018 (GMT+7)

Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang đưa ra những gói tín dụng quy mô nhỏ cho vay với lãi suất thấp.

Khách hàng giao dịch tại Agribank, chi nhánh Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại Agribank, chi nhánh Vũng Tàu.

NGÂN HÀNG TUNG CÁC GÓI VAY “KHỦNG”

Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank chi nhánh BR-VT cho biết: Từ nay đến cuối năm 2018, Vietinbank đẩy mạnh phát triển các gói vay ở phân khúc bán lẻ và khách hàng DNNVV. Hiện Vietinbank đang có chương trình “Đồng hành cùng DNNVV”. Theo đó, DN vay tối đa 12 tháng bằng VND sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 6-8,75%/năm. Còn đối với DN vay tối đa 6 tháng bằng USD được hưởng lãi suất 2,1-3,5%/năm. Ở phân khúc bán lẻ, lãi suất áp dụng ưu đãi từ 7,2-8,5% (ngoài ra, Vietinbank còn giảm thêm 0,2% cho khách hàng trả lương qua đơn vị).

BIDV chi nhánh BR-VT cũng đang dành gói tín dụng 20.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân. Với gói tín dụng này, người vay được ưu đãi lãi suất từ 6,5%/năm đối với các khoản vay có thời hạn đến 5 tháng và từ 7,2%/năm đối với các khoản vay trên 5 tháng đến 11 tháng. BIDV cũng dành 4.000 tỷ đồng ưu đãi nguồn vốn cho DN khởi nghiệp. Với gói vay này, DN có cơ hội được nhận ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn thấp hơn 1%-1,5%/năm so với khoản vay thông thường, lãi suất vay trung dài hạn chỉ từ 8,5%/năm với DN khởi nghiệp… Số tiền cho vay với lãi suất hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế của DN: DN khởi nghiệp vay tối đa đến 30 tỷ đồng, DN siêu nhỏ vay tối đa 10 tỷ đồng...

Nhiều ngân hàng khác cũng đang triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất để thu hút khách hàng. Chẳng hạn như SeABank đang dành 1.500 tỷ đồng cho DN vay với mức lãi suất chỉ từ 7,5%/năm cố định trong 3 tháng, từ 8%/năm cố định trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND và từ 3%/năm trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng USD. HDBank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cố định trong 3 tháng đầu, hoặc lãi suất 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. BacABank có gói 1.000 tỷ đồng cho vay lưu động nhân rộng sản xuất với lãi suất chỉ 6,9%/năm trong 3 tháng đầu, hoặc 8,9%/năm trong 6 tháng đầu…

Như vậy, nếu xét theo giá trị gói vay thông thường thì người vay gói ưu đãi đang được giảm khá nhiều lãi suất. Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, các gói vay ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn mà ngân hàng triển khai chỉ ở tầm 5-6%/năm. Các khoản vay này dù hạn chế nhưng cũng đáp ứng được một phần nhu cầu của người vay.

LÃI SUẤT CHO VAY SẼ KHÓ GIẢM THÊM

Qua khảo sát thị trường tín dụng cho thấy, hàng năm các ngân hàng vẫn thường tung ra các gói cho vay giá trị “khủng” với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng DN và cá nhân. Tuy nhiên, ở phía khách hàng, tiếp cận được gói lãi suất giảm và tiếp cận như thế nào mới là điều quan trọng. Thông thường, bản thân DN cần chứng minh được sự tin cậy của mình trong mắt các tổ chức tài chính để nhận được gói vay lãi suất thấp.

Nhận định về lãi suất cho vay từ nay đến hết năm 2018, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho rằng, xu hướng vẫn ổn định so với năm 2017. Theo ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank chi nhánh BR-VT, sở dĩ lãi suất sẽ tiếp tục ổn định và khó giảm hơn so với năm 2017 là do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra còn ở mức thấp so với khu vực. Lạm phát trong 3-4 năm gần đây đã ổn định và khó có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, nợ xấu của các ngân hàng còn cao, vẫn cần tăng trích lập dự phòng rủi ro, lấy lợi nhuận để bù đắp khoản vốn bị mất nên lãi suất khó giảm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng. Việc giảm các lãi suất căn cứ trên các điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Đây là động thái nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Thế nhưng để giảm ngay thì khó, các ngân hàng chỉ có thể giảm từ từ theo gói tín dụng hoặc dành cho các khách hàng tốt. Năm 2018 cho dù không giảm được nhưng nếu giữ được như cuối 2017 vẫn là tín hiệu tốt đối với DN. Có một điểm tích cực nữa là tỷ giá không có cơ sở biến động, nên DN có thể yên tâm sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia ngân hàng, DN vẫn có nhiều cơ hội để kinh doanh, để tiếp cận dòng vốn giá rẻ vì các ngân hàng cũng đang nỗ lực để hỗ trợ DN kinh doanh, do đó người vay nên nhanh chóng tiếp cận các ngân hàng uy tín để được tư vấn về gói vay ưu đãi.

Từ đầu năm 2018 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tương đối ổn định. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 6-6,5%/năm; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ngắn hạn 7-10%/năm ở khối Ngân hàng Thương mại (NHTM) Nhà nước, 8-11%/năm ở khối NHTM cổ phần. Lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VND đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến 9-11%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 11-12%/năm ở khối NHTM cổ phần. Lãi suất cho vay USD vay phổ biến ở mức 3-7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn 3-5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 6-7%/năm.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh BR-VT)

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.