Kỷ niệm 59 năm ngày Nghề cá Việt Nam (1-4-1959 – 1-4-2018): Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Những năm gần đây, nghề cá của tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức như: Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, tình hình ô nhiễm môi trường bùng phát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở dải ven bờ, nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận trên cùng một diện tích nuôi trồng giảm so với trước đây. Do vậy, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên là một vấn đề cấp thiết.
Hàng năm Chi cục Thủy sản tỉnh thường tổ chức thả giống thủy sản xuống các vùng nước tự nhiên nhằm tái tạo và tăng cường nguồn lợi ven biển. Trong ảnh: Thả cá giống ra sông Dinh. |
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, BR-VT hiện có 6.282 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có 3.090 phương tiện đánh bắt xa bờ (công suất 90CV trở lên). Nếu như vào giai đoạn 1990-2000, sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh đạt trên 500 ngàn tấn/năm thì trong 3 năm trở lại đây sụt giảm chỉ còn khoảng 300 ngàn tấn/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do trữ lượng cá ngoài khơi giảm, nhiều ghe tàu bỏ nghề do đánh bắt thua lỗ. Không những sản lượng giảm mà chất lượng sản phẩm đánh bắt cũng giảm; chủ yếu là các loại cá tạp. Đáng lo ngại là, trong số các phương tiện đánh bắt hải sản của tỉnh, tàu hành nghề giã cào chiếm số lượng lớn. Đây là nghề khai thác các loại hải sản sống ở tầng đáy, đánh bắt theo kiểu tận diệt, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh sản của các loài hải sản.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chỉ cục Thủy sản tỉnh cho biết, với mục tiêu giảm tải áp lực khai thác hải sản ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, ngành thủy sản tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện chủ trương không cho đóng mới và mua ghe giã cào từ các tỉnh khác nhập về. Nhờ vậy số tàu làm nghề lưới kéo của tỉnh ngày càng giảm, so với năm 2014 thì đến nay đã giảm được 278 tàu, hiện toàn tỉnh còn 1.702 tàu hành nghề lưới kéo. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng từng bước tiến tới sắp xếp lại ngành nghề khai thác có hiệu quả và tăng cường đầu tư cho đánh bắt xa bờ. Từ năm 2017, UBND tỉnh có văn bản quyết định tạm dừng việc không phát triển tàu vỏ gỗ kể cả mua ngoài tỉnh, khuyến khích phát triển các loại tàu vỏ thép, composite có công suất lớn.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết thêm, trong năm 2017, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương lập đề án chuyển đổi tàu cá hoạt động nghề lưới kéo và tàu cá hoạt động ven bờ sang các ngành nghề thích hợp khác trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức các hội thảo về chuyển đổi nghề lưới kéo sang nghề lưới vây đuôi và các nghề khai thác thủy sản khác đến ngư dân các địa phương phát triển kinh tế biển trên địa bàn tỉnh. “Hiện ngành thủy sản đang tập hợp ý kiến để xây dựng đề án với mục tiêu quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, phát triển nghề thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi… Đến năm 2020, số lượng tàu lưới kéo chỉ còn 1.450 chiếc”, ông Thành cho biết thêm.
Trong tương lai ngành thủy sản tỉnh khuyến khích phát triển tàu vỏ thép, composite có công suất lớn để đánh bắt ở vùng biển xa. Trong ảnh: Tàu vỏ thép đóng theo chương trình Nghị định 67/CP của anh Phạm Ngọc Hoàng (phường 5, TP.Vũng Tàu). Ảnh: NGÔ THANH |
Trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác quá mức bằng các phương pháp tận diệt, việc thường xuyên thả giống thủy sản nhằm tái tạo, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên được ngành thủy sản quan tâm triển khai. Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết thêm, hàng năm Chi cục đều tổ chức thả giống thủy sản xuống các vùng nước tự nhiên nhằm tái tạo và tăng cường nguồn lợi ven biển. Đây là một trong các hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng thời tuyên truyền cho bà con ngư dân về trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản “vì thế hệ mai sau”. Ngành thủy sản tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân thả giống phóng sinh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, phát triển nguồn lợi thủy sinh, đa dạng sinh học; giảm thiểu phát tán những loài thủy sinh ngoại lai xâm hại ra môi trường; ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản đang có nguy cơ tuyệt chủng... Đồng thời thực hiện yêu cầu các cơ sở buôn bán cá cảnh trên địa bàn không được bán các loài ngoại lai để bảo vệ môi trường đa dạng sinh học của tỉnh. Cùng với đó, hiện nay tỉnh cũng đang tiến hành thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen của một số loài thủy sản bản địa của tỉnh như trai tai tượng (Côn Đảo), cá chình bông…
Bài, ảnh: NGÔ THANH