.

Vùng nuôi thủy sản sông Chà Và: Đã quá sức chịu đựng!

Cập nhật: 19:26, 29/03/2018 (GMT+7)

Nhiều năm qua, việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên sông Chà Và không tuân theo quy hoạch làm thiệt hại về nguồn lợi và ảnh hưởng đến môi trường nước. Sở NN-PTNT và xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) đã và đang đưa vào áp dụng một số mô hình quản lý môi trường và vùng nuôi nhằm phát triển NTTS trên sông Chà Và theo hướng bền vững.

TỶ LỆ NUÔI THÀNH CÔNG GIẢM 60%

Ông Nguyễn Văn Minh (phải) thu hoạch hàu trên bè nuôi đã được cấp số đăng ký.
Ông Nguyễn Văn Minh (phải) thu hoạch hàu trên bè nuôi đã được cấp số đăng ký.

Từ bến đò làng bè Chà Và, mất tầm chục phút đi ghe máy, chúng tôi đến vùng nuôi trồng thủy sản. Chiều tháng 3 trời nắng như rót lửa, dãy lồng bè nằm sat sát mang đến cảm giác ngột ngạt. Trên mặt nước, túi ni lông, túi đựng thực phẩm, thức ăn dư thừa, vỏ chai lọ…lững lờ, tù đọng. Hầu hết, các hộ nuôi thủy sản lồng bè ở đây đều xả rác thải sinh hoạt xuống sông.

Dừng lại ở Tiểu khu 6, chúng tôi lên bè của ông Nguyễn Hữu Nhiều. Ông Nhiều hiện đang nuôi 30.000 con cá chim, 15.000 cá chẽm, 3.000 cá mú. Nhưng trong các lồng nuôi, hầu như lồng nào cũng có vài con cá chim chết nổi trắng bụng. Ông Nhiều cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây, vụ nuôi nào ông cũng thua lỗ. Trước đây ông nuôi cá bớp cho lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng nay, loại cá này không thể sống được trên dòng nước trên sông Chà Và vì thiếu oxy và dễ nhiễm bệnh. 3 năm nay, ông Nhiều chuyển sang nuôi cá chim, cá chẽm, cá mú… Nhưng các loại cá này cũng dễ bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt, nhất là tầm tháng 4 hàng năm khi trời nắng gắt.

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn 6, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) cho biết thêm, gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè hơn 20 năm. Nếu như 3-4 năm trước, hiệu quả thả nuôi đạt 90% thì nay tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30%. Ông Minh nhẩm tính: “Trước đây mỗi vụ, gia đình tui nuôi từ 15-20 lồng, mỗi năm lãi khoảng 300-400 triệu đồng ngon ơ. Nhưng nay chỉ dám nuôi 3 lồng cá chim với số lượng 1.500 con, 9.000 con hàu miếng và 2.000 tôm kẹt giống. 2 năm nay, năm nào cũng không đủ tiền lãi trả ngân hàng. Tui sợ cá chết nữa nên phải thường xuyên vệ sinh dọn dẹp lồng bè, gom rác đưa lên bờ và cho cá ăn cũng với liều lượng vừa phải để hạn chế ô nhiễm”.

Theo báo cáo của xã Long Sơn, hiện nay trên khu vực sông Chà Và có 270 hộ với 5.380 lồng nuôi trên diện tích 752ha, trong đó có 2.697 lồng bè không nằm trong vùng quy hoạch. Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, việc NTTS trên sông Chà Và tồn tại rất lâu nhưng từ năm 2.010 đến nay tình trạng người dân bao chiếm diện tích mặt nước để NTTS trên sông Chà Và ồ ạt hơn, vượt quá quy hoạch đến tình trạng khó kiểm soát.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, ngoài nguyên nhân xả thải từ các nhà máy chế biến hải sản, mật độ nuôi dày đặc thì rác thải sinh hoạt hàng ngày phát sinh trên các lồng bè cũng chính là nguyên nhân khiến cho môi trường nước ngày càng ô nhiễm. Vì vậy, những năm gần đây tỷ lệ NTTS trên sông Chà Và thành công giảm 60% so với 3-4 năm trước.

ĐÁNH SỐ ĐĂNG KÝ VÀ THÀNH LẬP TỔ THU GOM RÁC

Lực lượng chức năng kiểm tra các hộ NTTS trên sông Chà Và. Ảnh: QUANG VŨ
Lực lượng chức năng kiểm tra các hộ NTTS trên sông Chà Và.

Theo ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND Xã Long Sơn, hiện nay ngành NTTS trên sông Chà Và chiếm từ 70-80% thu nhập của người dân địa phương. Do đó, việc quy hoạch lại khu vực nuôi, sắp xếp lồng bè vào các khu nuôi một cách hợp lý là việc làm cấp thiết. Theo Quyết định Phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) đến năm 2020, khu vực sông Chà Và được bố trí thành 8 tiểu khu, đánh số từ Tiểu khu số 1 đến Tiểu khu số 8. Tổng diện tích của các tiểu khu bao gồm diện tích đặt lồng và diện tích của khoảng cách giữa các bè và giữa các lô đến năm 2020 là 749.720m2, tỷ lệ diện tích lồng đặt so với diện tích mặt nước của các tiểu khu chiếm trung bình khoảng 31,3%.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng đang tiến hành điều tra, rà soát cấp số đăng ký tạm thời cho các bè nuôi bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn như: không lấn chiếm hành lang đường thủy nội địa, hành lang cầu và các tiêu chuẩn khác theo quy định như khoảng cách, số lượng bè, mật độ nuôi… để cấp sổ đăng ký. Từ tháng 11-2017 đến nay, Sở NN-PTNT đã thực hiện cấp số đăng ký tạm cho 29 hộ NTTS trên sông Chà Và. Ngoài ra, sở này cũng đang thí điểm xây dựng mô hình quản lý cộng đồng khu vực nuôi lồng bè và nhuyễn thể dưới hình thức tổ tự quản, HTX, Hiệp hội NTTS lồng bè, nhuyễn thể để cùng giám sát quản lý về con giống, dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường, thủy sản, thông tin thị trường, giá cả sản phẩm trong vùng quy hoạch.

Mật độ NTTS dày đặc cộng với rác thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân sống trên lồng bè là 2 trong số nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn nước sông Chà Và bị ô nhiễm. Ảnh: QUANG VŨ
Mật độ NTTS dày đặc cộng với rác thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân sống trên lồng bè là 2 trong số nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn nước sông Chà Và bị ô nhiễm. Ảnh: QUANG VŨ

Ông Nguyễn Văn Bình, Chuyên viên Phòng chế biến thương mại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết, trung bình một tháng có khoảng 7.530kg rác thải sinh hoạt của các hộ NTTS thải xuống sông Chà Và. Và dự báo, lượng rác thải phát sinh của các hộ dân có thể tăng lên gấp đôi trong 1-2 năm nữa. Khi đó, nguồn nước tại khu vực này sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy việc thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt cho các hộ NTTS lồng bè trên sông Chà Và là cần thiết và cấp bách để bảo vệ môi trường nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng tới phát triển một ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.

Nhận thấy tính thiết thực từ ý tưởng “Thành lập tổ gom rác thải sinh hoạt tại khu vực NTTS trên sông chà Và xã Long Sơn” của ông Nguyễn Văn Bình, Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng Khoa học tỉnh BR-VT lần thứ II năm 2016-2017” đã trao giải Ba cho tác giả. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ bè nuôi cá ở tiểu khu 1, cho hay: “Môi trường nước trên sông Chà Và bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới chất lượng của cá nên giá thủy sản giảm mạnh vì các DN không mua hàng để xuất khẩu như trước. Chẳng hạn, cá chim, cá chẽm trước kia bán tại bè có giá khoảng 150-160 ngàn đồng/kg thì nay chỉ có 110 ngàn đồng/kg. Trước tình trạng này, việc giảm mật độ nuôi, sắp xếp lại vùng nuôi và thành lập tổ thu gom rác thải là phương án mà nhiều hộ dân chúng tôi đồng tình ủng hộ để bảo vệ nguồn nước sông Chà Và, bảo vệ vùng NTTS”, chị Thúy nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ, THANH TRÍ

Theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường nước mới nhất tại khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại cửa sông Chà Và (của Trung tâm Quan trắc Môi trường biển - Viện nghiên cứu hải sản Việt Nam hồi tháng 8-2017) cho thấy, nguồn nước ở khu vực này đã bị suy giảm và ô nhiễm thể hiện qua nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp hơn giới hạn cho phép (>5mg/l); nồng độ các thông số N-NO-2, N-NO-3, P-PO43- trong nước cao vượt giới hạn cho phép áp dụng cho nước phục vụ cho mục đích bảo tồn thủy sinh và NTTS.

 

.
.
.