.

Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn hướng tới xuất khẩu

Cập nhật: 18:45, 27/02/2018 (GMT+7)

Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, bảo đảm chăn nuôi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu là mục tiêu mà ngành chăn nuôi BR-VT đang hướng đến.

KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH

Chăm sóc gà tại trang trại của ông Trần Văn Nam (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), đây là một trong những trang trại đã được công nhận an toàn dịch bệnh.
Chăm sóc gà tại trang trại của ông Trần Văn Nam (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), đây là một trong những trang trại đã được công nhận an toàn dịch bệnh.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi trong nước gặp không ít khó khăn và thách thức do dịch bệnh thường xuyên xảy ra và sản phẩm chăn nuôi giá rẻ của nước ngoài tràn ngập thị trường nội địa. Trước thực trạng này, để đứng vững ở thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó xác định ngành chăn nuôi cần sớm xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh để nâng cao giá trị sản phẩm. BR-VT là một trong những địa phương đang tích cực thực hiện định hướng này.

Từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu” ở 10 hộ dân tại xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc). Tổng đàn gà của các hộ tham gia dự án là 40.000 con, xây dựng an toàn dịch bệnh với 2 bệnh: cúm gia cầm và Newcastle (dịch tả gà, bệnh gà rù).

Bà Lê Thị Túy (ấp Tân Trung, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc), một trong 10 hộ tham gia dự án cho biết, gia đình bà mở trại chăn nuôi gà từ năm 2010 với số lượng gần 15.000 con. Trước đây, gia đình bà chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm truyền thống nên không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Từ khi tham gia dự án, gà nuôi nhanh lớn hơn so với trước đây, tỷ lệ hao hụt thấp, trọng lượng gà đạt 2-2,5kg/con sau 35-40 ngày nuôi. Chất lượng gà được bảo đảm, thị trường tiêu thụ tốt hơn nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh. “Sau 2 năm tham gia dự án, hiệu quả chăn nuôi được cải thiện rõ rệt, vì người nuôi được hướng dẫn kỹ thuật, cách lựa chọn và sử dụng vắc xin phù hợp nên dịch bệnh trên đàn vật nuôi không xảy ra, chi phí đầu tư ít, gà bán được giá nên thu nhập tăng lên”, bà Túy thông tin.

Tương tự, bà Hồng Thị Kim Quý (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cũng là hộ tham gia dự án với đàn gà gần 2.000 con. Từ khi tham gia dự án, tỷ lệ gà mắc bệnh giảm đáng kể, đầu ra lại ổn định nên hiệu quả chăn nuôi của gia đình bà Quý tăng mạnh so với trước. Bà Quý cho hay, thực hiện quy trình chăn nuôi kiểm soát an toàn dịch bệnh tiến tới xuất khẩu, trại chăn nuôi gà của gia đình bà tuyệt đối tuân thủ các quy định của dự án, từ khâu chọn giống đến tiêm vắc-xin cho đàn gà. Theo đó, gà con sau khi nhập về 5 ngày thì phải nhỏ mắt, 7 ngày chích ngừa H5N1. Sau đó, định kỳ 12 ngày, 16 ngày, 21 ngày, 30 ngày thì tiến hành chích ngừa vắc-xin dịch tả. Trước khi nuôi lứa mới, chuồng trại phải được tiêu độc, khử trùng đầy đủ, đúng quy trình của dự án.

THAY ĐỔI TẬP QUÁN CHĂN NUÔI TRUYỀN THỐNG CỦA NÔNG DÂN

Trang trại nuôi gà tam hoàng số lượng 16 ngàn con của ông Trần Hưng Đạo (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành). Trang trại này đã được công nhận an toàn dịch bệnh.
Trang trại nuôi gà tam hoàng số lượng 16 ngàn con của ông Trần Hưng Đạo (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành), đã được công nhận an toàn dịch bệnh.

Được biết, tham gia dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ một phần vắc xin, thuốc sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng... Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng giao cho 1 cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tại cơ sở.

Sau 2 năm triển khai dự án, đến thời điểm này, BR-VT đã cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho 7 hộ chăn nuôi gia cầm trên tổng số 10 hộ tham gia dự án. Trong đó, 6 hộ được công nhận an toàn dịch bệnh đối với 2 bệnh (bệnh Newcastle và bệnh cúm gia cầm), 1 hộ được công nhận an toàn dịch bệnh đối với 1 bệnh (cúm gia cầm).

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y - Trung tâm Khuyến nông quốc gia, dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu” đã làm thay đổi hẳn tập quán chăn nuôi truyền thống của nông dân. Trước đây, việc phòng ngừa dịch bệnh chủ yếu dựa vào hướng dẫn của ngành thú y địa phương hoặc gia đình tự làm. Sau khi tham gia dự án, việc kiểm soát dịch bệnh được thực hiện đầy đủ, khoa học hơn, từ đó an toàn dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Dự án là cơ sở để các hộ chăn nuôi theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Từ chăn nuôi theo chuỗi hiện nay, tiến tới nâng cấp lên các chuỗi cao hơn như: VietGAP, GlobalGAP để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thông qua các hoạt động của dự án như: tập huấn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh…, người chăn nuôi đã được trang bị đầy đủ kiến thức để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong chăn nuôi. Năm 2018, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên ngành Trung ương tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu” tại BR-VT nhằm gia tăng số cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh, từng bước xây dựng thành vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

Toàn tỉnh hiện có 78 trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 2.000 con, còn lại chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ. Trong giai đoạn 2011-2015, BR-VT cũng đã triển khai dự án “Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật”, tuy nhiên chỉ áp dụng cho những trang trại quy mô lớn. Kết quả, đã có 39 trang trại đạt tiêu chuẩn cơ sở an toàn dịch bệnh. Việc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu” dành cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã góp phần nâng cao nhận thức trong chăn nuôi của các hộ gia đình, từ đó phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

 

.
.
.