.

Rác thải sinh hoạt sẽ là vấn đề lớn trong tương lai gần

Cập nhật: 18:24, 26/02/2018 (GMT+7)

BR-VT mỗi ngày phát sinh khoảng 760 tấn chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi tắt là rác sinh hoạt). Dịp Tết vừa qua, lượng rác thải này tăng lên đột biến khoảng 3.000 tấn/ngày (ngày 29 và 30 Tết). Trong khi nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã sử dụng công nghệ đốt - thu hồi năng lượng, tái chế… thì BR-VT vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp - vừa tốn diện tích đất vừa không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trước đây, toàn bộ rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Xuyên Mộc và Côn Đảo) được đưa về xử lý tại Công ty TNHH Kbec Vina (Khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành). Tháng 8-2017, bãi rác Bưng Riềng nơi chôn lấp rác sinh hoạt của huyện Xuyên Mộc bị quá tải, vỡ bờ bao gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tháng 9-2017, UBND tỉnh có quyết định chuyển toàn bộ lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (khoảng 20 tấn/ngày) về Kbec Vina xử lý.

Theo đó, bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt của Kbec Vina đang xử lý khoảng 500-550 tấn/ngày, từ tháng 9-2017 buộc tăng công suất lên 700 tấn/ngày để xử lý cho cả lượng rác phát sinh hàng ngày của huyện Xuyên Mộc. Ông Noh Kyung Hwan, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kbec Vina cho biết, cuối tháng 12-2017, công ty đã tăng công suất nhà máy xử lý nước thải từ 400m3/ngày đêm lên 800m3/ngày đêm để đưa lượng rác thải từ bãi rác Bưng Riềng về nhà máy xử lý.

Như vậy, hiện tại Công ty TNHH Kbec Vina đang xử lý khoảng 1.000 tấn/ngày. Những ngày gần Tết và sau Tết, lượng rác này tăng gấp 2-3 lần và đã vượt quá khả năng xử lý của bãi. Theo báo cáo của Công ty TNHH Kbec Vina thì bãi chôn lấp 1 (diện tích 5ha) tỷ lệ lấp đầy đã đạt gần 80%. Công ty hiện đang xây dựng bãi chôn lấp 2 (diện tích hơn 7ha) dự kiến giữa năm 2018 mới hoàn thành.

Xử lý rác thải sinh hoạt trước khi đưa vào bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina.
Xử lý rác thải sinh hoạt trước khi đưa vào bãi chôn lấp của Công ty TNHH Kbec Vina.

Ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, phương pháp chôn lấp tạm thời hiện nay là đào một hố sâu khoảng 5-6m, lót bạt, sau đó phun chế phẩm vi sinh chống muỗi, chống ô nhiễm rồi lấp đất. Quy trình lạc hậu như vậy khiến rác thải sinh hoạt được xử lý rất chậm và nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, đời sống.

Theo dự báo của Viện Quy hoạch môi trường và hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng), từ năm 2018 lượng rác sinh hoạt của BR-VT sẽ tăng lên 10-15%/năm. Và đến năm 2025, lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh có khả năng lên đến 1.590 tấn/ngày (tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay).

Theo ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT, năm 2017, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương giao các ngành, địa phương liên quan phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) thực hiện đồng bộ 3 giải pháp BVMT trên địa bàn tỉnh.

Giải pháp thứ nhất là cải thiện cơ chế phối hợp về môi trường, trong đó sẽ xây dựng cơ chế thúc đẩy hiệu quả nỗ lực thân thiện với môi trường qua sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý của tỉnh và KCN. Giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra cho các cơ quan quản lý của tỉnh. Giải pháp thứ ba là thực hiện đồng bộ 3 biện pháp, bao gồm: Giảm lượng rác, tái sử dụng và tái chế rác, mà trước mắt sẽ thực hiện thí điểm đối với rác thải sinh hoạt tại huyện Côn Đảo.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang hỗ trợ Nhà máy chế biến phân compost của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc di dời vào Khu xử lý chất thải tập trung tại Tóc Tiên (huyện Tân Thành) để hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2018. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư Nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ đốt hiện đại cho huyện Côn Đảo và Khu xử lý chất thải rắn tập trung sử dụng công nghệ đốt tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ vào năm 2018 nhằm giảm áp lực việc chôn lấp rác sinh hoạt không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; tập trung xử lý dứt điểm các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tạm giai đoạn 2017-2019 và chuyển dần sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các công nghệ tái chế (phân compost) và công nghệ đốt, kết hợp xử lý khí thải và phát điện, đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Tuy nhiên, đến nay các giải pháp trên vẫn chưa được thực hiện, bài toán về xử lý rác sinh hoạt tiếp tục căng thẳng. Và sẽ càng căng thẳng hơn vào những dịp lễ, Tết như những ngày vừa qua. 

Bài, ảnh: SONG THƯ

.
.
.