.

Ngành công nghiệp tăng tốc ngay từ đầu năm

Cập nhật: 16:32, 25/02/2018 (GMT+7)

Năm 2018, BR-VT đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,56%. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu năm 2018, các DN lĩnh vực công nghiệp đã tăng tốc, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tìm kiếm và mở rộng thị trường…

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Hiện nay, Công ty TNHH Bắc Hà (huyện Tân Thành) đã ký kết các đơn hàng đến tháng 8-2018. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Bắc Hà trong giờ sản xuất. Ảnh: VÂN ANH
Hiện nay, Công ty TNHH Bắc Hà (huyện Tân Thành) đã ký kết các đơn hàng đến tháng 8-2018. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Bắc Hà trong giờ sản xuất. Ảnh: VÂN ANH

Năm 2017 được xem là năm khá thành công đối với các ngành: dệt may, da giày, hải sản. Tiếp nối năm 2017, trong 2 tháng đầu năm 2018, các DN lĩnh vực này đang chạy nước rút để hoàn tất các đơn hàng đã ký với đối tác và các kế hoạch đã đề ra.

Những ngày này, không khí làm việc tại Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) hết sức khẩn trương để kịp hoàn thành các đơn hàng. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang các nước châu Âu, Australia, Đài Loan, Hàn Quốc. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc công ty cho biết: Năm 2018, công ty đặt mục tiêu sản lượng xuất khẩu tăng khoảng 10%, doanh thu tăng 10-12%. Hiện nay, công ty đã có đơn hàng đến hết quý I-2018. “Trước đây, cứ 10-15 ngày, chúng tôi mới giao hàng 1 đợt. Nay, Công ty đã chuyển sang giao mỗi hàng tuần cho kịp đơn hàng theo yêu cầu của khách hàng”, ông Nguyễn Văn Quý thông tin thêm.

Ngay từ đầu năm, ngành chế biến hải sản xuất khẩu đã có nhiều tín hiệu vui khi ký kết được các đơn hàng đến tháng 6-2018. Theo các DN ngành chế biến hải sản xuất khẩu, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, các DN lĩnh vực này đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để tạo thêm giá trị gia tăng. Nhiều DN đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nước để bảo đảm cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh việc khai thác hiệu quả những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, các DN ngành hải sản đã chú trọng phát triển các thị trường tiềm năng khác như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho biết: Hiện nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, công ty dự kiến nhập khẩu 50-60% nguyên liệu để bảo đảm cho hoạt động sản xuất.

Trong lĩnh vực sản xuất cáp thép, thiết bị nâng, tời, kéo, xích neo, mỏ neo… phục vụ ngành dầu khí, ngay từ cuối năm 2017, Công ty CP liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) đã ký kết được các đơn hàng đến hết quý II năm 2018.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hà (huyện Tân Thành) cũng thông báo tin vui: “Công ty chuyên xuất khẩu các sản phẩm tủ, bàn nail... Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống là Mỹ và Canada, hiện công ty đã chinh phục và có chỗ đứng vững chắc tại 2 thị trường mới là Anh và Đức. Năm 2018, DN đã có đơn hàng đến tháng 8”.

Một trong những sự kiện đáng chú ý của ngành công nghiệp năm 2018 là ngay trong ngày họp mặt các DN và nhà đầu tư Xuân Mậu Tuất diễn ra vào ngày 23-2, UBND tỉnh và Tổng Công ty Phát điện 3 (KCN Phú Mỹ, huyện Tân Thành) đã ký kết bản ghi nhớ về cam kết và hỗ trợ đầu tư cho dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,39 tỷ USD. Đây là dự án sử dụng khí LNG để phát điện với công suất 3.600 MW tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2019 – 2025. Khi hoàn thành, Trung tâm Điện lực Long Sơn sẽ bổ sung thêm 21 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia và nộp ngân sách khoảng 4.130 tỷ đồng/năm.

DN CHỦ ĐỘNG ĐỔI MỚI, TÌM KIẾM KHÁCH HÀNG

Công nhân Công ty CP liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) làm việc  tại xưởng.  Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Công nhân Công ty CP liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) làm việc tại xưởng. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Theo các DN, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành cũng như tỉnh BR-VT đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ DN. Điều này đã tác động tích cực đến sự phát triển của DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Năm 2018, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương, để tự tin cạnh tranh trong hội nhập, nỗ lực tự thân của mỗi DN hết sức quan trọng. Do đó, ngay từ bây giờ, các DN đã sẵn sàng đổi mới để có thể cạnh tranh với các DN ngoại. Ông Bùi Lâm, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế và xây dựng Nam Trung (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng chương trình internet marketing theo công nghệ 4.0 để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật theo hướng chuyên nghiệp, sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư KCN Sonadezi Châu Đức cũng cho biết: “Năm 2018, song song với thu hút  các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thu hút các DN Đài Loan, châu Âu đầu tư vào KCN. Công ty sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, cải tiến chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của khách hàng”.

NGÔ GIA

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngay từ tháng đầu năm 2018, ngành Công thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Nhờ đó, trong tháng 1-2018, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.

 

.
.
.