Thời tiết dễ tác động xấu đến vụ Đông Xuân
Đầu tháng Chạp, nông dân trên địa bàn tỉnh vừa gieo sạ xong vụ lúa Đông Xuân 2017-2018. Thời tiết không thuận lợi nên nông dân trên địa bàn tỉnh cần hết sức thận trọng trong chăm sóc lúa.
Là địa phương trọng điểm trồng lúa của huyện Xuyên Mộc, xã Phước Thuận có khoảng 570ha diện tích trồng lúa. Vụ Mùa vừa qua, nông dân trên địa bàn xã gần như mất trắng do ngập úng. Ông Nguyễn Đình Dũng (ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận) đang canh tác 2ha lúa các loại giống ML48, OM5451, OM4218 cho biết, vừa qua, do ảnh hưởng của các cơn bão gây mưa nhiều, một số hồ xả lũ gây ngập úng, cánh đồng lúa vụ Mùa thiệt hại 80%, chỉ thu được chưa tới 1 tấn lúa/ha, lỗ gần 10 triệu đồng/ha.
Thời tiết không thuận lợi, một số diện tích lúa đã nhiễm bệnh rầy nâu nên nông dân phải phun thuốc điều trị. Trong ảnh: Nông dân xã Phước thuận phun thuốc trừ sâu cho cánh đồng lúa sắp trổ đòng. |
Do đã thất thu trong vụ Mùa nên ông Dũng đặt nhiều kỳ vọng vào vụ Đông Xuân 2017-2018. Ông cho biết: “Vụ Mùa vừa qua diện tích ngập úng, hư hại tôi bỏ hoang, không canh tác nên đến thời điểm gieo sạ lượng cỏ, lúa dại khá nhiều. Do đó, từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, tôi đã cày dầm, vận chuyển phân chuồng, vôi ra đồng bón để ủ đất. Bên cạnh đó, tôi sử dụng thuốc để xử lý hết lúa dại, cỏ còn sót lại, tích cực thăm đồng ngày 2 lần vào sáng, chiều để phát hiện sớm sâu bệnh, tránh để ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa”.
Do đặc thù nằm ở khu vực thấp phải gieo sạ sớm, cánh đồng của ông Nguyễn Văn Việt (ấp Gò Cà, xã Phước Thuận) đến nay đã được gần 40 ngày tuổi, giai đoạn quan trọng của cây lúa do chuẩn bị trổ đòng. Ông Việt cho biết, vụ Mùa vừa qua 1,3ha lúa nằm trong vùng ngập nặng nên thiệt hại hoàn toàn. Không những vậy, ông còn tốn thêm chi phí phun thuốc diệt lúa để kịp thời vụ gieo sạ vụ Đông Xuân.
Đến nay, lúa trong giai đoạn chuẩn bị trổ đòng thì lại gặp thời tiết không thuận lợi, mưa trái vụ nhiều, ít nắng, trời se lạnh, buổi sáng có sương muối nên các loại sâu bệnh như rầy nâu, sâu cuốn lá, nhất là đạo ôn lá… đã xuất hiện, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của lúa. “Vừa qua, tôi đã phun 2 đợt thuốc nên bệnh đã giảm. Tuy nhiên, tôi vẫn khá lo lắng do dự báo thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, lúa lại đang chuẩn bị trổ đòng, nếu sâu bệnh tiếp tục xuất hiện thì năng suất lúa có thể sẽ giảm so với năm ngoái”.
Nông dân xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ cấy dặm lúa vụ Đông Xuân.
|
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ Đông Xuân năm 2017-2018, toàn tỉnh gieo trồng 7.031ha lúa, giảm 55,8ha so với cùng kỳ. Năm nay, nông dân vẫn chủ yếu sử dụng các giống lúa truyền thống, phù hợp với thổ nhưỡng của BR-VT và được thị trường ưa chuộng như OM 4.900, OM 5451, OM6600, OM 6162, Giẻo Bầu… Năm nay, hầu hết các địa phương đã thực hiện đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, hoàn thành gieo sạ vụ Đông Xuân trước ngày 31-12-2017.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, do hiện nay thời tiết bất thường, ít nắng, độ ẩm không khí cao, sáng sớm có sương mù nên sâu bệnh tăng, bà con cần chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm thiệt hại cho cây lúa. Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phun ngừa đạo ôn trước khi lúa trổ bông và sau khi trổ đều. Đối với lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, trổ đòng, cần duy trì mực nước trên ruộng thích hợp hạn chế rầy chích hút thân cây lúa, khi rầy trưởng thành xuất hiện với mật số cao thì cần can thiệp ngay bằng thuốc bảo vệ thực vật.
SỬ DỤNG NƯỚC HIỆU QUẢ Hiện địa bàn tỉnh có 28 hồ chứa. Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi đã được cải tạo, sửa chữa nên lượng nước cho canh tác nông nghiệp sẽ không gặp khó khăn. Tuy nhiên, các nhà quản lý vẫn khuyến cáo nông dân sử dụng nước tiết kiệm, đề phòng khi thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài xảy ra nguy cơ thiếu nước.
|
Bài, ảnh: QUANG VINH