Cần tính toán kỹ về thuế giá trị gia tăng
Bộ Tài chính tiếp tục gửi Dự thảo tăng thuế đến Bộ Tư pháp thẩm định trước khi đệ trình Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2018 này. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất chuyển một loạt hàng hóa từ chỗ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang chịu thuế, những nhóm hàng đang áp mức 5% hiện tại lên 10% và tăng mức thuế VAT thông thường từ 10% lên 12%.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang đứng trước nhiều áp lực, đặt biệt là giảm thuế theo lộ trình hội nhập quốc tế khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm, việc Bộ Tài chính tìm các kênh để bù hụt thu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện DN cho rằng, tăng thuế VAT sẽ dẫn đến tăng giá và những tác động khác nên cần phải tính toán cụ thể.
Mới đây, tại hội nghị gặp mặt DN và nhà đầu tư với chủ đề “Kinh tế BR-VT phát triển bền vững” diễn ra ngày 4-1, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh nông sản cho biết: Việc tăng thuế VAT theo như phương án của Bộ Tài chính đề xuất sẽ đặt nhiều DN đứng trước khó khăn. “Thông thường, giá cả một loại hàng hóa phải mất 6-7 tháng, thậm chí cả năm mới thay đổi và cũng tùy thuộc vào thực tế thị trường. Trong khi thuế VAT theo dự thảo mỗi năm tăng 1% (năm 2018 nếu dự thảo tăng thuế được thông qua, VAT sẽ là 11%, sang năm 2019 VAT sẽ là 12%). Điều này làm DN hoàn toàn bị động”, ông Lê Minh Tuấn nói.
Việc tăng thuế VAT làm giá cả thị trường tăng theo sẽ tác động rất lớn đến người nghèo. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, bảo đảm tăng trưởng. Mức thuế, phí hiện nay so với thu nhập đã quá cao. Nếu thu thêm bằng biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và DN.
QUANG VŨ