.

Nông dân thấp thỏm vụ dưa hấu Tết

Cập nhật: 16:56, 10/01/2018 (GMT+7)

Do trời mưa nhiều, độ ẩm cao nên vụ dưa hấu Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 không thuận lợi, dưa bị chết nhiều, tỷ lệ đậu trái thấp, trong khi chi phí tăng cao. Thực trạng này khiến người trồng dưa lo lắng.

Nông dân xã An Ngãi (huyện Long Điền) chăm sóc dưa hấu.
Nông dân xã An Ngãi (huyện Long Điền) chăm sóc dưa hấu.

Để chuẩn bị nguồn dưa hấu cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, từ giữa tháng 10 âm lịch, anh Trần Anh Thuận (nông dân xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) đã xuống giống 1 ha dưa. Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thời tiết diễn biến thất thường, liên tục có mưa do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, khiến ruộng dưa của anh bị chết hơn 30%, số còn lại thì chậm phát triển. Chi phí chăm sóc dưa cũng tăng từ 10-15% so với vụ Tết năm ngoái. “Dưa hấu là cây trồng ít chịu nước, trong khi năm nay mưa nhiều, dưa bị ngập úng, thối rễ, vàng lá. Số diện tích còn lại, tôi đang cố gắng chăm sóc, hy vọng từ nay đến Tết, thời tiết ổn định để dưa phát triển bình thường và bán được giá”, anh Thuận nói.

Tình trạng dưa bị chết, sâu bệnh cũng diễn ra tại nhiều ruộng dưa trên địa bàn huyện Long Điền. Vụ dưa hấu Tết năm nay, anh Phạm Văn Việt (thị trấn Long Điền) thuê 1 ha ruộng bỏ trống để trồng dưa. Theo anh Việt, vào thời điểm đầu mùa vụ, do ảnh hưởng của mưa trái mùa nên cây chậm phát triển. Nếu thời tiết thuận lợi thì sau 1 tháng xuống giống, dây dưa đã dài từ 1-1,2m và bắt đầu ra nụ, nhưng năm nay mưa nhiều, ít nắng nên dù đã trồng gần một tháng rưỡi nhưng mỗi dây dưa chỉ dài 50-60cm và chưa cho nụ. Thêm vào đó, không khí ẩm đã tạo thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, nhất là nấm Pseudoperonospora cubensis Roston, khiến lá dưa bị vàng, khô cháy. “Tình hình này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của cây dưa. Vì vậy, mấy hôm nay, tôi đã tăng cường chăm sóc, phun thuốc trừ bệnh, dưỡng cây để dưa lấy sức phát triển trở lại. Việc này làm tăng chi phí, chỉ mong sao giá dưa ổn định để tôi có thể thu hồi vốn”, anh Việt nói.

Có kinh nghiệm trồng dưa hấu hơn 40 năm, ông Trần Văn Tư (xã Tam Phước, huyện Long Điền) cho biết, những năm trước, trồng dưa hấu được xem là nghề đem lại lợi nhuận khá cao vào dịp Tết. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do thời tiết thất thường nên nghề trồng dưa hấu Tết cũng gặp không ít khó khăn. Vụ dưa hấu năm ngoái, với 5 sào đất trồng dưa, ông Tư thu hoạch được 7 tấn trái, với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Tư còn lãi 40 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay thời tiết xấu, mưa nhiều nên dưa bị úng không phát triển được, sâu bệnh lại phát tán mạnh, khiến chi phí tăng 30-40% nhưng năng suất lại giảm. Do vậy, ông Tư chỉ hy vọng, dịp Tết này, dưa được giá để không bị lỗ.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, năm nay, toàn tỉnh xuống giống gần 400 ha dưa hấu để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tăng gần 50 ha so với năm trước. Vùng xuống giống tập trung chủ yếu ở các xã: An Ngãi, Tam Phước (huyện Long Điền); Long Mỹ (huyện Đất Đỏ); Đá Bạc, Suối Rao (huyện Châu Đức). Những giống dưa được nông dân trên địa bàn tỉnh canh tác chủ yếu là Trang Nông, An Tiêm, Hồng Cúc, Rồng Xanh… Đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao. Dưa hấu là giống cây ưa nắng nên khi thời tiết lạnh và có mưa trái mùa thì tỷ lệ đậu trái và quá trình phát triển của dưa sẽ bị ảnh hưởng, ít cho trái to. Trước diễn biến thời tiết năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình dịch bệnh nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời, không để các mầm bệnh trên cây dưa lây lan, phát tán trên diện rộng.

Bài, ảnh: CÁT TƯỜNG

 
.
.
.