.

Kinh tế - Xã hội 2017, một năm nhìn lại: Đánh bắt hải sản đối mặt nhiều thách thức

Cập nhật: 16:56, 10/01/2018 (GMT+7)

Năm 2017, sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh đạt 315 ngàn tấn, tăng 3,24% so với năm 2016. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, ngành đánh bắt hải sản của tỉnh đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: Thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, thường xuyên có bão và thấp nhiệt đới; hoạt động đánh bắt còn mang tính tự phát; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp vẫn còn diễn ra; nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt…

KHAI THÁC THIẾU BỀN VỮNG

Thu mua cá tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền).
Thu mua cá tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền).

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trong tổng số 315 ngàn tấn thủy sản khai thác được trong năm 2017, hơn 75% sản lượng đến từ nghề lưới kéo. Tuy nhiên, đây là nghề có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản cao, tỷ lệ cá tạp nhiều, gây xáo trộn vùng đáy biển, hủy hoại rạn san hô, thảm thực vật biển. Trong khi đó, các loại hình đánh bắt có giá trị kinh tế cao, ít ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi hải sản thì sản lượng lại chiếm tỷ trọng thấp như: Lưới vây (chiếm khoảng 3,95%), lưới rê (7,83%), câu (14,59%). Được biết, hiện toàn tỉnh có 1.702 tàu hành nghề lưới kéo, chiếm 27,09% tổng số tàu đánh bắt thủy sản của tỉnh.

Thêm vào đó, số lượng tàu cá ngày càng tăng cũng khiến ngư trường “chật chội” hơn. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 6.282 tàu hành nghề khai thác thủy sản, trong khi theo quy hoạch, đến năm 2020, đội tàu đánh bắt của tỉnh đạt 5.000 chiếc. Trong đội tàu đánh bắt của tỉnh, số tàu công suất nhỏ (dưới 90CV), đánh bắt gần bờ rất lớn, lên tới 3.192 chiếc (chiếm 50,8% lượng tàu toàn tỉnh). Thực tế này làm mất cân bằng giữa năng lực khai thác và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi. Hiện nay, lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác chiếm tỷ lệ khá lớn (khoảng 30-40%). Sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép khai thác. Ở một số vùng biển có độ sâu dưới 30m, sản lượng đánh bắt đã vượt giới hạn cho phép.

Ông Hồ Văn Điền (ngư dân ấp Phước Thuận, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết: “Những năm trước, với nghề lưới kéo, mỗi chuyến biển kéo dài 15-20 ngày, tôi lãi hơn 50 triệu đồng. Năm nay, nhiều chuyến biển dài đến 25-30 ngày nhưng thu chỉ đủ bù chi do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt”.

Năm 2017, trên vùng biển Việt Nam xuất hiện đến 16 cơn bão, gây nhiều khó khăn cho bà con ngư dân. Ông Trần Đình Đăng (ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, ông có 5 đôi tàu hành nghề lưới kéo, mỗi chuyến ra khơi phải đầu tư 150-200 triệu đồng để mua nhiên liệu, thực phẩm, nước đá... Năm nay, do mưa bão liên tiếp, có hơn 10 chuyến biển tàu vừa ra khơi đánh bắt đã phải quay về trú bão, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

XỬ LÝ NGHIÊM CHỦ PHƯƠNG TIỆN ĐÁNH BẮT TRÁI PHÉP

Tàu cá neo đậu tại cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ).
Tàu cá neo đậu tại cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ).

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, để giảm số lượng tàu lưới kéo và giảm dần khai thác hải sản ven bờ, Chi cục Thủy sản tỉnh đã và đang tăng cường giám sát việc đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; không cho đóng mới tàu cá có chiều dài dưới 15m, công suất máy dưới 90CV và tàu cá hành nghề lưới kéo. Đồng thời, khuyến khích ngư dân chuyển đổi tàu hành nghề lưới kéo sang nghề lưới rê, câu, vây, lồng bẫy; tăng cường hỗ trợ bà con ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá khai thác xa bờ công suất trên 90CV và ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm.

Một trong những “điểm nóng” của ngành thủy sản năm 2017 là ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EU) đã “rút thẻ vàng” (hình thức cảnh cáo chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt) đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Tại BR-VT, trong năm 2017, tình trạng tàu thuyền của ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép vẫn còn xảy ra. Trong năm, có 71 tàu, với 528 ngư dân BR-VT bị nước ngoài bắt giữ, tăng 36,5% so với năm 2016.

Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại Cảng cá Bến Đình (TP.Vũng Tàu). Ảnh: NGÔ THANH
Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại Cảng cá Bến Đình (TP.Vũng Tàu).

Để khắc phục tình trạng trên, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 24 về tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, tỉnh kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có phương tiện tái phạm đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài; tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hạn chế phát triển tàu vỏ gỗ, ưu tiên đóng mới tàu vỏ thép, composite có kích thước, công suất lớn, trang bị hiện đại; buộc các tàu khai thác hải sản xa bờ, có công suất máy chính từ 90CV trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác, tiêu thụ, chế biến hải sản trái phép.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ trước khi xuất bến làm cam kết không đưa tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…

Bài, ảnh: NGÔ THANH

.
.
.