DN cần nhiều hỗ trợ để hiện thực hóa ý tưởng
Thông qua các cuộc thi Ý tưởng khoa học do Sở KH-CN tỉnh tổ chức, nhiều ý tưởng đã trở thành hiện thực, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Từ bến du thuyền Vũng Tàu Marina (KCN Đông Xuyên) chạy về hướng Sao Mai - Bến Đá, chỉ mất 5 phút ngồi ca nô, chúng tôi đã đặt chân lên cù lao Bãi Ngựa. Nằm bên bờ sông Dinh, đối diện các cảng dầu khí. Xung quanh cù lao được che chắn bởi các loại cây sú, vẹt, đước lâu năm, tán rộng đan vào nhau như bức tường ngăn sóng. Địa hình bên trong đùng chia cắt thành nhiều lạch nhỏ. Ngồi xuồng len lỏi giữa rừng đước, sú, vẹt cả trăm năm tuổi, càng cảm nhận được cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, không khí trong lành, mát mẻ.
Hòn đảo nhỏ hoang sơ này giờ đây đã có những cây cầu bằng gỗ, những nhà sàn lợp mái nằm trong rừng đước và các dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí. Khách du lịch đến đây có thể đặt những món ăn ngon như cá đối, ốc hương, hàu, cua, ghẹ… Trên cù lao cũng đã có điện, nước, phương tiện thể thao dưới nước như thuyền buồm, kayak, xe đạp nước… để khách vui chơi trọn ngày.
Điểm du lịch đó đã thành hình khi ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt - Séc đưa ý tưởng “Phát triển du lịch sinh thái trên cù lao Bãi Ngựa, TP. Vũng Tàu” tham gia cuộc thi “Ý tưởng khoa học tỉnh BR-VT lần thứ II năm 2016-2017”. Theo ông Vũ Văn Đảo, cù lao Bãi Ngựa có diện tích hơn 115ha, trong đó, hơn 50ha đang được sử dụng làm kho chứa dầu, phần còn lại là vùng đầm trũng, rừng ngập mặn, thiên nhiên hoang sơ.
Với mong muốn tạo ra sản phẩm mới trên cơ sở bảo tồn nguyên trạng tự nhiên cù lao Bãi Ngựa, Công ty CP Công nghệ Việt Séc đề xuất được tạm đầu tư khai thác du lịch sinh thái kết hợp tổ chức các hoạt động: câu cá, khám phá rừng ngập mặn... Ý tưởng này đã nhận được sự đồng thuận cao của hội đồng giám khảo bởi tính đột phá, mang lại lợi ý kinh tế cho địa phương. Hiện công ty đã đầu tư 5 tỷ đồng để cải tạo các bờ hồ nuôi cá, tạo môi trường sinh thái cho chim cò về trú ngụ; nhà chòi; khu vui chơi dưới nước. Ước tính để đầu tư hoàn chỉnh phải mất 5 năm với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. “Tôi mong muốn chính quyền địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục giao đất; hỗ trợ DN về thủ tục đầu tư xây dựng. Đồng thời có các cơ chế, chính sách cho DN vay vốn ưu đãi để dự án sớm hoàn thiện, đưa vào phục vụ khách du lịch”, ông Đảo nói.
Ông Vũ Văn Đảo (giữa) giới thiệu với khách về ý tưởng phát triển du lịch sinh thái trên cù lao Bãi Ngựa, TP.Vũng Tàu. Ảnh: QUANG VŨ |
Cũng tại cuộc thi “Ý tưởng khoa học tỉnh BR-VT lần thứ II” ở lĩnh vực chế biến hải sản, một ý tưởng nhận được sự quan tâm của nhiều người đó là “Mô hình nhà kính phơi hải sản sử dụng năng lượng mặt trời” của nhóm các tác giải Lê Thị Quỳnh Trang, Nguyễn Minh Tâm, Ngô Văn Chí Quang (công tác tại Trung tâm ứng dụng KH-CN).
Chị Lê Thị Quỳnh Trang, thành viên của nhóm cho biết, phơi hoặc sấy hải sản là công đoạn quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng hải sản nhưng hiện nay các hình thức phơi khô thủ công trên địa bàn tỉnh không bảo đảm hiệu quả cả về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, nhóm của chị đã đưa ra ý tưởng sử dụng hiệu ứng nhà kính để phơi sản phẩm hải sản, nhằm kéo dài thời gian sử dụng và mang lại giá trị cao hơn.
Theo chị Trang, kinh phí đầu tư nhà kính này khoảng 200-300 triệu đồng/nhà cho diện tích phơi khoảng 200-300m2 bao gồm nhà kính, hệ thống sấy khô và hệ thống thoát nước. Giải pháp này nếu được ứng dụng vào thực tiễn sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm hải sản. “Tuy nhiên, kinh phí đầu tư tương đối lớn, để khuyến khích ứng dụng vào thực tiễn, cần có cơ chế hỗ trợ theo hình thức nhà nước và DN cùng làm”, chị Trang đề nghị.
Trong khi đó, các giải pháp về giao thông - đô thị cũng được nhiều cá nhân, đơn vị quan tâm đưa ra những ý tưởng mới lạ. Trên thực tế, mạng lưới tuyến buýt của tỉnh chưa phủ khắp trên địa bàn tỉnh, thiếu các tuyến buýt hoạt động trong khu vực nội đô, cơ chế chính sách tổ chức, quản lý và hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa phù hợp với tình hình phát triển hiện nay…
Từ thực tế đó, tác giả Trần Thượng Chí và Nghiêm Viết Hùng (Sở GT-VT) đã đề xuất tạo ra một hệ thống xe buýt gồm tuyến buýt nhanh Vũng Tàu – Bà Rịa – Tân Thành và các tuyến gom tại các đô thị, với chất lượng dịch vụ tốt, an toàn, thuận tiện, sạch đẹp, lịch sự, đúng giờ để thu hút người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt. Theo đó, giải pháp tuyến xe buýt nhanh Vũng Tàu - Bà Rịa - Tân Thành và các tuyến xe buýt kết nối trong nội đô” sẽ giảm thiểu áp lực lên hệ thống giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Theo ông Nghiêm Viết Hùng, đồng tác giả ý tưởng, để phát triển ý tưởng này vào thực tiễn, các cơ quan chức năng cần có chính sách thu hút đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực khai thác vận hành.
Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khoa học lần thứ II”, 26 ý tưởng đạt giải tại cuộc thi đều có tính khả thi, có thể phát triển thành các đề tài, dự án khoa học phục vụ cuộc sống. “Chúng tôi sẽ ưu tiên xem xét các ý tưởng có tính ứng dụng cao để đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát triển các ý tưởng và thúc đẩy các ý tưởng được ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống”, ông Quang nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ