Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KH-CN
Thời gian qua, nhiều sản phẩm, công trình, dự án KH-CN có tính ứng dụng cao vào thực tiễn được nhận được các giải thưởng cao tại các cuộc thi. Trong ảnh: Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giải cho các tác giả đạt giải thưởng KH-CN tỉnh năm 2016. |
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KH-CN là nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KH-CN của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đề cập tới.
Dự án “Nhân rộng mô hình chống sét hỗ trợ cho người dân ở huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ” (TS. Nguyễn Xuân Anh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý - Địa cầu, Viện KH-CN Việt Nam, làm chủ nhiệm) do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN chủ trì đã được triển khai từ năm 2006. Đến nay, đã có 100 hộ dân được lắp đặt hệ thống chống sét miễn phí với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó có 51 hộ ở huyện Xuyên Mộc và 49 hộ ở huyện Đất Đỏ. TS. Nguyễn Xuân Anh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý - Địa cầu, Viện KH-CN Việt Nam cho biết, hệ thống chống sét đã được lắp đặt tại 2 huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ tương đối rẻ (trung bình 10 triệu đồng/hệ thống) nhưng mang lại hiệu quả cao, góp phần hạn chế tình trạng sét đánh, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Việc lắp dựng hệ thống chống sét khá đơn giản, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Toàn bộ ngôi nhà được bảo vệ bằng những kim thu sét gắn trên mái nhà. Sau đó, bộ phận kim thu được nối với bộ phận tiếp đất qua dây xuống. Dây xuống được đặt sao cho giữa điểm sét đánh và đất để dòng điện có thể chạy theo nhiều đường song song. Bộ phận tiếp đất được thiết kế dựa trên việc đo điện trở suất của đất tại từng khu vực…
Nhà chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ở địa chỉ 6Ô3/1 khu phố Hải Sơn, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) được lắp đặt hệ thống chống sét từ năm 2009. Đã 8 mùa mưa qua, nhà chị Trang không bị sét đánh cháy các thiết bị dùng điện trong nhà như những hộ gia đình khác. Chị Trang cho biết: “Trong trận mưa lớn kèm theo giông sét hồi đầu tháng 8-2017, một số nhà bị sét đánh cháy tivi, còn nhà tôi vẫn an toàn nhờ vào hệ thống chống sét”.
Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào cuộc sống không chỉ được các cơ quan quản lý Nhà nước triển khai thực hiện mà còn lan tỏa đến khắp các đơn vị, DN, góp phần thúc đẩy phong trào ứng dụng KH-CN trong tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hơn 20 năm qua, tại Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan thuộc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã hình thành một nhóm ứng dụng và phát triển công nghệ giải quyết được nhiều khó khăn về mặt KH-CN. Nhiều công trình của nhóm được đánh giá cao và đạt giải thưởng trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật các cấp, góp phần giúp XN khắc phục sự lạc hậu công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh. Một trong những sáng kiến có giá trị nhất từng đạt Giải bạc Hội thi Sáng chế quốc tế Seoul SIIF 2012 tại Seoul (Hàn Quốc) là giải pháp “Hệ thống máy đo carota độ lệch liên tục đường kính 60mm”. Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang người trực tiếp thiết kế và xây dựng các hệ thống thiết bị địa vật lý chuyên ngành cho biết, hệ thống này đã được đăng ký độc quyền sáng chế với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Theo kỹ sư Quang, hệ thống máy đo carota độ lệch liên tục đường kính 60mm bảo đảm mang đến những số liệu chính xác khi đo địa vật lý, giúp xử lý, luận giải địa chất. Hệ thống này rất phù hợp với các giàn khoan bị hạn chế về mặt không gian. Những sáng kiến, sáng chế của nhóm đã góp phần tiết kiệm chi phí, chủ động công nghệ và làm lợi cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro hàng trăm ngàn USD.
Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, những năm gần đây, nhiều đề tài, dự án KH-CN được ứng dụng trong thực tế phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, các ứng dụng KH-CN đã đóng góp 30% giá trị tăng thêm. Các nghiên cứu, ứng dụng KH-CN thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, dầu khí, tài nguyên – môi trường… đã giúp các đơn vị, DN giảm nhân công, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho đời sống dân sinh.
Ông Mai Thanh Quang cho biết thêm, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KH-CN đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 đặt ra mục tiêu là tạo ra bước phát triển mới trong công tác nghiên cứu ứng dụng KH-CN để đến năm 2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm. Theo đó, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các chương trình, đề tài dự án KH-CN, tỉnh BR-VT sẽ tập trung ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống ở các lĩnh vực: Ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp, nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; phòng chống xói mòn bờ biển và các ao xoáy tại các bãi biển; tiết kiệm năng lượng; cải cách hành chính, xã hội nhân văn…
Một trong những đề án KH-CN được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt tại Nghị quyết về phát triển KH-CN tỉnh đến năm 2020 là đề án “Giao thông thông minh”. Hiện tại, Sở KH-CN đang triển khai thí điểm mô hình “Ngã tư thông minh” - một trong những mô hình của đề án “Giao thông thông minh” - tại giao lộ Huỳnh Minh Thạnh và 27-4 (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc). Theo đó, Sở KH-CN đã lắp đặt các camera giám sát giao thông và hệ thống cảm biến laser. Diễn biến giao thông tại khu vực này được truyền về trung tâm điều khiển để giám sát, xử lý. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng có thể sử dụng điện thoại di động để quan sát, theo dõi tình hình giao thông tại khu vực này từ xa. Mô hình “Ngã tư thông minh” giúp lực lượng chức năng trong việc điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông, xử phạt nguội các hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Mặt khác, mô hình này có thể tích hợp tính năng phân luồng giao thông, điều khiển tín hiệu đèn giao thông theo lưu lượng phương tiện. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ