.

Khoa học - công nghệ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 08:58, 09/10/2017 (GMT+7)
Người dân xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) trồng thanh long ruột đỏ theo chuẩn VietGAP.
Người dân xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) trồng thanh long ruột đỏ theo chuẩn VietGAP.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh BR-VT đã tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) trong chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân…

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến tháng 9-2017, toàn tỉnh có 19/45 xã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM, tăng 4 xã so với cuối năm 2016. Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người tại các xã đạt chuẩn NTM của tỉnh đạt 35-45 triệu đồng/năm, tăng khoảng 20 triệu đồng so với năm 2010. 

Ông Nguyễn Kim Trường, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, để đạt kết quả trên, có vai trò không nhỏ của việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Thời gian qua, nhiều đề tài, dự án KH-CN được ứng dụng tại các xã NTM như: Dự án nhân rộng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP trên địa bàn xã Bông Trang và Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc); Dự án trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP và liên kết đầu ra cho sản phẩm tại xã Quảng Thành (huyện Châu Đức); Dự án trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP tại xã Sông Xoài (huyện Tân Thành); Dự án trồng mãng cầu ta theo chuẩn VietGAP tại xã Long Mỹ, Láng Dài (huyện Đất Đỏ)...

Bên cạnh đó, Sở KH-CN cũng triển khai thực hiện một số dự án tại các xã xây dựng NTM như: Xây dựng mô hình giám sát và điều khiển chất lượng nước tự động trong nuôi tôm thương phẩm tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc); lắp đặt hệ thống hầm Biogas Composite và mô hình nuôi gà thương phẩm trên đệm lót sinh học tại nhiều xã NTM trên địa bàn tỉnh…

HTX Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất ca cao Xà Bang (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) ứng dụng KH-CN để chế biến ca cao cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Cán bộ xã Xà Bang (phải) thăm vườn ca cao của HTX.
HTX Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất ca cao Xà Bang (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) ứng dụng KH-CN để chế biến ca cao cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong ảnh: Cán bộ xã Xà Bang (phải) thăm vườn ca cao của HTX.

Ngoài ra, thông qua 35 Trạm thông tin KH-CN của tỉnh, ngành KH-CN đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến khoa học kỹ thuật, giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất có năng suất, giá trị kinh tế cao. Tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành), thời gian qua, hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức. Nhờ đó, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Từ một xã thuần nông, thu sau 6 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của xã Tóc Tiên hiện đã đạt gần 41 triệu đồng/người/năm, góp phần hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM. Mô hình nuôi cá diêu hồng trong ao đất của anh Nguyễn Văn Quang, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) là một ví dụ. Theo anh Quang, cá diêu hồng tuy khó nuôi (thường thích hợp với hình thức nuôi trong lồng bè) nhưng nhờ tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Trạm thông tin KH-CN tổ chức, anh đã mạnh dạn nuôi cá diêu hồng trong ao đất. Với diện tích ao 1.000m2, anh Quang thả 10.000 con cá giống, sau 7 tháng thu hoạch 1 lần. Với giá bán 28-30 ngàn đồng/kg, mỗi vụ, anh thu lãi hàng chục triệu đồng. 

Xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) là một trong những xã thực hiện xây dựng NTM giai đoạn (2013-2015). đến nay, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và ứng dụng các mô hình KH-CN vào sản xuất thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Anh Lương Ngọc Tĩnh (tổ 9, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) cho biết, trước đây, với diện tích 10 sào đất, anh trồng mì cao sản, nhưng mì ngày càng rớt giá nên thu nhập ngày càng thấp. Năm 2010, anh chuyển 2 sào sang trồng cây mãng cầu ta theo chuẩn VietGAP. Từ năm 2014 đến nay, cây mãng cầu ta cho năng suất 3-4 tấn/sào, mỗi năm thu hoạch được 2-3 vụ, giá bán tại vườn khoảng 30-45 ngàn đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập gia đình ngày càng cải thiện. “Qua các lớp tập huấn KH-KT trong trồng cây mãng cầu ta, tôi đã ứng dụng thành công vào thực tiễn, năng suất cây trồng ngày càng tăng, giúp tăng thu nhập”, anh Tĩnh nói.

Trong năm 2017, Sở KH-CN đã hoàn thành một số đề tài, dự án như: Đề tài nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề tại tỉnh BR-VT; Đề tài nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mao ếch; Dự án nhân rộng mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Xuyên Mộc theo hướng VietGAP. Các đề tài, dự án này đã góp phần đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.