Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Bà Nguyễn Thị Triền chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
|
Thời gian qua, các tiến bộ KH-CN đã được Sở KH-CN đẩy mạnh ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân chăn nuôi và sản xuất theo hướng bền vững.
Theo thống kê của Sở KH-CN, mỗi năm có gần 10 đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn. Trong đó, có đến 80% thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, đã có gần 100 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, nuôi trồng thủy sản, chế biến sau thu hoạch... được tỉnh cấp kinh phí thực hiện. Một số đề tài được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực như: áp dụng quy trình sản xuất, xây dựng nhà lưới, nhà màng, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau, nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho một số loại cây trồng như bưởi da xanh Sông Xoài (huyện Tân Thành), rau an toàn (huyện Tân Thành, Đất Đỏ), thanh long ruột đỏ (huyện Xuyên Mộc)... Ngoài ra, một số giống trái cây như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta còn được bảo tồn gen và phát triển đặc sản quý để xây dựng thương hiệu...
Bà Nguyễn Thị Triền (ấp 1, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) hiện đang trồng 400 trụ thanh long ruột trắng và 400 trụ thanh long ruột đỏ theo chuẩn VietGAP. Hàng ngày, bà Triền ghi chép cẩn thận quy trình chăm sóc thanh long vào sổ tay. Theo bà Triền, trồng thanh long theo chuẩn VietGAP đòi hỏi nông dân phải tuân thủ các quy định nhằm giữ sản phẩm sạch từ khâu trồng tới thu hái và vận chuyển. Đất trồng phải được kiểm định về độ pH, không nhiễm kim loại nặng và cách xa các khu vực có nguy cơ ô nhiễm. Thanh long VietGAP cho năng suất cao, ít sâu bệnh hơn, quả đẹp, ngọt và bảo đảm ATVSTP cho người sử dụng do không dùng thuốc trừ sâu độc hại. Với giá bán gấp đôi thanh long thường, từ 30.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 140-150 triệu đồng/năm.
Không chỉ trồng trọt, hiện nay các trang trại chăn nuôi cũng đang từng bước thay đổi cách làm truyền thống, chuyển sang áp dụng tiến bộ KH-KT vào chăn nuôi. Trang trại chăn nuôi vịt chuồng lạnh của ông Phạm Văn Đạo (ấp 4, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) cũng là một ví dụ về thành công trong ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng ông Phạm Văn Đạo đã xây 1 trại kín nuôi gần 2.500 con vịt giống của Pháp và kho lạnh chứa trứng. Theo ông Đạo, ưu điểm của chuồng kín là nhiệt độ bên trong chuồng luôn được điều hòa ổn định từ 24-250C nên vịt sẽ mát và hạn chế được dịch bệnh. “Mô hình chăn nuôi khép kín bằng phòng lạnh sẽ hạn chế gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm sạch, trứng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Với giá bán 8.500 đồng/trứng, mỗi tháng chúng tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng”, ông Đạo cho biết.
Đánh giá của Sở NN-PTNT cũng cho thấy, việc ứng dụng tiến bộ KH-CN vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi hàng năm đều tăng, góp phần nâng mức tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm 6-7%. Bên cạnh đó, các đề tài, dự án KH-CN ngành nông nghiệp trong tỉnh đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, hiện đại.
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH-CN giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần đa dạng hóa các cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở này, Sở sẽ tiếp tục phối hợp, nắm bắt những ứng dụng khoa học mới để triển khai, áp dụng tại địa phương.
ÔNG ĐỖ HỮU HIỀN, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ: Công nghệ sinh học phải là khâu đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp Để phát huy vai trò của KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh cần hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực then chốt như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghệ môi trường… Trong đó, công nghệ sinh học phải là khâu đột phá, thông qua hoạt động lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao đáp ứng yêu cầu thị trường và phục vụ nhu cầu xuất khẩu, từng bước tiến lên công nghệ cao trên cơ sở nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm. Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong phát triển KH-CN UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KH-CN tỉnh BR-VT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%/năm; thực hiện kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… Các lĩnh vực được ưu tiên trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ xanh, công nghệ sạch; môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng đô thị thông minh… |
Bài, ảnh: QUANG VŨ