Trang bị công nghệ hiện đại cho tàu cá
Tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép hiện đại của ngư dân Thái Thuần Tốt (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). Ảnh: THÀNH HUY |
Hội thảo khoa học kỹ thuật “Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ thông minh cho nghề khai thác hải sản xa bờ tỉnh BR-VT” do Trường ĐH BR-VT tổ chức ngày 10-8 đã mang đến những giải pháp hay mà ngư dân có thể áp dụng dễ dàng cho tàu cá, nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo quản sản phẩm.
Hội thảo có sự tham gia của các thạc sĩ, tiến sĩ đến từ Viện CNTT - Điện điện tử; Viện Kỹ thuật - Kinh tế biển; các nhà quản lý; ngư dân và đông đảo SV Trường ĐH BR-VT. Bên cạnh ý kiến của ngư dân chia sẻ về hiệu quả từ áp dụng giải pháp công nghệ trong đánh bắt hải sản, tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu nhiều giải pháp thông minh phục vụ cho nghề cá, cả trong đánh bắt lẫn dịch vụ hậu cần.
Chẳng hạn với phần mềm quản trị sản xuất PM18 - theo giới thiệu của Tiến sĩ Phan Ngọc Hoàng, Phó Viện trưởng Viện CNTT - Điện điện tử - phần mềm này có thể giúp ngư dân quản lý nhập, xuất nước đá xay của tàu; quản lý, nhập xuất hải sản từ biển về đất liền theo chuyến đi, theo thời gian (tuần, tháng, quý), theo đối tác, theo loại hải sản… PM18 còn có chức năng quản lý sản xuất từ xa (trong đất liền) với một số tàu dịch vụ. Giải pháp này khá đơn giản, theo đó, các tàu cá chỉ cần cài phần mềm, trang bị 1 máy tính ở đất liền, 1 máy tính ở mỗi tàu dịch vụ hậu cần là có thể áp dụng được.
Còn Ths.Trần Thị Duyên (giảng viên Viện Kỹ thuật - Kinh tế biển) giới thiệu giải pháp về bảo quản sản phẩm sau thu hoạch thủy sản trên các tàu khai thác xa bờ bằng hầm bảo quản với vật liệu Foam P.U. Với giải pháp này, vách hầm sau khi được bơm foam PU vào bên trong sẽ được vệ sinh sạch, quét keo làm kín bề mặt gỗ của vách hầm tàu, ngăn nước thẩm thấu. Theo tính toán, hầm bảo quản bằng công nghệ PU có thể tiết kiệm được khoảng 30% lượng đá hao hụt, kéo dài thời gian bảo quản, làm tăng chất lượng nguyên liệu thủy sản. Nếu sử dụng hầm bảo quản này, trung bình mỗi chuyến biển ngư dân có thể tăng thu nhập khoảng 15 triệu đồng…
Bên cạnh 2 giải pháp nói trên, tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu một số giải pháp về vận chuyển nước đá xay; phần mềm logistics cho dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; hệ thống IE18 - điều khiển thiết bị điện thông minh và camera đàm thoại hai chiều cho tàu dịch vụ hậu cần...
Theo ông Bùi Huy Chịch, Phó Phòng Quản lý công nghệ, Sở KH-CN, những giải pháp được giới thiệu tại hội thảo đều là những giải pháp ứng dụng không mấy phức tạp và hoàn toàn có thể triển khai ngay đối với các tàu cá. Tuy nhiên, hiện nay, số tàu các của ngư dân có trang bị, áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là chưa nhiều. Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN-PTNT), đến nay, mới chỉ có 60 máy dò ngang được ngư dân huyện Long Điền và TP. Vũng Tàu lắp đặt; 4 tàu lắp đặt radar kết hợp hệ thống nhận dạng AIS; 8 tàu xây dựng hầm bảo quản PU... Đây là những con số rất nhỏ so với tổng số hơn 6.280 tàu khai thác thủy sản (50% là tàu đánh bắt xa bờ) của tỉnh BR-VT. Chính vì vậy, theo Sở NN-PTNT, thất thoát sau khai thác vẫn chiếm tỷ trọng lên tới hơn 30%.
“Nếu áp dụng tốt các giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại, trong đó có những giải pháp được nêu ra tại hội thảo thì ngư dân có thể cải thiện nhanh năng suất khai thác, tăng hiệu quả trong bảo quản hải sản”, ông Bùi Huy Chịch khẳng định.
TRANG BỊ HIỆN ĐẠI, NGƯ DÂN KHÔNG PHẢI MÒ MẪM TRÊN BIỂN * Việc áp dụng các loại máy dò ngang, định vị hiện đại GPS trên tàu cá giúp cho đội tàu đánh bắt gồm 10 chiếc của gia đình tôi đánh bắt thuận lợi, không mất nhiều thời gian tìm luồng cá. Tôi đã hoàn thành đóng mới con tàu dịch vụ trị giá gần 37,5 tỷ đồng, nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Tôi sẽ áp dụng các giải pháp được giới thiệu tại hội thảo cho tàu dịch vụ của mình, nhất là công nghệ vận chuyển đá xay sang tàu cá, hệ thống quản lý PM18. (Ngư dân Thái Thuần Tốt, * Việc lắp đặt máy thông tin liên lạc VX-1700, giúp ngư dân xác định rõ vị trí tàu. Đặc biệt, với thiết bị này, tàu có thể chủ động phòng tránh, tìm nơi trú ẩn hoặc vào bờ kịp thời khi có bão, giúp các tàu cá xử lý tốt hơn các tình huống nguy hiểm, nhất là trong phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. (Ngư dân Trần Ngọc Mạy, |
THÀNH HUY, MINH TÂM
BÀN GIAO TÀU “67” DỊCH VỤ HẬU CẦN VỎ THÉP
Ngày 10-8, tại cảng Hải đoàn Biên phòng 18 (phường 12, TP. Vũng Tàu), Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ đóng sửa tàu thuyền Yến Vân (phường 11, TP. Vũng Tàu) đã bàn giao tàu vỏ thép BV96789TS (ảnh) cho ngư dân Thái Thuần Tốt (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). Đây là tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép thứ 6 được đóng mới bằng nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Tàu dài 52,9m, rộng 9,29m, trang bị 2 động cơ mới 100% hiệu Mitsubishi, công suất 1032CV mỗi máy, sức chở của tàu lên đến 1.500 tấn.
Chủ tàu Thái Thuần Tốt cho biết, theo quy định của Nghị định 67, ông được vay 35 tỷ đồng từ Ngân hàng NN-PTNT, Chi nhánh huyện Long Điền để đóng mới tàu vỏ thép hành nghề dịch vụ hậu cần thủy sản. Tổng mức đầu tư của con tàu khi hoàn chỉnh gần 37,5 tỷ đồng. Sau khi hạ thủy cuối tháng 4-2017 và tiếp tục hoàn thiện nội thất, chạy thử, đến nay tàu đã được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá khu vực phía Nam thuộc Tổng cục Thủy sản nghiệm thu kỹ thuật đạt tiêu chuẩn. Dự kiến cuối tháng 8-2017, tàu sẽ vươn khơi phục vụ hậu cần thủy sản tại ngư trường Trường Sa.