Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao (thứ hai từ phải qua) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong nông nghiệp. |
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên phát triển, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp. Triển khai chương trình này, ngày 24-8, Sở KH-CN phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị bàn về vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp với sự tham dự của 250 đoàn viên, thanh niên.
Tại hội nghị, ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã là phong trào lan tỏa khắp cả nước. Tỉnh BR-VT đã phát động cuộc thi đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một trong những lĩnh vực được tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để khởi nghiệp. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công như mô hình nông trại ViFarm, ca cao Thành Đạt, nuôi hàu Thái Bình Dương, trồng rau trong nhà màng ở Đất Đỏ, trồng thanh long ruột đỏ, các mô hình chăn nuôi bằng công nghệ sinh học - vi sinh… Các mô hình này chủ yếu là áp dụng KH-CN vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao, BR-VT có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. BR-VT có vị trí thuận lợi gần TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, do đó các sản phẩm nông nghiệp của BR-VT sẽ không lo về thị trường chỉ gắn với địa phương mà còn có thể phục vụ cho các tỉnh lân cận. Đặc biệt, BR-VT là một tỉnh có thế mạnh về phát triển du lịch nên đầu tư cho nông nghiệp cũng chính là đầu tư để thu hút khách du lịch. Vì vậy, đối với các DN, cá nhân muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần nắm bắt được yếu tố này. “Theo tôi, có rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao có thể áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho BR-VT như những khu du lịch sinh thái, vườn sinh thái (trồng cây ăn trái, rau củ quả, chăn nuôi công nghệ cao…) kết hợp với tham quan du lịch. Hay những sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh như tiêu, nhãn, mãng cầu ta, bưởi da xanh… cần phát triển bài bản, sau đó nhân rộng và tạo thành những điểm đến hấp dẫn du khách”, ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ông Lê Minh Nhựt, Giám đốc vận hành Quỹ khởi nghiệp DN KH-CN Việt Nam cho biết, nếu có các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp tại BR-VT, Quỹ sẽ hỗ trợ về đào tạo kỹ năng cơ bản trong quá trình khởi nghiệp (xây dựng kế hoạch, tìm kiếm thị trường, kỹ năng điều hành, lãnh đạo…). Sau khi dự án khởi nghiệp nông nghiệp cho ra sản phẩm, Quỹ khởi nghiệp DN KH-CN sẽ bắt đầu vai trò kết nối chủ các dự án khởi nghiệp nông nghiệp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để các sản phẩm nông nghiệp tìm được thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
Anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh đoàn phân tích: Hội nghị “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” là hoạt động khởi đầu giúp các bạn trẻ, ĐVTN có cơ hội nắm bắt đầy đủ các thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, những kinh nghiệm khởi nghiệp từ các chuyên gia. Qua đó, tạo động lực giúp các bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp.
VIFARM ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRỒNG RAU
Với khuôn viên 4.000m2, hiện trang trại ViFarm (phường 12, TP. Vũng Tàu) đang ứng dụng công nghệ trồng rau trên giàn thủy canh hồi lưu, với các loại rau ăn lá chủ yếu như: rau muống, cải thìa, cải ngọt, bẹ xanh mỡ, xà lách tím, xà lách Ý... Trung bình mỗi tháng, trang trại cung ứng khoảng 5 tấn rau ra thị trường. Nông trại ViFarm hiện đang sở hữu những công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp. Việc canh tác ở đây đều được thực hiện trong nhà kính, cách ly với môi trường bên ngoài. Sản phẩm của ViFarm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn rau an toàn, được kiểm nghiệm và xác nhận bởi Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh và Sở NN-PTNT. QUY HOẠCH 5.095 HA PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04/ĐA/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, tổng diện tích dự kiến quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 5.095ha để kêu gọi các DN trong và ngoài nước đầu tư tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành và Đất Đỏ. Đến nay, đã có 28 DN đăng ký xin giao đất với diện tích hơn 2.500ha để thực hiện các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Đề án 04, chủ yếu tập trung các lĩnh vực trồng trọt như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel kết hợp bón phân… |
Bài, ảnh: QUANG VŨ