.

Luật Xây dựng 2014: Đột phá trong quản lý chất lượng xây dựng

Cập nhật: 08:49, 19/03/2015 (GMT+7)

Theo đánh giá của các DN và cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh, Luật Xây dựng năm 2014 (thay thế cho Luật Xây dựng năm 2003, đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) sẽ khắc phục được tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng và nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác quản lý dự án, nhất là với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Luật Xây dựng 2014 có nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm siết chặt và quản lý hoạt động xây dựng. Trong ảnh: Thi công công trình cụm chung cư DIC PHOENIX tại khu trung tâm đô thị Chí Linh Vũng Tàu.
Luật Xây dựng 2014 có nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm siết chặt và quản lý hoạt động xây dựng. Trong ảnh: Thi công công trình cụm chung cư DIC PHOENIX tại khu trung tâm đô thị Chí Linh Vũng Tàu.

Theo ông Nguyễn Trung Lương, Phó Trưởng phòng Giám định, Sở Xây dựng, trước đây, theo Luật Xây dựng 2003, việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng được thể hiện trong các quy định về phân cấp quyết định đầu tư, phân quyền đối với chủ đầu tư chưa phù hợp với năng lực quản lý và thiếu các cơ chế kiểm tra, giám sát cần thiết. Do vậy, đã dẫn đến tình trạng có chủ đầu tư không chuyên nghiệp kể cả về mặt thẩm định và quyết toán, từ đó đưa ra các giải pháp thiết kế không hợp lý, kiểm soát quá trình thi công chưa hiệu quả khiến công trình không đạt chất lượng, lãng phí trong xây dựng. Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa được cụ thể hóa trong các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu và bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả thấp...

Thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Long Sơn (TP. Vũng Tàu). Ảnh: BÙI HƯƠNG
Thi công hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Long Sơn (TP. Vũng Tàu). Ảnh: BÙI HƯƠNG

Vì vậy, một trong những thay đổi quan trọng của Luật Xây dựng năm 2014 là quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng cách đổi mới mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa. Nghĩa là các dự án sử dụng vốn nhà nước đều lựa chọn áp dụng mô hình tổ chức ban quản lý dự án để trực tiếp quản lý từng dự án đầu tư xây dựng đơn lẻ. Cách làm này dẫn đến gia tăng về số lượng ban quản lý dự án, nhưng hạn chế về năng lực. Để khắc phục, Luật đã quy định mô hình tổ chức ban quản lý dự án theo khu vực để quản lý đồng thời một số dự án sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn, dự án theo tuyến, hoặc mô hình ban quản lý dự án chuyên ngành để quản lý đồng thời các dự án chuyên ngành (như xây dựng dân dụng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, thủy lợi, thông tin truyền thông...). Điểm mới này sẽ giúp giảm bớt số lượng các ban quản lý dự án, tiết kiệm kinh phí, khắc phục tình trạng dự án kéo dài, đội giá, chất lượng kém, thất thoát...

Theo ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng, Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng (người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn) trong từng khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Quy định thống nhất thanh tra xây dựng (trực thuộc Bộ Xây dựng và trực thuộc các Sở Xây dựng) là cơ quan thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động đầu tư xây dựng. Với các quy định chặt chẽ, rõ ràng sẽ góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

PHƯƠNG ANH

 

ÔNG TRỊNH ĐÌNH DŨNG, BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG:

Quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng

Luật Xây dựng 2014 điều chỉnh đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong các dự án đầu tư xây dựng sử dụng mọi loại nguồn vốn khác nhau và xuyên suốt toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng (quá trình tạo lập ra sản phẩm công trình xây dựng), bao gồm các khâu: Lập quy hoạch xây dựng, lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, cho đến nghiệm thu, bàn giao đưa công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng và bảo hành, bảo trì, bảo hiểm công trình xây dựng.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tập trung quản lý về: Quy hoạch xây dựng, quy chuẩn tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh. Riêng đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước, ngoài các nội dung trên, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành còn phải quản lý chặt chẽ về chất lượng và chi phí đầu tư xây dựng ngay từ khâu “tiền kiểm” thông qua việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán, nhằm nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

ÔNG TRỊNH HÀNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ (UDEC):

Chuyên nghiệp hóa quản lý dự án đầu tư xây dựng

Nét đổi mới chính của Luật Xây dựng 2014 là yêu cầu phải thành lập các ban quản lý chuyên nghiệp, trong đó có Ban quản lý khu vực, Ban quản lý chuyên ngành thay vì trước đây các ban quản lý được thành lập chủ yếu theo từng công trình xây dựng. Điểm mới này sẽ giúp nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án và việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng cũng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Luật cũng tập trung vào vấn đề đổi mới kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư. Trong đó, yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng phải tăng cường kiểm soát quá trình xây dựng trong tất cả các khâu nhằm chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

ÔNG NGUYỄN TRUNG LƯƠNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GIÁM ĐỊNH, SỞ XÂY DỰNG:

Quyền hạn nhiều và trách nhiệm cũng nhiều hơn

Trước đây, việc tổ chức thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán, đấu thầu đều giao cho chủ đầu tư. Vì vậy tiến độ và chất lượng công trình cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Còn hiện nay, theo Luật Xây dựng 2014, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác, sử dụng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước có quyền hạn nhiều nhưng trách nhiệm đặt ra cũng nhiều hơn. Nhà nước sẽ siết chặt quản lý dự án từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc.

 

.
.
.