Chương mới trong phát triển cảng Cái Mép-Thị Vải
Ngày 24/5, cảng Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) và cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) tổ chức lễ mở cổng kết nối hai cảng. Sự kiện này đánh dấu sự hợp tác đặc biệt, chưa có tiền lệ trong ngành khai thác cảng biển Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận tham dự sự kiện. |
Hợp tác cùng phát triển
Trong bối cảnh các hãng tàu ngày càng đặt yêu cầu cao về năng suất khai thác, các cảng tại khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đối mặt với áp lực nâng cao năng lực khai thác, cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng cường năng lực tiếp nhận tàu.
Cơ sở hạ tầng đến ngưỡng giới hạn hiện tại và sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa các cảng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của hãng tàu. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các cảng trong việc tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo duy trì sự phát triển kinh tế chung của khu vực.
Từ năm 2023 đến nay, TCTT và CMIT đã tiến hành thí điểm hợp tác, đưa tàu/sà lan qua lại bến của nhau, lưu thông hàng hóa giữa 2 cảng. Theo đó, 2 cảng đã giải phóng được 13 tàu container, sản lượng thông qua 33.740 TEU.
Việc hợp tác mở cổng kết nối, khai thác cầu bến chung giữa 2 cảng TCTT-CMIT là giải pháp liên minh tiên phong để giải quyết những thách thức trên. Đồng thời thực hiện mục tiêu tận dụng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ đó hình thành một bến cảng liên thông với tổng chiều dài cầu tàu dài hơn, nâng cao năng lực khai thác, tăng cường năng lực tiếp nhận tàu của cả 2 bên.
Ông Vũ Hồng Hùng, Giám đốc TCTT cho biết, trước đây mỗi cầu cảng chỉ khoảng 600m, nên khi đón tàu thì phần còn lại chỉ có thể đón sà lan, hoặc nhàn rỗi. Khi kết nối tạo thành cầu cảng dài 1.200m, 2 cảng có thể đón cùng lúc 3 tàu lớn, giúp tăng khả năng làm hàng, giảm thời gian chờ; tối ưu hóa giá trị gia tăng cho khách hàng, hãng tàu. Đồng thời, sẽ tăng thêm từ 30-40% công suất của 2 cảng, tương đương 800 ngàn TEU/năm, giúp tăng hiệu quả khai thác cầu bến.
Đặc biệt, việc hợp tác kết nối này, giúp các cảng đảm bảo thực hiện đúng cam kết với hãng tàu về năng suất giải phóng tàu, thời gian tàu cập và rời bến, giảm chi phí khai thác. Qua đó, góp phần nâng tầm vị thế uy tín, năng lực và chất lượng dịch vụ của các cảng biển Việt Nam tại khu vực Cái Mép.
Thực hiện nghi thức mở hàng rào kết nối, phối hợp khai thác giữa 2 cảng để cùng phát triển. |
Bước đà quan trọng hướng tới cơ chế cảng mở trong tương lai
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT, sự kiện 2 cảng mở cổng kết nối bến chung là khởi nguồn cho một chương mới của 2 cảng CMIT, TCTT nói riêng và của CM-TV nói chung. Sự hợp tác này sẽ là hình mẫu để ngành hàng hải, hải quan và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lan tỏa và nhân rộng không chỉ trong cụm cảng CM-TV mà còn cả các khu vực cảng biển khác trong phạm vi cả nước.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do nhiều nguyên nhân, việc quy hoạch cụm cảng CM-TV trước đây tồn tại nhiều hạn chế, nhất là nhiều dự án cảng container tại khu chỉ được quy hoạch, thiết kế với cầu cảng dài khoảng 600m. Trong khi đó, xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành vận tải biển thế giới đã khiến kích cỡ tàu mẹ tăng lên nhanh chóng.
Do đó, mỗi cầu cảng tại Cái Mép chỉ có thể tiếp nhận 1 tàu mẹ với chiều dài trên 350m. Với chiều dài cầu tàu còn lại, mỗi cảng không đủ để tiếp nhận thêm 1 tàu mẹ khác, chỉ có thể khai thác sà lan, gây lãng phí đầu tư. Mặt khác, các bến cảng được ngăn cách bởi hàng rào cứng khiến các bên không thể tận dụng được phần năng lực dư thừa, khiến hàng hóa luân chuyển giữa các cảng cạnh nhau vẫn phải đi vòng qua các cổng khác nhau, làm gia tăng thời gian, chi phí…
"Tôi tin rằng việc mở hàng rào cứng, phối hợp khai thác giữa cảng TCTT và CMIT sẽ là bước đà quan trọng để tiến tới hình thành cơ chế quản lý, phối hợp khai thác chung giữa tất cả bến cảng trong khu vực CM - TV, hướng tới cơ chế cảng mở trong tương lai gần và định hướng khu thương mại tự do gắn với cụm cảng CM-TV”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN