Cảng biển lập thêm nhiều kỳ tích mới
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ đầu năm đến nay, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) cũng lập thêm nhiều kỳ tích mới.
Cảng SSIT đã đón gần 100 chuyến tàu mẹ cập cảng, sản lượng container cũng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. |
Sản lượng container cao nhất cả nước
4 tháng đầu năm đã có 131 chuyến tàu mẹ cập cảng Gemalink (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải), sản lượng đạt 510 ngàn TEU, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều so với mức tăng 33% trung bình của các cảng trên cả nước. Kết quả này củng cố triển vọng phục hồi của hoạt động vận chuyển qua các cảng biển.
Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng giám đốc Cảng Gemalink cho biết, hãng tàu CMA CGM cập Gemalink với tần suất với 8 - 10 lượt tàu/lần/tháng, đang là nhóm cung cấp sản lượng chính cho cảng từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, Gemalink đã ghi nhận việc tăng mới các lượt đón tàu lớn khác thuộc liên minh tàu biển Ocean Alliance (bao gồm các hãng tàu Evergreen, ONE...) với tần suất bình quân 4 lần/tháng. Qua đó, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho hoạt động kinh doanh của cảng Gemalink
Kết thúc tháng 4/2024, cảng SSIT đã đón gần 100 chuyến tàu mẹ cập cảng, sản lượng container cũng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Ngoài 2 cảng trên, các cảng còn lại cũng “ăn nên làm ra” với mức tăng trưởng đạt 2 con số, từ 10-25%.
4 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa thông qua cảng bằng tàu biển đạt 28,6 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng bằng tàu biển tăng 44% và khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng 47%. Với mức tăng trưởng này, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 3 địa phương có sản lượng container thông qua cảng cao so với cả nước cùng với TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, từ đầu năm đến nay, hàng hóa tăng trưởng nhanh, mạnh ở cả hàng xuất nhập khẩu và hàng nội địa, cho thấy sản xuất trong nước đang phục hồi mạnh mẽ.
Bãi chứa container hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng TCIT. |
Ngoài ra, theo công bố của hãng tư vấn Alphaliner (tổ chức nghiên cứu hàng hải hàng đầu thế giới), cụm cảng Cái Mép - Thị Vải lần đầu tiên vào top 30 cảng container lớn nhất thế giới, xét theo sản lượng thông qua.
Như vậy, tính từ thời điểm đi vào hoạt động, sau 15 năm, Cái Mép - Thị Vải đã có bước phát triển mạnh mẽ, lọt vào top 30 cảng container lớn nhất thế giới.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng giới chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, ngành cảng biển đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, chưa có dấu hiệu phục hồi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trong nước còn gặp khó khăn. Diễn biến bất ổn, căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia trên thế giới liên tục leo thang gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển.
Trước những khó khăn này, DN cảng biển đã đề ra chiến lược để có thể đạt được kế hoạch. Tập đoàn Gemadept (chủ đầu tư) đang dồn lực thực hiện giai đoạn 2 của cảng Gemalink với mức vốn đầu tư ước tính 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế của cảng này sẽ đạt 3 triệu TEU, mức cao nhất so với các cảng lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, với tiềm năng, lợi thế của cụm cảng nước sâu lớn nhất nước, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho biết, DN đẩy mạnh các giải pháp như định kỳ kiểm tra độ sâu trước bến, vũng quay tàu và duy tu nạo vét để đảm bảo độ sâu cho tàu ra vào làm hàng an toàn; chú trọng duy tu bảo dưỡng, từng bước đầu tư thay thế các trang bị đã cũ, đầu tư trang thiết bị mới và cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, tăng năng suất giải phóng tàu.
Song song đó, các DN cảng tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tinh giản quy trình thủ tục giấy tờ cũng như tối ưu hóa hệ thống, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN