Du lịch thế giới dần hồi sinh

Thứ Năm, 01/09/2022, 12:04 [GMT+7]
In bài này
.

Lưu lượng hành khách tại các sân bay của Thái Lan gần đạt mức trước đại dịch. Cảng Dover, cửa ngõ chính của Anh vào châu Âu, ùn tắc trong dịp cao điểm du lịch. Tương tự lượng khách quốc tế dồi dào đem về nguồn thu ngoại tệ kỷ lục cho Mexico… Khắp nơi trên thế giới, ngành du lịch dần hồi sinh, góp phần tạo đà mạnh mẽ cho khôi phục kinh tế.

Khách du lịch tham quan Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AFP).
Khách du lịch tham quan Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AFP).

Nhiều quốc gia tìm lại đà tăng trưởng du lịch 

Đồng baht của Thái Lan tăng giá mạnh trong vài tuần qua nhờ những tín hiệu lạc quan về sự tăng trưởng của ngành du lịch. Trong tháng 8, đồng baht tăng khoảng 4,6%, lên mức 35,3 baht đổi 1 USD, dẫn đầu mức tăng giá của các đồng tiền ở châu Á. “Xứ sở chùa vàng” dự kiến thu hút 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, cao hơn 1,5 lần so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn mục tiêu doanh thu 2.380 tỷ baht (khoảng 65 tỷ USD) của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), cũng như các chiến lược cho năm 2023 nhằm hồi sinh ngành “công nghiệp không khói”, đưa du lịch trở thành ngành mang lại doanh thu bền vững cho đất nước.

Nhà điều hành sân bay quốc tế Dubai, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới, cho biết lưu lượng hành khách đến sân bay này hằng tháng có thể sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trong nửa cuối năm 2023. Dự kiến, sân bay quốc tế Dubai sẽ đón khoảng 62,4 triệu lượt khách trong năm nay, tăng khoảng 7% so với dự báo gần đây, sau khi lưu lượng hành khách tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2022. Sân bay quốc tế Dubai được dự báo đón 7 triệu lượt khách mỗi tháng vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, tại châu Âu, giới chức cảng Dover ở miền Ðông Nam nước Anh lên tiếng cảnh báo về tình trạng ùn ứ, khiến hành khách đến cảng Calais, miền Bắc nước Pháp, có thể phải chờ phà nhiều giờ đồng hồ. Hầu hết các trường học ở Anh bắt đầu nghỉ hè từ tuần cuối của tháng 7 vừa qua, mở đầu cho một trong những dịp đi lại bận rộn nhất xuyên Eo biển Manche. Tổ chức vận tải RAC ước tính, với khoảng 18,8 triệu chuyến đi chỉ trong ba ngày từ 22 đến 24/7, đây là dịp cao điểm nhất về du lịch hè kể từ năm 2014.

Tại Bỉ, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn ở thủ đô Brussels trong tháng 7 gần như ngang bằng với cùng kỳ năm 2019, cho thấy ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Khách sạn Brussels, trong tháng 7, tỷ lệ lấp đầy phòng của khu vực này đạt 66,6%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ của các năm 2020 và 2021 lần lượt là 20% và 24%.

Tại Mexico, sự khởi sắc của ngành du lịch thể hiện qua mức tăng trưởng vượt bậc của nguồn thu từ du khách quốc tế. Viện Thống kê và Ðịa lý quốc gia Mexico cho biết, trong nửa đầu năm 2022, nguồn thu ngoại tệ từ khách du lịch quốc tế của Mexico đạt 13,8 tỷ USD, mức cao nhất từng ghi nhận trong cùng kỳ, đưa ngành “công nghiệp không khói” tiếp tục là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 4 của đất nước. Doanh thu từ khách du lịch quốc tế của Mexico đã vượt mức trước đại dịch. Chỉ riêng tháng 6/2022, quốc gia Nam Mỹ thu về hơn 2,2 tỷ USD, tăng 21,2% so cùng kỳ năm 2021.

Dù vắng bóng du khách từ Nga và Ukraine, vốn là hai trong số các quốc gia có lượng du khách tới Ai Cập lớn nhất, doanh thu du lịch của “xứ sở kim tự tháp” vẫn tăng mạnh trong năm tài chính 2021-2022. Ngân hàng quốc gia Ai Cập (CBE) công bố báo cáo cho biết, doanh thu từ du lịch của quốc gia Bắc Phi này đã tăng lên mức kỷ lục khoảng 8,2 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến cuối tháng 3/2022, so với mức khoảng 3,1 tỷ USD trong cùng kỳ tài khóa trước đó.

Thành phố và khu tự quản Oaxaca de Juárez, Mexico hấp dẫn khách quốc tế hậu dịch.
Thành phố và khu tự quản Oaxaca de Juárez, Mexico hấp dẫn khách quốc tế hậu dịch.

Tăng cường hợp tác 

Chiến lược vắc xin toàn cầu, cùng phản ứng trước dịch bệnh hiệu quả, linh hoạt hơn ở nhiều nước, cũng như triển vọng tích cực của kinh tế thế giới là những yếu tố đưa ngành du lịch thế giới dần hồi phục. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch doanh nghiệp toàn cầu (GBTA) cảnh báo, lạm phát dai dẳng, giá năng lượng tăng cao, sự thiếu hụt lao động, các vấn đề về chuỗi cung ứng và việc chính sách phong tỏa phòng dịch vẫn áp dụng ở một số nước có thể cản trở sự phục hồi hoàn toàn của hoạt động du lịch toàn cầu. 

Trong bối cảnh chung ấy, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ quyết tâm hồi phục du lịch bền vững hậu đại dịch bằng nội lực bên cạnh liên kết, hợp tác gắn bó lẫn nhau giữa các tổ chức, nhóm, khu vực…    

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 11 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trung tuần 8, các bộ trưởng du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC nhất trí tăng cường hợp tác nhằm củng cố sự phục hồi ngành du lịch. Chính phủ nước chủ nhà APEC - Thái Lan đã đưa ra bản tuyên bố sau Hội nghị với tiêu đề “Du lịch cho tương lai: Du lịch tái tạo” nhấn mạnh sự hợp tác giữa 21 nền kinh tế thành viên.

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết trong thời gian diễn ra hội nghị, các hoạt động và sáng kiến trong Kế hoạch Chiến lược du lịch APEC 2020-2024 đã được thông báo tới hội nghị, cũng như các cuộc thảo luận về cách thức hợp tác của APEC nhằm đẩy nhanh sự hồi phục của ngành du lịch trong kỷ nguyên hậu COVID-19, cũng như vai trò của ngành du lịch trong việc thúc đẩy đời sống của người dân trong khu vực bằng cách tập trung và nâng cao tầm quan trọng của việc đẩy nhanh sự phục hồi ngành du lịch.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng trao đổi những kinh nghiệm trong việc thúc đẩy sự hồi phục của mỗi nền kinh tế và thảo luận cách thức để du lịch giữ vững vai trò là một ngành mang lại nhiều lợi ích và hạnh phúc cho người dân trong khu vực APEC.

Ông Phiphat nhấn mạnh các thành viên APEC đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, giúp cải thiện luồng hàng hóa, đầu tư và con người, để củng cố sự phục hồi của ngành du lịch. Các đại biểu cũng đã đạt được sự đồng thuận đối với một số văn bản quan trọng như Các Khuyến nghị chính sách của APEC về du lịch cho tương lai: Du lịch tái tạo và Hướng dẫn của APEC đối với các bên liên quan.

Theo ông Phiphat, các thành viên đã nhất trí đưa APEC hướng tới một kỷ nguyên hậu đại dịch cân bằng và bền vững thông qua khái niệm mô hình kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh (BCG), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Kế hoạch Kết nối APEC 2015-2025, trong đó vạch ra chiến lược “Kết nối con người với con người” và giảm thiểu “những bất ổn liên quan tới du lịch”.

Liên quan tới những điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, chính phủ các thành viên APEC sẽ ủng hộ sự chuyển đổi vững chắc, đặc biệt là khả năng thích ứng với các phương thức kinh tế kỹ thuật số, những phương thức làm việc mới và các khoản đầu tư thông qua các dự án của APEC.

Nhóm Công tác du lịch APEC sẽ tiếp tục kế hoạch chiến lược 2020-2024, tập trung vào bốn trụ cột chính là chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho du lịch và phát triển kinh tế-du lịch bền vững.

Ông Phiphat nhấn mạnh: “Những bất ổn và thách thức mới đã làm gia tăng nhu cầu củng cố hợp tác giữa chúng ta và thúc đẩy công việc về du lịch bền vững nhằm đạt tầm nhìn về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040, theo Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040”.

KHÁNH HẰNG 

(Tổng hợp)

;
.