Du lịch BR-VT đang hồi sinh mạnh mẽ sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Sự hồi sinh ấy càng thể hiện rõ trong mùa du lịch hè 2022 với không khí sôi động, nhộp nhịp trên toàn tỉnh. Song không ngủ quên trên chiến thắng, ngay giữa mùa cao điểm, ngành du lịch đã tính chuyện hút khách mùa thấp điểm.
Du khách tham quan Bảo tàng tỉnh. |
Phục hồi vượt kỳ vọng
Nửa đầu năm 2022 trong bối cảnh vừa gượng dậy sau dịch COVID-19, ngành du lịch đã gặt hái thành quả bất ngờ. Lượng khách đến tỉnh trong 6 tháng đầu năm vượt gấp đôi kế hoạch cả năm với gần 7 triệu lượt khách, đạt 219% kế hoạch, tăng 176% so với cùng kỳ.
Trong đó, TP.Vũng Tàu với thương hiệu lâu đời và bề dày hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch đóng góp xấp xỉ 50% lượng khách toàn tỉnh (hơn 3,45 triệu lượt khách) và 54,9 % tổng doanh thu toàn tỉnh (hơn 3.596 tỷ đồng). Huyện Xuyên Mộc dù được xem là “vùng sâu vùng xa” cũng đón 762.345 lượt khách, chiếm 10,9% tổng lượng khách toàn tỉnh; doanh thu du lịch chiếm 22,4% tổng doanh thu toàn tỉnh với 1.466 tỷ đồng. Và Côn Đảo mở cửa “bình thường mới” muộn nhất nhưng cũng góp 9,85% trong tổng số khách toàn tỉnh với 687.496 lượt và 13,98% tổng doanh thu toàn tỉnh (tương đương 916 tỷ đồng).
Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá kết quả của du lịch 6 tháng đầu năm đã khẳng định hiệu quả trong kiểm soát dịch COVID-19 và sự chủ động, thích ứng linh hoạt đón trúng thời cơ “bật lò xo” của khách nội địa khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên sau gần 2 năm chùn chân phòng dịch.
Trong đó, tháng 6, tháng 7 đánh dấu đỉnh điểm tăng trưởng về lượng khách. Tháng 8 cũng vẫn nằm trong cao điểm du lịch hè. “Qua nắm tình hình tại các địa bàn du lịch trọng điểm như TP.Vũng Tàu, Xuyên Mộc, Côn Đảo, nhiều khách sạn, resort gần biển vẫn kín phòng đến hết tháng 8”, ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết.
Ngoài du lịch nghỉ dưỡng tắm biển theo gia đình, nhóm nhỏ, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) cũng nở rộ với nhiều đoàn khách lớn từ các công ty dược, y tế, ngân hàng, dầu khí… đã trở lại.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch nhận định, với đà hồi phục trên chỉ trong năm 2022 du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đạt được mức tăng trưởng so với trước dịch, khẳng định điểm đến uy tín, có vị thế cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Dấu ấn hè 2022 - kích cầu mùa thấp điểm
Bà Trần Thị Thu Hiền cho biết, nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch hè, kết hợp khởi động kích cầu mùa du lịch thấp điểm, qua đó giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng của địa phương đến du khách, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch “Dấu ấn hè 2022” chủ đề “Sắc màu của biển”.
Cụ thể, chương trình sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/8 tại khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc với các hoạt động hóa trang, diễu hành đường phố sôi động cùng vũ điệu Hawail, vẽ henna, biểu diễn bong bóng nước, biểu diễn đèn Led, nhạc flamenco, múa lửa, nhạc EDM, trình diễn thời trang biển, check in cùng tiểu cảnh, khinh khí cầu.
Nhân sự kiện trên, Sở Du lịch sẽ phát động chương trình kích cầu thêm 1 - bớt 10 ở dịch vụ lưu trú (giảm 10% giá của ngày hôm trước nếu du khách lưu trú thêm 1 ngày).
Bà Trần Thị Thu Hiền cho biết thêm, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố sự kiện đến truyền thông, du khách và nhân dân vào đầu tháng 8.
|
Khách quốc tế chưa quay lại
Trong khi lượng khách du lịch nội địa tăng cao trong nửa đầu năm 2022, thì khách quốc tế lại vắng bóng. Sở Du lịch thống kê 6 tháng đầu năm có 103.679 lượt khách nước ngoài lưu trú, tăng 84,79% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đại diện nhiều khách sạn cho biết, hiện người nước ngoài lưu trú tại các khách sạn, căn hộ là chuyên gia, kỹ sư công tác trong ngành dầu khí, công nghiệp và thân nhân. Khách du lịch quốc tế đến Bà Rịa-Vũng Tàu không đáng kể. Đây cũng là thực trạng chung của du lịch Việt Nam.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, trước lúc dịch COVID-19 xảy đến, nguồn khách nước ngoài tại Bà Rịa-Vũng Tàu rất đều. Từ tháng 10 đết Tết Nguyên đán, nhiều khách sạn sát biển đạt trên 80% công suất phòng suốt tuần nhờ khách Nga, châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á nghỉ dưỡng, trú đông, chơi golf.
Năm nay, sau tháng 8 khi học sinh vào năm học mới chắc chắn hiệu ứng “bật lò xo” từ khách nội địa sẽ giảm mạnh. Trong khi đó, vẫn chưa có một câu trả lời cụ thể cho hồi kết của dịch COVID-19. Thị trường khách lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vắng bóng vì quốc gia này vẫn theo đuổi chính sách “zero COVID”. Dân Nga và các nước có mùa đông lạnh ngại tới các thị trường xa vì chi phí cao, cùng với bất ổn và những hệ lụy từ cuộc chiến Nga-Ukraine nên chuyển sang du lịch ngay tại các nước châu Âu.
Bên cạnh đó, dịch đậu mùa khỉ đang lây lan khiến các nước phải nâng phòng vệ kiểm soát biên giới, cửa khẩu ngăn dịch xâm nhập. “Trong ngắn hạn, khách quốc tế sẽ chưa quay lại sẽ khiến nhiều khách sạn, resort ế ẩm, gặp khó từ tháng 9 trở đi”, ông Hoàng Ngọc Linh lo lắng.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tích cực quảng bá thông tin điểm đến tận dụng các kênh trực tuyến/trực tiếp và tìm kiếm phối hợp tổ chức các sự kiện để truyền thông, lan tỏa các điểm đến của tỉnh.
Bên cạnh đó, các DN du lịch cũng cần chủ động làm mới sản phẩm, nâng cấp sản phẩm cũ, mang trải nghiệm mới cho du khách, bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo tại chỗ lực lượng lao động hiện có để nâng cấp chất lượng dịch vụ; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch”.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA