Nhờ những kết quả khả quan từ chiến dịch tiêm chủng, nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vì COVID-19, tập trung tái thiết các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, du lịch là một trong những ngành kinh tế được nhiều nước ưu tiên phục hồi.
Các bãi biển ở Australia hứa hẹn sẽ đông khách trong mùa hè này. |
Nỗ lực khởi động ngay sau chiến dịch tiêm vắc xin
Năm 2020, khi đại dịch bùng phát và lan rộng, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 73%, khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại hơn 1.300 tỷ USD, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại mà ngành này từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Năm 2021, sự tê liệt của ngành du lịch quốc tế do đại dịch COVID-19 tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2.000 tỷ USD. Đại dịch khiến lượng du khách quốc tế giảm 82% tại Đông Nam Á, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên khắp khu vực. Nhiều nước thông báo số việc làm trong ngành du lịch chiếm gần 30% tổng số việc làm mất đi do dịch.
Cùng với các chính sách phong tỏa phòng dịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Nhờ vậy, tỷ lệ mắc bệnh và bệnh nặng giảm dần. Nhiều nước chuyển dần từ chính sách “Zero COVID-19” trong cộng đồng sang sống chung an toàn với dịch, mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế và khôi phục ngành du lịch.
Châu Âu là khu vực đi đầu trong việc mở cửa cho du khách quốc tế. Với việc ban hành chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19, du khách có thể di chuyển dễ dàng hơn giữa 27 quốc gia thành viên EU. Nhờ vậy, những điểm đến hàng đầu châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland, Hy Lạp đều lần lượt mở cửa đón khách quốc tế ngay trong năm 2021. Các dữ liệu phân tích cho thấy chiến lược mở cửa của nhiều nước châu Âu đã “phá băng” du lịch thành công. Cụ thể, Hy Lạp, đạt đà phục hồi 86%, Cyprus (64,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (62,0%) và Iceland (61,8%) so với cùng kỳ của năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng đã triển khai các mô hình đón khách an toàn trong bối cảnh dịch bệnh như “bong bóng du lịch”, “hành lang du lịch tiêm chủng”, “hộp cát Phuket”... nhằm tái kết nối chuỗi liên kết lữ hành quốc tế. Các mô hình này có tính linh hoạt cao, phát huy tối đa quyền lợi cho du khách đã tiêm chủng đầy đủ và kết nối mạnh mẽ giữa các quốc gia về các nguyên tắc đi lại.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước mở cửa đón du khách quốc tế, bên cạnh các chiến dịch kích thích du lịch cấp quốc gia, các quốc gia, khu vực cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các nền tảng kỹ thuật số chung để chia sẻ thông tin và số liệu đồ hoạ về các thói quen du lịch an toàn. Liên Hiệp Quốc hy vọng và kêu gọi phục hồi du lịch toàn cầu vào năm 2022 để thực sự tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời đem lại lợi ích cho các cộng đồng bị thiệt thòi, góp phần vào bình đẳng giới và tăng cường sự hiểu biết giữa các nền văn hóa. |
Tiếp tục mở rộng cửa
Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy được, sang năm 2022, hầu hết các khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế.
Từ ngày 1/3, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường với những người đã tiêm quá 9 tháng. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận. Một loạt nước châu Âu đã mở cửa với du khách nước ngoài như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Na Uy… tiếp tục nới lỏng quy định nhập cảnh, như bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 tại điểm đến đối với những du khách đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Australia mở cửa trở lại biên giới từ ngày 21/2 đối với tất cả du khách đã tiêm chủng, trong khi quốc gia láng giềng New Zealand công bố kế hoạch mở cửa trở lại theo giai đoạn 5 bước, trọng tâm là từ tháng 7 tới.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Campuchia từ cuối tháng 1/2022 đã phát động chiến dịch mang tên “Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn”. Theo đó, toàn bộ du khách đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đều được hoan nghênh đến Campuchia mà không cần cách ly. Lào thận trọng từng bước mở cửa theo 3 giai đoạn, với các mốc thời gian từ ngày 1/1, từ ngày 1/4 và từ ngày 1/7, cho phép các vùng xanh bao gồm thủ đô Viêng Chăn, thành phố Luang Prabang và thị trấn Vang Vieng mở cửa đón khách du lịch.
Kể từ tháng 2, Thái Lan đã nối lại chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường, cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải lưu lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19), đồng thời áp dụng chương trình này đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thay vì chỉ giới hạn ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Singapore cũng thông báo mở rộng chương trình du lịch miễn cách ly tới Hong Kong (Trung Quốc), Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và sẽ bổ sung thêm các điểm đến trong khuôn khổ chương trình này. Singapore cũng sẽ khôi phục và tăng số người được phép tham gia Chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vắc xin, vốn đã giảm quy mô từ tháng 12/2021 để đối phó với biến thể Omicron.
Indonesia triển khai chương trình thử nghiệm miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách nước ngoài tới hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali từ ngày 7/3 (những người đã thanh toán tiền đặt phòng khách sạn cho tối thiểu 4 ngày tại Bali; đã tiêm liều cơ bản vắc xin hoặc đã tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19; và có bảo hiểm y tế). Ngày 10/2, Philippines cũng đã mở cửa trở lại với du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ có thỏa thuận miễn thị thực với Philippines. Malaysia sẽ mở cửa biên giới hoàn toàn và bắt đầu chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ 1/4 tới, theo đó du khách quốc tế đã tiêm đủ vắc xin COVID-19, chứng nhận PCR âm tính là có thể nhập cảnh Malaysia, không cần cách ly.
Tại Việt Nam, ngày 15/3, Chính phủ đã đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trong bối cảnh Việt Nam gần như hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi ba vắc xin COVID-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tương đối cao. Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế.
KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)