.

Đến Cao Bằng khám phá những con đèo hiểm trở

Cập nhật: 14:38, 18/07/2018 (GMT+7)

Cao Bằng là tỉnh có nhiều con đèo hiểm trở, tuyệt đẹp đã đi vào huyền thoại qua lời miêu tả của các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, làm "hút hồn" nhiều phượt thủ và khách du lịch muốn một lần được đến khám phá, chinh phục.

Đèo Cao Bắc
Đèo Cao Bắc

Đèo Cao Bắc

Đèo Cao Bắc nằm trên quốc lộ 3, thuộc 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn; đèo dài hơn 10 km, có độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển. Ở đây thời tiết mát mẻ quanh năm, trên đỉnh đèo thường xuyên có mây vờn, mây phủ. Đường đèo lại hiểm trở, quanh co uốn lượn, vắt qua núi non trập trùng hay thảm rừng già còn nguyên sơ tạo cho đèo quanh năm có sương mù bao phủ trắng những cánh rừng, nhất là vào buổi sáng sớm và buổi tối khiến các phương tiện tham gia giao thông đi qua đây luôn phải bật đèn vàng để đi cho an toàn. Có thể nói, đây chính là con đèo dài nhất, đẹp nhất của Cao Bằng.

Đèo Tài Hồ Sìn

Đèo Tài Hồ Sìn cách TP.Cao Bằng 25 km, thuộc xã Bạch Đằng (Hòa An), có độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển. Đèo nhấp nhô trên biển mây bồng bềnh bao phủ quanh năm, sương mù giăng kín cây cối hai bên đường và khắp các thung lũng.  

Đèo Mã Phục
Đèo Mã Phục

Đèo Mã Phục

Từ TP.Cao Bằng theo quốc lộ 3 đi các huyện miền Đông Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh. Đi khoảng 22 km, du khách sẽ bắt gặp một con đèo với 7 tầng xoáy cua tay áo vô cùng hiểm trở, ấy chính là đèo Mã Phục, dài 3,5 km, thuộc xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), là ranh giới giữa huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh. Đèo cao trên 620 m so với mặt nước biển, đường đèo không rộng lắm cũng không quá nguy hiểm. Phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên đến đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ còn 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là đường đi vào địa phận huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh. Khi đến đèo Mã Phục, thấy hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi dựng đứng quay vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục.

Đèo Mã Phục rộng, đẹp với nhiều dãy núi nối tiếp nhau, dưới chân dốc là những bụi hoa dã quỳ nở vàng ruộm xen lẫn với những ruộng ngô xanh rì trải dài khi mùa hè tới.

Đèo Khau Liêu

Qua đèo Mã Phục, du khách tiếp tục cuộc hành trình đi qua huyện Quảng Uyên. Cách thị trấn Quảng Uyên khoảng 1 km, du khách rẽ trái đi về hướng huyện Trùng Khánh. Đi qua một khúc cua, du khách sẽ đặt chân đến đèo Khau Liêu (hay còn gọi là đèo Liêu), phía Đông của đèo thuộc huyện Trùng Khánh, phía Tây thuộc địa phận huyện Quảng Uyên. Đèo Khau Liêu mang nét đẹp nên thơ đầy màu sắc và hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên đẹp như một bức tranh. Từ trên cao nhìn xuống, con đèo mềm mại chạy giữa các dãy núi lô nhô giống như một con rồng uốn lượn quanh co ôm lấy núi.

Đèo Khau Chỉa

Đèo Khau Chỉa thuộc địa phận thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa), nằm cách Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng 15 km theo quốc lộ 3 ngược ra hướng TP.Cao Bằng. Từ cung đường dẫn lên đèo Khau Chỉa, bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng mía mênh mông, trải dài uốn quanh sườn đồi. Đứng trên đèo phóng tầm mắt nhìn xuống là thị trấn Hòa Thuận, thấy một dải thung lũng bằng phẳng trải ra tận thị trấn Tà Lùng, nơi có dòng sông Bằng chạy dọc bồi đắp cho những cánh đồng phì nhiêu càng thêm màu mỡ.

Đèo Khau Chỉa nổi tiếng với cung đường thoai thoải, hiểm trở, nhiều cua với không khí trong lành, mát vẻ và vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Hòa Thuận.

Đèo Mã Quỷnh
Đèo Mã Quỷnh

Đèo Mã Quỷnh

Đèo Mã Quỷnh nằm ở hướng Tây Bắc, cách Thành phố 45 km, thuộc xã Đa Thông (Thông Nông). Đèo dài 4,5 km, về hai phía chân đèo có dốc Khau Công và Khau Mò. Đỉnh đèo cao 525 m so với mặt nước biển, trên tuyến tỉnh lộ 204 là cửa ngõ vào huyện Thông Nông. Từ trên cao nhìn xuống, Mã Quỷnh tựa như hình trái tim ôm trọn núi sông Cao Bằng. Đèo Mã Quỷnh có nghĩa là khuỷu tay ngựa, là đoạn đèo ngắn dẫn đến huyện Thông Nông với cung đường đèo quanh co, hiểm trở nhất của Cao Bằng, uốn cong theo sườn núi, một bên là vách núi, một bên vực sâu với lác đác vài ba ngôi nhà sàn của bà con dân tộc Tày thấp thoáng sau ruộng ngô và những thửa ruộng bậc thang.

T.H
(Theo Báo Cao Bằng)

 

.
.
.