Nông dân Cần Thơ trở thành "sứ giả" văn hóa
“Nông dân làm du lịch” giờ đã rất quen thuộc trong ngành kinh tế không khói ở Cần Thơ. Những người quen chuyện ruộng vườn, bếp núc quê nhà giờ trở thành “sứ giả” văn hóa, đưa nét đẹp của đất và người Tây Đô vang xa, góp phần đưa Cần Thơ ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế.
Du khách nước ngoài hào hứng với những miếng bánh hỏi mặt võng do tự tay mình làm nên. Ảnh: THIỆN HỮU |
Cuối tuần, nhà của anh Trần Thiện Cảnh ở ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền lại chật kín du khách. Anh dập khuôn, còn mẹ anh, cô Châu Kim Thuận, ra bánh hỏi tài hoa, điệu nghệ. Nhìn cách làm đơn giản, nhiều du khách ngoại quốc làm thử, những xếp bánh hỏi nguệch ngoạc, chẳng ra dáng “mặt võng” như tên gọi, nhưng ai cũng thích thú. Anh Trần Thiện Cảnh cho biết, vốn là giáo viên nhưng đã rời ngành để nối nghiệp làm bánh hỏi mặt võng của mẹ. Dần dà, vị thơm ngon, hình dáng độc đáo của chiếc bánh hỏi mang thương hiệu Út Dzách nức tiếng gần xa, anh quyết định làm du lịch. Bây giờ, mỗi tháng, điểm du lịch của anh đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm và thưởng thức. “Khách đông, đòi hỏi mình phải có kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và phục vụ ẩm thực du lịch. Điều đó buộc mình phải học hỏi”- anh nói.
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP. Cần Thơ, cho biết toàn thành phố hiện có khoảng 50 hộ nông dân làm du lịch, tập trung nhiều ở huyện Phong Điền, quận Bình Thủy và quận Cái Răng. Đa số những điểm du lịch này đều khai thác tối đa tài nguyên bản địa như vườn sinh thái, nghề truyền thống, ẩm thực dân gian… đáp ứng kịp thời những nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế.
Điển hình như ông Trần Văn Liền, chủ vườn trái cây Vàm Xáng (huyện Phong Điền), từ thành công của mô hình tham quan vườn trái cây, trải nghiệm ẩm thực dân gian, từ năm 2016 đến nay, ông đầu tư dịch vụ homestay. Bề ngoài là những căn chòi gỗ “rặt” miệt vườn, nhưng bên trong nội thất sang trọng chẳng khác khách sạn cao cấp. Ông Trần Văn Liền nói: “Mô hình này hình thành từ nhu cầu thực tế của du khách khi đến điểm du lịch của tôi. Nhờ vốn ngoại ngữ, tôi trò chuyện rồi tìm hiểu phong cách, thói quen sinh hoạt của du khách từng nước, khu vực cụ thể để có cách phục vụ phù hợp”.
Còn bà Phan Kim Ngân (tên thường gọi là Bảy Muôn) ở cồn Sơn, quận Bình Thủy, từ tài khéo tay làm bánh của mình, bà đã thực sự trở thành “sứ giả” cho ẩm thực Cần Thơ. Bà Bảy Muôn còn chinh phục khách bởi sự duyên dáng, hào sảng của người phụ nữ miệt vườn, tươi cười và thân thiện với du khách. Được bà Bảy Muôn hướng dẫn nướng bánh kẹp, anh Alley Nguyễn, một du khách, hào hứng: “Lần đầu trong đời tôi làm bánh. Chiếc bánh này thật lạ và ngon”.
Rõ ràng, việc nông dân Cần Thơ khai thác tài nguyên bản địa và tài hoa gia truyền để làm du lịch đang cho hiệu quả tốt đẹp. Đầu năm nay, UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, giai đoạn 2018- 2020. Theo đó, có 5 mô hình gồm hoa kiểng, cá kiểng, nuôi lươn không bùn, nấm và trồng rau trong nhà lưới. Bước đầu sẽ hình thành ít nhất 3 nhóm liên kết sản xuất, mỗi nhóm từ 5- 10 hộ tham gia, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và tạo thành điểm nhấn thu hút du lịch.
Theo kế hoạch này, thành phố chọn làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ là điểm nhấn, các mô hình khác là vệ tinh. Ông Đoàn Hữu Bốn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An (phường Long Hòa) cho hay: Các xã viên hiện rất năng động trong việc tìm giống hoa kiểng mới, độc, lạ và nhất là quảng bá để phục vụ du khách. Làm du lịch giờ trở thành phương châm của các hộ trồng hoa kiểng ở đây. Điều đó không chỉ giúp giới thiệu văn hóa địa phương mà còn gia tăng chuỗi giá trị nông sản.
Đồng hành cùng nông dân làm du lịch trong thời hội nhập, lãnh đạo thành phố rất quan tâm hỗ trợ, rõ nét nhất là hỗ trợ người dân vay vốn chính sách ưu đãi phát triển du lịch. Bà Nguyễn Hoàng Diễm, Trưởng phòng Quản lý Du lịch - Sở VH-TT&DL TP. Cần Thơ, cho biết: Nếu như năm 2016, năm đầu tiên triển khai, chỉ có 10 tỷ đồng được phát vay, thì con số ấy tăng lên 30 tỷ đồng (năm 2017) và hiện đã phát vay xong năm 2018 lên đến 40 tỷ đồng. Tùy quy mô làm ăn mà mỗi hộ được vay từ vài chục triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng. Bà Trần Thị Huỳnh Mai, chủ nhà vườn Sáu Cảnh ở Cồn Sơn, Bình Thủy, sau khi vay 50 triệu đồng từ chương trình vào năm 2016, đã mở rộng mô hình du lịch cộng đồng, cho du khách trải nghiệm nét dân dã miệt vườn. “Nhờ có vốn, gia đình đầu tư nhà cửa rộng rãi, nhiều dịch vụ nên khách tham quan đến đông hơn. Chuyện làm du lịch của gia đình cũng đi vào nề nếp”- bà Mai phấn khởi.
Nông dân Cần Thơ đang chứng tỏ “Trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch” qua những mô hình làm du lịch. Không chỉ nét văn hóa của Cần Thơ được chuyển tải trọn vẹn mà đời sống kinh tế của bà con không ngừng nâng cao. Sự hợp thời ấy đã tạo sức vươn cho nông dân Cần Thơ thời hội nhập.
DUY LỮ
(Theo baocantho.com.vn)