.

BR-VT dễ rơi vào "bẫy du lịch bình dân"

Cập nhật: 18:04, 12/07/2018 (GMT+7)

Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về du lịch và đại diện gần 100 nhà đầu tư, DN lữ hành trong và ngoài tỉnh, Hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch diễn ra sáng 12-7 tại Khách sạn Imperial đã ghi nhận rất nhiều hiến kế phát triển thương hiệu du lịch BR-VT. Một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là làm gì để BR-VT có thể tránh được “bẫy du lịch bình dân”, hướng tới đối tượng khách chi tiêu cao và thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

ĐỪNG NGHĨ ĐẾN VIỆC CẦN ĐÔNG KHÁCH, Ở DÀI NGÀY

Các đại biểu : Trần Bảo Trân, Giám đốc Khu vực Châu Á - Diễn đàn khu vực thế giới; Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự hội nghị.
Các đại biểu: Trần Bảo Trân, Giám đốc Khu vực Châu Á - Diễn đàn khu vực thế giới; Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, du lịch BR-VT khởi sắc và đạt được nhiều thành quả tích cực. Đến tháng 6-2018, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 4.550 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình 12,5%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 1.026 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình khoảng 13,8%.

Tuy nhiên, một vấn đề mà du lịch BR-VT dường như đang gặp phải là “bẫy du lịch bình dân”. Vấn đề này nhận được nhiều hiến kế từ các diễn giả, chuyên gia du lịch tại hội nghị. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Thái Lan và Sa Pa (Lào Cai) đã phải trả giá về môi trường ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại và nhiều tiêu cực do phát triển du lịch bình dân, du lịch đại trà. BR-VT hiện đã hội tụ đầy đủ điều kiện về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất để nghĩ đến những vấn đề cao hơn trong mục tiêu thu hút khách, đó là “đủ” khách quốc tế, khách chi tiêu cao. Bà Ninh cho hay, theo thống kê của các chuyên gia du lịch thế giới, 3% khách cao cấp chi tiêu bằng 20% dòng khách bình dân. BR-VT khoan hãy bàn đến làm thế nào để giữ chân khách lưu lại dài ngày, mà chỉ cần đón ít nhưng thu tiền nhiều để bớt áp lực xã hội, giao thông và môi trường. Và muốn đón khách quốc tế BR-VT cần đi tìm bản sắc đặc thù của địa phương, thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái tại Côn Đảo, điều dưỡng sức khỏe, tâm linh, ẩm thực.

Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch  UBND tỉnh gặp gỡ các đại biểu bên lề hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ các đại biểu bên lề hội nghị.

Đồng quan điểm với bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, so với các tỉnh, thành miền Nam, BR-VT hội tụ tất cả các điều kiện vượt trội để phát triển du lịch: Biển, tài nguyên rừng nguyên sinh chạy thẳng ra biển, thương hiệu Ô Cấp (Vũng Tàu) đã nổi tiểng từ trước giải phóng. Tuy nhiên, mấy chục năm phát triển du lịch BR-VT vẫn chưa thu hút thương hiệu quốc tế để có những sản phẩm đẳng cấp. Ông Thọ phân tích: Chỉ thu hút được khách quốc tế mới tạo được đột phá cho BR-VT. Khi có 1-2 triệu khách quốc tế đến BR-VT/năm, chắc chắn những thương hiệu lớn trong ngành du lịch thế giới sẽ đổ về BR-VT đầu tư. Hướng duy nhất giúp BR-VT gia tăng nhanh khách quốc tế và quảng bá tốt thương hiệu du lịch địa phương là phát triển du lịch hội nghị-sự kiện (MICE). “Khi có những trung tâm hội nghị quốc tế diện tích trên 6.500m2 đủ sức chứa 1.000-2.000 người, chắc chắn các sự kiện quy mô quốc tế sẽ kéo về BR-VT tổ chức”, ông Nguyễn Hữu Thọ nói.

DN du lịch trao đổi với các nhà quản lý về du lịch Trung ương bên lề hội nghị.
DN du lịch trao đổi với các nhà quản lý về du lịch Trung ương bên lề hội nghị.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cũng cho rằng, tăng giá trị trải nghiệm, quảng bá hình ảnh chất lượng điểm đến là điều cần thiết đối với BR-VT để thu hút khách quốc tế trong kỷ nguyên 4.0. Không chỉ các DN phải đầu tư, chăm chút hình ảnh, dịch vụ để thu hút khách mà chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc quản trị hình ảnh điểm đến.

DN MONG CƠ CHẾ ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT

Hiện trên địa bàn tỉnh có 128 dự án đầu tư du lịch trong và ngoài nước còn hiệu lực chủ trương đầu tư, với diện tích 2.704ha, vốn đầu tư đăng ký 9.147 triệu USD và 34.789 tỷ đồng. Trong đó có những dự án du lịch chất lượng cao đã hình thành và hoạt động kinh doanh có hiệu quả góp phần tăng doanh thu và lượng khách cho du lịch địa phương như: Khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, KDL phức hợp Hồ Tràm Strip, KDL cáp treo Hồ Mây, Sixsences Côn Đảo, KDL Sài Gòn - Bình Châu và Bình Châu - Hồ Cóc, Lan Rừng Resort Vũng Tàu & Phước Hải, Oceanami Villas & Beach Club, Sanctuary Hồ Tràm…

Các DN tham dự hội nghị.
Các DN tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều DN hiện đang đầu tư tại BR-VT mong muốn được đồng hành là những đối tác lâu dài. Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), cho rằng, nhiều dự án ở những vị trí đẹp chưa đầu tư dẫn đến tình trạng DN có năng lực muốn đầu tư thì không còn quỹ đất. Gần đây, tỉnh đã mạnh tay thu hồi nhiều dự án chậm nhưng khâu giải quyết quyền lợi và trách nhiệm giữa nhà đầu tư cũ và mới cũng là thách thức, đề nghị các cấp ngành cần nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh giải pháp xử lý hài hòa nhằm sớm đưa các quỹ đất tiềm năng vào khai thác. DIC Corp đang chuẩn bị đầu tư 6 dự án gồm: Tổ hợp Du lịch DIC Star Vũng Tàu tại Mũi Nghinh Phong, Khu phức hợp Cap Saint Jacques - DIC Star, KDL - CLB Bến du thuyền Tiên Sa (tại 88 Trần Phú, TP. Vũng Tàu), Tổ hợp sân golf resort Hồ Tràm, KDL nghỉ dưỡng An Hải - Côn Đảo và Khu công viên chủ đề tại núi Minh Đạm. “Đầu tư vào du lịch vốn lớn, rủi ro cao và thu bạc lẻ. Do vậy, DN kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những cơ chế cởi mở tạo động lực nâng bước nhà đầu tư”, ông Nguyễn Thiện Tuấn nói.

Du khách quốc tế tham quan tìm hiểu nghề làm bánh tráng tại xã Hòa Long, TP.Bà Rịa.
Du khách quốc tế tham quan tìm hiểu nghề làm bánh tráng tại xã Hòa Long, TP.Bà Rịa.

Hơn 10 năm đầu tư tại Việt Nam, đại diện Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm Strip mong mỏi chính quyền tạo cơ chế “mềm” cho những nhà đầu tư đang đóng góp vào sự phát triển về du lịch của tỉnh. “Cơ chế “mềm” đó là chính quyền các cấp gắn kết, chia sẻ, thông hiểu với nhà đầu tư để nhà đầu tư sẽ là những sứ giả, nhà truyền thông cùng xúc tiến kêu gọi đầu tư vào tỉnh”, bà Lê Thị Thanh Thái, Giám đốc đối ngoại Hồ Tràm Strip nói. Bên cạnh đó, về hạ tầng du lịch, Hồ Tràm Trip cho rằng BR-VT cần phải có một sân bay chuyên dùng đưa đón khách du lịch nước ngoài. “Hồ Tràm Strip đang thúc đẩy các thủ tục đầu tư sân bay trên địa bàn. Bên cạnh đó, BR-VT cũng cần sớm nâng cấp sân bay Côn Đảo nếu muốn cải thiện và chuyển dịch cơ cấu khách quốc tế trong tương lai gần”, bà Lê Thị Thanh Thái nói.

Bài, ảnh: THÀNH HUY, ĐĂNG KHOA

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH:

Quyết tâm xây dựng BR-VT thành trung tâm du lịch chất lượng cao

Tỉnh ưu tiên kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, có thương hiệu quốc tế, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, thu hút được dòng khách cao cấp với 6 cụm du lịch sau: TP. Vũng Tàu phát triển các sản phẩm du lịch thương mại, hội nghị - hội thảo (MICE), nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa với diện tích trên 15.000ha, trong đó quỹ đất cho các khu du lịch ven biển khoảng 1.600ha; Cụm du lịch Long Hải - Phước Hải và vùng phụ cận thu hút các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển và núi, thể thao tổng hợp, làng nghề và du lịch sinh thái với diện tích khoảng 1.100ha; Cụm du lịch TP. Bà Rịa - Núi Dinh và vùng phụ cận phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh gắn với núi Dinh, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích dự kiến khoảng 3.000ha; Cụm du lịch Hồ Tràm - Bình Châu chuyên dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển và sinh thái rừng, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch chữa bệnh và dịch vụ sức khỏe với quỹ đất trên 5.000ha, trong đó tỉnh đang kêu gọi đầu tư dự án Safari với diện tích khoảng 600ha; Cụm du lịch Côn Đảo chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, tham quan đảo, trải nghiệm di sản thiên nhiên và tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh với diện tích đất khoảng 1.000ha; Các dự án du lịch ven sông và rừng ngập mặn trên sông Dinh, các vịnh hạ lưu sông Dinh, sông Ray, sông Cái Mép - Thị Vải và tuyến nối Vũng Tàu - Cần Giờ. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp để tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh; tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng hành với các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án nhằm đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và quốc tế.

18 dự án du lịch mời gọi đầu tư được đưa ra tại hội nghị:

KDL Vũng Tàu Paradise (220ha), Trung tâm hội nghị triển lãm Cửa Lấp (60ha), KDL đường 10 - Chí Linh - Cửa Lấp (25ha), KDL nghỉ dưỡng phường 10- Vũng Tàu (5ha), Vườn thú hoang dã Safari (519ha), KDL sinh thái Bàu Bàng (113ha), KDL sinh thái nghỉ dưỡng Phước Thuận (40ha), Khu biệt thự du lịch Hồ Tràm (2,3ha), KDL sinh thái Hồ Tràm (43,9ha), KDL giải trí và nghỉ dưỡng rừng sinh thái Lộc An (168ha), KDL nghỉ dưỡng Hải Sơn (2,43ha), KDL vui chơi giải trí và thể thao Minh Đạm (20,16ha), KDL Hải Sơn - Phước Hải (2,6ha), KDL biển An Hòa- Lộc An (6,11ha), Khu nghỉ dưỡng sinh thái và nghỉ dưỡng biển Hải Hà - Long Hải (14,4ha), KDL Lâm viên Núi Dinh (2.400ha), KDL thác Hòa Bình - Châu Đức (224ha), Khu khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị Bàu Phước Thành - Bà Rịa (1,55ha).

Sở Du lịch đề xuất các dự án chậm triển khai đã thu hồi để kêu gọi đầu tư như: Bảo tàng tranh 3D tại vị trí dự án KDL Bờ Biển Vàng tại Phường 11, TP. Vũng Tàu; gộp dự án Khu biệt thự Sông Lô (45ha) và KDL Biển Bình Châu (43,34ha) thu hút đầu tư KDL vui chơi giải trí phức hợp cao cấp; KDL Hiền Nga (15,6ha) và  KDL Minh Tú (17,65ha) thu hút đầu tư khu dịch vụ vui chơi giải trí thể thao biển; KDL Cát Vân (12,6ha) và KDL Liên hợp resort Thể thao Bình Châu (13ha) thu hút đầu tư khu biệt thự nghỉ dưỡng.

 

.
.
.