.

Kết nối lễ hội dân gian với du lịch

Cập nhật: 17:46, 10/04/2018 (GMT+7)

Bên cạnh thế mạnh biển đảo với các sản phẩm: tắm biển, tắm nắng, thể thao trên biển..., BR-VT cũng là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch văn hóa lễ hội dân gian truyền thống, việc kết nối các lễ hội dân gian các tour du lịch sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến với BR-VT.

Lễ hội Dinh Ông Nam Hải (Nghinh Ông) tại huyện Đất Đỏ.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải tại huyện Đất Đỏ.

Từ ngày 3 đến ngày 5-4 vừa qua, di tích Nhà Lớn Long Sơn (TP.Vũng Tàu) luôn đông nghịt khách về dự lễ Vía Ông (ngày giỗ Ông Trần). Đây là một trong 2 lễ hội lớn trong năm của người dân Long Sơn nhằm tưởng nhớ công đức của Ông Trần (ông Lê Văn Mưu, 1855-1935), người có công khai đất, mở làng, lập nên xã đảo Long Sơn. Có mặt tại Long Sơn trong những ngày diễn ra lễ Vía Ông, chúng tôi ghi nhận các ngả đường dẫn vào Nhà Lớn nhộn nhịp người xe. Khách đến hành hương được Nhà Lớn đãi ăn, sắp xếp chỗ ngủ nghỉ qua đêm. Gần 1.000 dân xã đảo được huy động để lo các công việc cúng kỉnh, đón tiếp khách, giữ gìn ANTT, nấu nướng, phục vụ… Tất cả đều mặc áo dài hoặc bà ba đen, tóc búi cao theo phong tục của Nhà Lớn. Khách thập phương đến cúng Ông năm nay hàng nối hàng nhưng trong trật tự, không có cảnh chen lấn. Nhẹ tay sắp ổi, xoài, mận lên mâm cúng, ông Nguyễn Văn Hoài (xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho hay, theo ông bà nhà ông Hoài kể lại sau trận bão tháng 5 năm Giáp Thìn - 1904, dân vùng Tiền Giang lâm cảnh màn trời chiếu đất, nạn đói hoành hành. Ông Trần hay tin đã không quản ngại đường xa, cho người chở lúa, gạo, muối... về Tiền Giang cứu trợ giúp bà con dựng lại nhà cửa, tái thiết cuộc sống. Ơn đức đó được các thế hệ ông cha của ông Hoài lưu truyền cho con cháu. Là thế hệ thứ 3, thực hiện lời dạy của ông bà, năm nào cũng vậy, cứ đến Lễ Vía Ông, ông Hoài đều về Long Sơn kỉnh Ông những sản vật do gia đình trồng cấy. “Lần này, tôi đưa gia đình 8 người, gồm cả cháu đích tôn về hành hương Nhà Lớn. Ngoài nhắc nhớ con cháu đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôi kết hợp cho gia đình du lịch, ăn uống hải sản trên các làng bè ở Long Sơn, tắm biển Bãi Sau, lên chơi Khu du lịch cáp treo Vũng Tàu…”, ông Hoài nói.

Trước đó, trong 3 ngày, 31-3, 1 và 2-4, tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), lễ hội Nghinh Ông Nam Hải cũng đã diễn ra. Đây là lễ hội cầu ngư truyền thống, được người dân Phước Hải tổ chức hàng năm nhằm cầu mong những chuyến biển no đầy tôm cá, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc. Ngoài các nghi lễ cúng giỗ truyền thống như: Cúng mộ tiền hiền - hậu hiền, Nghinh thủy thần, Cúng Dinh Ông, Thỉnh Bà Ngũ hành an vị, Cúng Lệ Vũng…, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải còn có các hoạt động hội như: Múa lân sư rồng, văn nghệ, diễu hành sinh vật biển trên tuyến đường ven biển, hội thi ẩm thực, đờn ca tài tử, thi trò chơi dân gian miền biển…

Ngoài 2 lễ hội trên, mỗi năm, BR-VT còn có nhiều lễ hội dân gian truyền thống khác như: Lễ hội Dinh Cô Long Hải (từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch); Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (từ 16 đến 18-8 âm lịch tại Đình thần Thắng Tam, TP.Vũng Tàu); Lễ giỗ Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch tại Hội đền Đức Thánh Trần, số 68 Hạ Long, TP.Vũng Tàu); Lễ hội Trùng Cửu (ngày 8 và 9-9 âm lịch tại Nhà Lớn Long Sơn)…

Theo TS Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh) BR-VT có nhiều lễ hội dân gian độc đáo, gắn liền với đời sống sinh hoạt đời thường của người dân và mang đậm dấu ấn đặc trưng miền biển. Chẳng hạn, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam và Lễ hội Dinh Cô có phần đoàn ghe ra biển từ tờ mờ sáng thực hiện các nghi lễ cúng tế trên biển, chèo bá trạo; Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải gắn với nghi thức thờ cá Voi, tục chôn cất, cải táng cá Voi và Nghĩa địa Cá Voi ở Phước Hải; Nhà Lớn Long Sơn huyền bí với các phiên cúng, nét đẹp quần tụ cộng đồng của hàng ngàn người tóc búi áo dài đen, chân đất theo đạo Ông Trần... Tuy nhiên, sức lan tỏa của các lễ hội trong thu hút khách du lịch chưa tốt, chủ yếu bó hẹp trong cộng đồng người ngưỡng vọng; việc tổ chức quản lý, đưa vào kết hợp để khai thác, thu hút khách du lịch như hiện nay chưa được như mong muốn. Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cũng nhận xét: BR-VT có hơn 200 lễ hội dân gian lớn, nhỏ mỗi năm. Các lễ hội dân gian đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Theo ông Trung, để thu hút thêm du khách, các địa phương cần xem xét nâng quy mô tổ chức một số lễ hội lớn lên cấp tỉnh, cấp quốc gia; Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các lễ hội lớn; Kết hợp với các đơn vị lữ hành đưa khách đến chiêm bái, hòa mình vào không khí lễ hội. Ngành văn hóa cũng có hướng chủ động phối hợp với ngành du lịch đổi mới công tác quảng bá lễ hội, đồng thời hướng dẫn các địa phương thủ tục nâng quy mô tổ chức lễ hội.  

Bài, ảnh: MINH QUANG, ĐĂNG KHOA

Tại cuộc họp ngày 2-4-2018 bàn kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh giai đoạn 2018-2020, đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT cần rà soát, thống kê các lễ hội dân gian thường niên trên địa bàn tỉnh. Đối với các lễ hội dân gian, Sở VH-TT cần phân loại, tìm nguyên nhân vì sao chưa tạo được điểm nhấn, dấu ấn trong lòng du khách. Từ đó, xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu khai thác văn hóa cho thu hút khách du lịch.

 

.
.
.