.

Hướng dẫn viên du lịch: Cần có sân chơi chung để thuận lợi hành nghề

Cập nhật: 10:06, 19/01/2018 (GMT+7)

Luật Du lịch sửa đổi năm 2017, có hiệu từ ngày 1-1-2018. Theo quy định của Luật này, một trong những điều kiện để hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) được hành nghề là có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Quy định mới này nhằm quản lý HDVDL tốt hơn nhưng đang khiến nhiều HDV lo lắng. 

DN VÀ HDV NGẠI RÀNG BUỘC NHAU

Trên địa bàn tỉnh BR-VT có 78 HDV và chỉ một số ít HDV ký hợp đồng lao động với các DN lữ hành, còn lại đa số HDV hành nghề tự do. Anh Mai Ngọc Thanh Tuấn tốt nghiệp chuyên ngành HDVDL Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu từ năm 2005. Anh gắn bó với nghề HDV 7 năm sau khi ra trường, đến năm 2012 thì làm việc cố định tại PTSC Offshore Services (65A đường 30-4, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu ). Những ngày cuối tuần không đi làm tại PTSC Offshore Services, anh vẫn được nhiều công ty lữ hành thuê hướng dẫn khách nước ngoài tham quan BR-VT. 

Trường hợp làm HDV tự do như anh Tuấn khá phổ biến trong giới lữ hành. Ông Hồ Quế Vinh, Giám đốc Chi nhánh Công ty lữ hành Smile.Tour Bà Rịa (72 Nguyễn Tất Thành, phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) cho biết, không chỉ HDV thích làm việc tự do mà các DN lữ hành cũng không muốn ký hợp đồng lao động với HDV. Lý do là khi ký hợp đồng lao động, ngoài lương cơ bản, DN còn phải trích nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động và các chế độ đãi ngộ khác. Về phía HDV, khi ký hợp đồng cố định với một DN, họ bị bó buộc về giờ giấc, công việc. “Khi DN đông khách, HDV cơ hữu có nhiều tour nên thu nhập sẽ cao nhưng khi vắng khách, HDV sẽ ít việc và gần như chỉ còn hưởng lương cơ bản. Thế nhưng, họ không được đi làm thêm cho công ty lữ hành khác vì bị bó buộc về thời gian và vướng hợp đồng với DN chủ quản. Do đó, cả HDV và DN đều ngại ràng buộc nhau bằng một hợp đồng lao động”, ông Hồ Quế Vinh phân tích. 

Ông Nguyễn Danh Hà (thứ 2, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm với du khách trong một tour đến Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Danh Hà (thứ 2, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm với du khách trong một tour đến Hàn Quốc.

CẦN CÓ SÂN CHƠI CHUNG

Luật Du lịch sửa đổi năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 quy định HDVDL chỉ được hành nghề khi đáp ứng các điều kiện: có thẻ HDVDL; có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch.

Như vậy, theo Luật Du lịch, những trường hợp HDV tự do như anh Tuấn sẽ không đủ điều kiện để hành nghề vì thiếu tiêu chí thứ hai do không có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Để các HDV tự do đáp ứng điều kiện này, họ cần có một tổ chức hội nghề nghiệp tại địa phương. Điều này vừa phù hợp với quy định của Luật Du lịch, đồng thời tạo thêm kênh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cho HDV, qua đó cơ quan nhà nước cũng dễ quản lý đội ngũ này hơn. 

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel cho biết, HDV là những người đại diện cho DN lữ hành, giao tiếp với khách từ khi khởi hành đến lúc kết thúc chuyến du lịch. Họ góp phần quan trọng mang đến thành công của chương trình du lịch, tạo ấn tượng với du khách. Những HDV cố tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp, DN chủ quản không thể kiểm soát được mà thông qua phản ánh từ du khách, DN chỉ biết nhắc nhở, chấn chỉnh, trừ tiền công hướng dẫn, không thuê mướn nữa hoặc bêu tên trên các diễn đàn về HDV. “Khi DN cần thuê HDV, nếu được thông qua tổ chức hội nghề nghiệp giới thiệu thì DN sẽ an tâm hơn về chuyên môn, đạo đức của HDV đó”, bà Thương nói. 

Ông Trần Văn Dung, người có thâm niên hơn 20 năm làm HDV cho rằng, việc thành lập tổ chức Hội HDV sẽ tập hợp không chỉ HDV chuyên nghiệp mà cả những người bản địa am hiểu văn hóa - lịch sử địa phương đam mê nghề hướng dẫn du lịch để tổ chức thành những nhóm tình nguyện hướng dẫn, thuyết minh về điểm đến cho đối tượng khách tự do. Cách làm này sẽ góp thêm một kênh lan tỏa nét đẹp về vùng đất, con người BR-VT đến du khách. 

Một trong những điều kiện để được hành nghề theo quy định của Luật Du lịch là hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Trong ảnh: Anh Nguyễn Thanh Tuấn (bìa phải), một hướng dẫn viên tự do hướng dẫn khách nước ngoài tham quan chợ Hòa Long, TP. Bà Rịa. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Một trong những điều kiện để được hành nghề theo quy định của Luật Du lịch là hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Trong ảnh: Anh Nguyễn Thanh Tuấn (bìa phải), một hướng dẫn viên tự do hướng dẫn khách nước ngoài tham quan chợ Hòa Long, TP. Bà Rịa. 

Nhiều HDV cũng bày tỏ mong muốn có sân chơi chung trong một tổ chức Hội. Ông Nguyễn Danh Hà, công tác tại Công ty Asia Travel Holiday (999/9, đường 30-4, phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, ở cấp Trung ương, từ tháng 11-2017, Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam đã được thành lập. Một số tỉnh, thành cũng đã thành lập CLB HDV hoặc diễn đàn HDV. “Chúng tôi cũng mong muốn địa phương thành lập một tổ chức hội nghề nghiệp để tập hợp những người cùng sở thích giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp và đáp ứng điều kiện để được hành nghề hợp pháp”, ông Hà nói. 

Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch BR-VT đã bàn bạc phương án thành lập Chi hội HDV. Hiện nay, Ban chấp hành đang thống kê số lượng DN lữ hành, đội ngũ HDV và khảo sát nhu cầu tham gia Chi hội, song song với việc lập dự thảo kế hoạch, phương hướng hoạt động để tiến tới thành lập Chi hội HDV. Dự kiến, Chi hội HDV sẽ ra mắt trong Quý I-2018. 

(Ông Võ Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch BR-VT) 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.