.

Đường Hồ Chí Minh trên biển - tiếp lửa cho chiến dịch Bình Giã

Cập nhật: 18:41, 04/11/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Mở đường Hồ Chí Minh trên biển Bà Rịa-Vũng Tàu, đưa vũ khí, trang bị, chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ là chiến công xuất sắc của quân và dân tỉnh, góp phần trực tiếp vào thắng lợi vang dội của chiến dịch Bình Giã.

Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí vào bến Lộc An đêm 22/12/1964 cung cấp cho các đơn vị bộ đội trước khi bước vào đợt 2 của Chiến dịch Bình Giã. (Ảnh do Không quân-Hải quân Mỹ chụp)
Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí vào bến Lộc An đêm 22/12/1964 cung cấp cho các đơn vị bộ đội trước khi bước vào đợt 2 của Chiến dịch Bình Giã. (Ảnh do Không quân-Hải quân Mỹ chụp)

Vượt sóng mở bến tiếp nhận vũ khí

Trước yêu cầu phát triển của chiến tranh cách mạng miền Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến vận chuyển chi viện vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Trung ương cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền tổ chức thành công một số bến tiếp nhận vũ khí bằng đường biển ở các tỉnh Nam Bộ như: Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…Việc mở bến ở Bà Rịa-Vũng Tàu để đưa vũ khí về Đông Nam Bộ được cân nhắc thực hiện.

Đầu năm 1961, Trung ương Cục miền Nam cử cán bộ về Xuyên Mộc phối hợp cùng bộ đội, dân quân du kích địa phương khảo sát địa hình, chuẩn bị bến bãi tiếp nhận vũ khí. Ban Quân sự miền Đông chỉ thị thành lập Đoàn 555. Trong số cán bộ, chiến sĩ Đoàn 555 có nhiều ngư dân vùng biển Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Bến Lộc An là nơi giao nhau giữa cửa sông và biển, luồng lạch chằng chịt, rừng ngập mặn um tùm. Bến sát căn cứ địch nên tàu thuyền, chiến hạm, máy bay trinh sát, hệ thống ra đa của chúng kiểm soát thường xuyên. Làng mạc bị hủy diệt, dân chúng bị gom vào ấp chiến lược, quanh khu vực bến các đồn bót, tiểu khu, chi khu địch bố trí dày đặc. Bằng ý chí kiên cường, vượt gian khổ và niềm tin vào cách mạng, quân và dân địa phương nỗ lực mở bến Lộc An đúng kế hoạch.

Tháng 3/1961, đồng chí Lê Minh Thịnh, Trưởng ban Quân sự tỉnh chọn người mở đường biển ra miền Bắc tiếp nhận vũ khí. Chuyến vượt biển đầu tiên xuất phát vào hạ tuần tháng 5/1961, do anh Tư Gạch phụ trách với 4 thành viên tổ công tác gồm: Thôi Văn Nam, Nguyễn Sơn, Lê Hà, Trần Văn Hoàng và ông Nguyễn Văn Bảy, ông Sáu Thợ (chủ ghe) xuất phát từ bến Bình Châu. Thuyền đi dọc ven biển, vừa đánh cá, buôn bán dầu chai để che mắt địch vừa nắm bắt tình hình ven biển, ngoài khơi. Đoàn bị địch bắt giữ tại Quảng Nam, nhưng sau một thời gian điều tra không phát hiện được chứng cứ nên phải trả tự do. 

Nhận thấy không thể vượt tuyến, đoàn quyết định quay trở về Bình Châu. Chuyến vượt biển thứ 2 có 6 người, trong đó có 4 chiến sĩ đã đi chuyến đầu và 2 người được bổ sung thêm là Võ An Ninh, Nguyễn Văn Thanh. Ngày 27/2/1962, 6 thủy thủ nhổ neo rời bến Hồ Cốc mở đường ra Bắc. Đoàn trải qua nhiều hiểm nguy, gặp bão ở Cam Ranh, bị địch bắt giữ gần 2 tháng rồi thả ra. Đoàn tiếp tục từ Cam Ranh ra hải phận quốc tế rồi thẳng hướng ra Bắc. Tàu gặp giông ở Quảng Nam, hết nước ngọt, đoàn được ngư dân địa phương cứu thoát. Trên hải trình, đoàn bị gió lớn thổi tấp vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), rồi được Tổng Lãnh sự quán của ta bảo lãnh đưa về đến Hà Nội, ngày 15/5/1962.

Sau gần 3 tháng vật lộn với biển cả, đấu tranh với kẻ thù, 6 thủy thủ hoàn thành nhiệm vụ mở đường ra miền Bắc, được huấn luyện và phiên chế vào Đoàn vận tải 759, trực tiếp đưa những con tàu “không số”, chở vũ khí của Trung ương cung cấp cho miền Đông Nam Bộ qua bến Lộc An.

Tiếp lửa cho chiến dịch Bình Giã

Chuyến tàu cập bến Lộc An đầu tiên là tàu vỏ gỗ, chở hơn 20 tấn vũ khí xuất phát từ Hải Phòng, sau gần 2 tuần lênh đênh trên biển cập bến đêm 10/3/1963. Tàu do ông Lê Văn Một làm thuyền trưởng cùng 2 thủy thủ người địa phương Nguyễn Sơn và Thôi Văn Nam.

Do trục trặc trong khâu hiệp đồng giữa tàu và hoa tiêu nên tàu vào bến chậm bị mắc cạn, phơi mình trên cồn cát giữa sông. Nhờ sự can đảm, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 1500 (tiền thân là Đoàn 555), đoàn thủy thủ cùng sự hỗ trợ của người dân địa phương, hơn 20 tấn vũ khí và tàu được bảo vệ, tiếp nhận an toàn. Số vũ khí này chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ và Khu 6, góp phần đẩy mạnh hoạt động vũ trang, hỗ trợ đắc lực cho phong trào phá ấp chiến lược trên toàn Miền.

Cùng thời gian này, tuyến vận chuyển hàng chiến lược vào bến Thạnh Phú (Bến Tre) rất thuận lợi. Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo Đoàn 1500 tổ chức tuyến vận chuyển đường sông, chuyển tiếp hàng từ Thạnh Phú (Bến Tre) qua cửa Cần Giờ, vào sông Đồng Tranh-Thị Vải, về căn cứ Hắc Dịch. Trước khi chiến dịch nổ ra, Đoàn K10 dự trữ được 800 tấn vũ khí trong đó cấp phát cho chiến dịch Bình Giã khoảng 500 tấn.

Trước yêu cầu cấp bách về vũ khí, Bộ Tư lệnh Miền yêu cầu Trung ương chi viện vũ khí trực tiếp cho Chiến dịch Bình Giã bằng đường biển. Nhận được kế hoạch tuyệt mật của Bộ Tổng Tham mưu giao, Bộ Tư lệnh Hải quân và lãnh đạo chỉ huy Đoàn 125 điều động Đội tàu 56 tham gia chiến dịch.

Ngày 29/11/1964, chiếc tàu sắt 56, trọng tải trên 50 tấn chở 44 tấn vũ khí do ông Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng, ông Trần Ngọc Tuấn làm Chính trị viên xuất phát từ Hải Phòng vào chi viện cho chiến trường. Giữa lúc chiến dịch Bình Giã đang diễn ra, Ban Chỉ huy Đoàn 1500 được lệnh chuẩn bị thật tốt bến bãi đón chuyến hàng đặc biệt phục vụ cho chiến dịch.

22h đêm 22/12/1964, tàu 56 bí mật vượt biển Đông cập bến Lộc An, chuyển vũ khí và hàng hóa lên bờ an toàn và ra khơi trước khi trời sáng. Tỉnh ủy Bà Rịa huy động hàng trăm dân công ở các xã Phước Hải, Phước Bửu, Xuyên Mộc vận chuyển vũ khí vào kho. Từng đơn vị của các tỉnh miền Đông, Khu 6 cũng lần lượt đến nhận theo phiếu lệnh cung cấp của Miền. Một trung đoàn bộ binh chủ lực Miền từ phía Nam Xuân Sơn hành quân về Phước Bửu tiếp nhận, vận chuyển và bảo vệ 44 tấn vũ khí tại bến Lộc An về căn cứ, kịp trang bị bổ sung cho bộ đội bước vào đợt 2 chiến dịch Bình Giã.

Liên tiếp đưa vũ khí về Lộc An, chuyến tàu không số thứ 3 chở theo 70 tấn vũ khí cập bến đêm 1/2/1965, trong khi bộ đội chủ lực Miền, Quân khu cùng quân dân tỉnh Bà Rịa đang náo nức mừng chiến thắng Bình Giã và đón Tết Ất Tý. Vũ khí đợt này phần lớn là AK47, B40, B41… tiếp sức lớn cho bộ đội chủ lực Miền, Quân khu bước vào các chiến dịch quan trọng ở rừng Lá, lộ 20, Phước Long, Đồng Xoài…

Mở đường Hồ Chí Minh trên biển Bà Rịa-Vũng Tàu, đưa vũ khí, trang bị, chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ là chiến công xuất sắc của quân và dân địa phương, góp phần trực tiếp vào thắng lợi vang dội của chiến dịch Bình Giã.

MẠNH QUÂN

 

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Chiến dịch Bình Giã-một mốc lịch sử đáng ghi nhớ; 50 năm chiến dịch Bình Giã-thắng lợi và bài học lịch sử (2/12/1964-2/12/2014).

 
.
.
.