Quân và dân Bà Rịa tạo thế trận Bình Giã
Trong chiến dịch Bình Giã, quân và dân tỉnh Bà Rịa thực hiện tốt công tác dân vận, hậu cần và phối hợp tác chiến với quân chủ lực Miền trên 3 mũi giáp công, làm nên chiến công oanh liệt.
Tiếp tế lương thực cho chiến trường Bình Giã. Ảnh tư liệu. |
Dốc toàn lực cho chiến dịch
Năm 1964, hơn 2/3 các xã nông thôn ở Bà Rịa được giải phóng, hoặc chuyển lên thế tranh chấp mạnh giữa ta và địch. Tạo điều kiện và địa bàn cho bộ đội chủ lực Miền mở chiến dịch tiêu diệt sinh lực địch, đưa cuộc chiến tranh phát triển lên một bước mới. Chiến tranh nhân dân địa phương kết hợp tác chiến với bộ đội chủ lực.
Cuối tháng 10/1964, bộ đội tỉnh, bộ đội huyện Châu Thành, du kích xã Ngãi Giao và Đội công tác di cư Bình Giã nhiều lần tiến công vào ấp chiến lược Bình Giã để thử sức và thăm dò phản ứng của địch. Qua các lần tiến công, mặc dù ta chưa giải phóng được Bình Giã, nhưng nắm bắt được thế mạnh, yếu của địch, tạo cơ sở cho Bộ chỉ huy Miền và quân khu nghiên cứu chọn Bình Giã làm điểm tiến công mở màn chiến dịch, thực hiện chiến thuật bao vây đánh viện, diệt quân chủ lực ngụy.
Chuẩn bị cho chiến dịch Bình Giã, Tỉnh ủy Bà Rịa triển khai kế hoạch phối hợp, các mặt công tác phục vụ chiến dịch cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện, với yêu cầu hết sức khẩn trương, nhưng tuyệt đối bảo đảm bí mật chiến dịch. Chỉ đạo cho các huyện Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc, cao su, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, tổ chức các tổ thu mua gạo, thuốc men phục vụ chiến dịch. Quần chúng cơ sở vượt qua các đồn bót giặc với nhiều hình thức khôn khéo, lên Sài Gòn, ra Vũng Tàu mua gạo bí mật chuyển về cho các đơn vị hậu cần. Nhân dân ở các thị xã, thị trấn, công nhân cao su trong các ấp chiến lược bí mật đưa từng lít gạo, lon muối ra căn cứ. Trong khoảng 2 tháng, ta đã chuẩn bị được 500 ngàn lít gạo và một khối lượng lớn thực phẩm thuốc men phục vụ chiến dịch.
Đội công tác di cư Bình Giã bám các ấp đồng bào dân tộc Châu Ro ở La Vân, Cà Mum (ven Bình Giã) tổ chức cho bà con đưa hàng hóa vào Bình Giã trao đổi để nắm tình hình, hệ thống bố phòng của giặc. Du kích các xã, bộ đội địa phương huyện, tỉnh liên tục mở các trận tiến công, bao vây đồn bót địch, bảo vệ căn cứ kho tàng, nghi binh, đánh lạc hướng phán đoán của địch.
Hàng trăm thanh niên nam nữ các xã hăng hái xung phong đi dân công tải đạn. Riêng khu vực đồn điền cao su (lộ 2) và vùng Hòa Long, Long Phước tổ chức được 2 đại đội dân công hỏa tuyến. Các đơn vị này đã sát cánh cùng với cán bộ, chiến sĩ đoàn hậu cần Miền và quân khu chuyển hàng trăm tấn vũ khí từ biển Lộc An và Bến Tre qua rừng Sác vượt lộ 15 về căn cứ Hắc Dịch, kịp thời trang bị cho bộ đội chiến đấu.
Tại căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha, Xuân Sơn, quân dân Bà Rịa, đặc biệt là đồng bào dân tộc ngày đêm khẩn trương đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị nơi ăn, chốn ở cho bộ đội ém quân. Bệnh xá quân y tỉnh với 30 bác sĩ, y tá và 20 giường bệnh được trưng dụng phục vụ cho chiến dịch.
Phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực Miền
Sáng 2/12/1964, quân ta tiến công Bình Giã, mở màn chiến dịch. Hai mũi xung kích của Đại đội 445 Bộ đội tỉnh đồng loạt nổ súng đánh vào cổng chính ấp 2. Đoàn pháo binh Miền được nhân dân đưa đường, luồn sâu vào căn cứ địch, nã đạn vào chi khu: Đức Thạnh, Vạn Kiếp và Hòa Long. Một phân đội của Đại đội 445 đưa một Đại đội của Trung đoàn 1 chủ lực Miền đánh vào ấp 1. Sau thời gian ngắn chiến đấu, bộ đội đã chiếm được làng 2 và 3, diệt 60 tên địch.
Hoàn thành nhiệm vụ đánh điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ lực Miền “diệt viện”, Đại đội 445 được lệnh rút ra để củng cố. Đại đội 440 được lệnh cơ động cùng Trung đoàn 761 đánh vào Chi khu Đất Đỏ và vùng phụ cận, tạo điều kiện cho Trung đoàn 762 diệt gọn 1 Chi đoàn bọc thép 14 chiếc, diệt 100 địch, có 9 cố vấn Mỹ, từ lộ 2 xuống chi viện cho Đất Đỏ.
Phối hợp với chiến dịch, Tỉnh ủy Bà rịa chỉ đạo bộ đội địa phương các huyện, du kích và nhân dân các xã bằng 3 mũi giáp công tiếp tục bao vây, bức hàng, bức rút đồn tốt địch, giải phóng ấp xã. Góp phần giam chân chủ lực của địch, buộc chúng phải đối phó nhiều nơi, phân tán hỏa lực. Tạo điều kiện cho chủ lực ta phát huy tác dụng, hỗ trợ nhân dân địa phương nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ.
Tại Long Đất, ngày 7/12/1964, bộ đội huyện cùng du kích Long Hội Mỹ bao vây đồn Bờ Đập suốt 7 ngày đêm, diệt 42 tên lính bảo an. Du kích xã Phước Hải bao vây đồn lớn trung tâm xã. Nhân dân tuần hành xuống đường biểu dương lực lượng, nổi dậy làm chủ xã ấp.
Ngày 27/12/1964, Đại đội 440 Bộ đội tỉnh kết hợp với C.25 (bộ đội Long Đất) phục kích đánh 2 đại đội học viên hạ sĩ quan ngụy trên đoạn đường Long Hải - Đá Giăng (lộ 44) bắn cháy 4 xe bọc thép, diệt 120 tên địch…
Tại huyện Châu Thành, bộ đội huyện (C.20) vây chặt chi khu Long Lễ. Du kích các xã Hòa Long, Long Phước, Bình Ba, cùng quần chúng nhân dân nổi dậy bao vây đồn bót giặc, buộc chúng phải rút chạy về tiểu khu Bà Rịa. Các xã Bình Ba, Long Phước và phần lớn xã Hòa Long được giải phóng.
Du kích, dân công hỏa tuyến ngày đêm làm nhiệm vụ đưa đường, tiếp lương, tải đạn, khiêng cáng thương binh, đào phá các trục lộ giao thông ngăn chặn địch hành quân. Các má, các chị ở Ngãi Giao, Xuân Sơn lo từng nắm chiếc bánh mang đến tận chiến hào cho bộ đội. Hội phụ nữ lo mai táng các chiến sĩ hy sinh. Các cụ già người dân tộc Châu Ro ở Xuân Sơn tuy tuổi cao sức yếu vẫn dũng cảm dẫn đường cho bộ đội truy kích địch. Nhiều chị em tham gia dân công hỏa tuyến, cấp cứu, tải thương, mai táng liệt sĩ, phục vụ tại trạm xá tiền phương. Nhân dân các xã dọc theo lộ 2, công nhân cao su tập trung hàng trăm người kéo lên quận lỵ Đức Thạnh, ra Bà Rịa đấu tranh đòi địch chấm dứt bắn pháo, ném bom, gây hoảng sợ trong nội bộ địch.
Trong lúc đợt 2 chiến dịch diễn ra, ở phía Tây lộ 2, Trung đoàn 762 hỗ trợ du kích và nhân dân địa phương nổi dậy bức rút một số đồn bót dịch ở Đức Mỹ, An Phú... làm chủ ấp xã. Bọn tề ngụy, dân vệ các xã dọc theo lộ 2 hoàn toàn tan rã. Nhiều trận đánh khác có sự phối hợp giữa các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, đặc biệt là nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng quân chủ lực của ngụy được Mỹ trang bị và yểm trợ bằng vũ khí hiện đại.
Ngày 3/1/1965, chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích các xã tiếp tục khí thế tiến công tiêu diệt đồn bót dịch, mở rộng và giữ vững vùng giải phóng. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của nhân dân phát trển mạnh mẽ. Thực lực cách mạng phát triển, lực lượng vũ trang lớn mạnh nhanh chóng, tạo thế và lực sẵn sàng đương đầu với những âm mưu và thủ đoạn mới của Mỹ - ngụy.
MẠNH QUÂN
* Bài viết có sử dụng tư liệu: Chiến dịch Bình Giã - một mốc lịch sử đáng ghi nhớ; 50 năm chiến dịch Bình Giã - thắng lợi và bài học lịch sử (2/12/1964-2/12/2014)