.

Chiến thắng Bình Giã độc đáo nghệ thuật quân sự Việt Nam - Kỳ cuối: Trận chiến ngoan cường, hiệu quả phi thường

Cập nhật: 18:23, 27/09/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Chiến thắng Bình Giã góp phần làm thất bại cơ bản chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam.

Tặng thưởng cờ Quyết chiến quyết thắng cho đơn vị chiến thắng Bình Giã. Ảnh: tư liệu
Tặng thưởng cờ Quyết chiến quyết thắng cho đơn vị chiến thắng Bình Giã. Ảnh: tư liệu

Chiến thắng của thế trận chiến tranh nhân dân

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch giành thắng lợi lớn nhất của quân và dân ta trong những năm chống Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy, là trận đánh mà số lượng quân Mỹ - ngụy tham gia với mức kỷ lục. Số lượng máy bay, xe cơ giới địch bị tiêu diệt lớn. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân giải phóng loại khỏi vòng chiến đấu nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, trong đó có những đơn vị sừng sỏ thuộc lực lượng tổng trù bị chủ lực của địch như: Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn 33, 35 biệt động quân. Đặc biệt, ta đã đánh bại chiến thuật "thiết xa vận" và "trực thăng vận" của địch.

Ta mở chiến dịch với 7.000 quân tham gia, trên một địa bàn không thuận lợi, trong điều kiện vũ khí, khí tài, lương thực hạn chế. Dù vậy, việc triển khai chiến dịch được thực hiện xuất sắc, nhờ kết hợp hậu cần chủ lực với hậu cần tại chỗ, dựa vào dân, qua 100 ngày đêm chiến đấu ta vẫn còn dư 100 tấn lương thực.

Phát huy thành quả của chiến dịch Bình Giã, trong bước phát triển, bộ đội Miền cùng quân, dân Bà Rịa phá tung hàng chục ấp chiến lược trên Tỉnh lộ 2, vùng Đất Đỏ, Long Thành, Nhơn Trạch, ven biển Hàm Tân, giải phóng hoàn toàn quận Hoài Đức, mở rộng căn cứ Hắc Dịch nối liền với chiến khu D và khu căn cứ tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, ta đã củng cố các bến bãi tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện bằng đường biển. 

Qua chiến dịch, trình độ tổ chức và tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực được rèn luyện. Lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng trưởng thành, tạo điều kiện cho ta phát triển thế trận chiến tranh nhân dân.

Từ chiến thắng Bình Giã, quân và dân ta trên khắp miền Nam tiến hành các đợt tác chiến với quy mô khác nhau, như: An Lão (30/11 - 08/12/1964), Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965), Ba Gia (28/5 - 20/7/1965)… góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

Thay đổi cục diện chiến trường

Chiến thắng Bình Giã là chiến dịch tấn công đầu tiên của Quân Giải phóng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng là chiến dịch quyết định làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy, buộc đế quốc Mỹ phải vội vàng đưa quân Mỹ và chư hầu vào chiến trường miền Nam, chuyển sang Chiến tranh cục bộ, hòng cứu vãn tình thế và rơi vào cuộc phiêu lưu quân sự ngày càng cao hơn.

Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng ở trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Mô tả chiến dịch Bình Giã, Hãng thông tấn AP ngày 28/12/1964, viết: Quân Giải phóng từ các hào giao thông thình lình xuất hiện, đánh tan các đơn vị biệt kích của chính phủ.

Lính Mỹ bị thương tháo chạy tại chiến trường Bình Giã. Ảnh: tư liệu
Lính Mỹ bị thương tháo chạy tại chiến trường Bình Giã. Ảnh: tư liệu

Tờ Tin nhanh Campuchia thời điểm đó đưa tin: "Trận Bình Giã một lần nữa biểu thị rõ ràng sức chiến đấu ngoan cường và tính hiệu quả phi thường của các lực lượng vũ trang giải phóng và cách mạng miền Nam Việt Nam. Chiến thắng Bình Giã còn là một Điện Biên Phủ thu nhỏ lại của quân giải phóng". Báo Nhân dân Miến Điện viết: "Dù Lầu Năm Góc không dám nhận là họ sẽ thất bại ở miền Nam Việt Nam, nhưng nhiều chuyên gia quân sự thế giới đã đoán đúng là chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ chiến thắng ở miền Nam Việt Nam cả”.

Trong khi đó, báo Dân tộc của Pháp viết: "Trận Điện Biên Phủ thứ hai phải chăng đã bắt đầu từ Bình Giã". Còn xã luận của Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh nhận định: “Chiến thắng Bình Giã là một điềm báo trước tốt đẹp”, “Ý nghĩa của Chiến thắng Bình Giã đã vượt qua phạm vi của chiến dịch này và có ảnh hưởng sâu rộng”.

Phía Mỹ đánh giá chiến dịch Bình Giã: "Nỗi thất vọng của Washington đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại "trông thấy" trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã, phía Đông Nam Sài Gòn ngày 26/12, đến ngày 2/1... Bộ Quốc phòng Mỹ chua chát thú nhận: “Bình Giã là một thất bại trông thấy của quân Sài Gòn”. Riêng tướng Westmoreland - cha đẻ của chiến thuật "tìm diệt" thừa nhận sự kiện Bình Giã đánh dấu một bước ngoặt của chiến tranh.

Nói về ý nghĩa của chiến dịch Bình Giã, Đại tướng Hoàng Văn Thái đánh giá: “Đây là một chiến dịch tiến công mang tính tổng hợp, một chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, cũng là một trong những chiến dịch đầu tiên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Một chiến dịch quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, kết hợp tiến công với nổi dậy, chiến tranh du kích với chiến tranh chính trị, đánh bại chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy".

Tổng Bí thư Lê Duẩn nhìn nhận: “Trong quá trình chiến tranh giải phóng ở miền Nam đã diễn ra những bước nhảy vọt. Với trận Ấp Bắc năm 1963, địch thấy khó thắng ta, sau chiến dịch Bình Giã địch thấy thua ta”.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự thất bại về cơ bản của chiến lược Chiến tranh đặc biệt".

Chiến thắng Bình Giã là một tia chớp làm sáng tỏ tình hình, góp phần làm thất bại cơ bản và đặt dấu chấm hết cho chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa nói riêng.

MẠNH QUÂN

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945 - 1975); Chiến dịch Bình Giã - một mốc lịch sử đáng ghi nhớ.

 
.
.
.