.
CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM

Kỳ 3: Những đòn thử lửa đầu tiên

Cập nhật: 16:01, 24/09/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Những lần tấn công ấp chiến lược Bình Giã của lực lượng vũ trang tỉnh để thử sức và thăm dò phản ứng của địch, Bộ Chỉ huy Miền đã đi đến quyết định chọn Bình Giã làm điểm quyết chiến.

Nhân dân Bình Giã vùng lên phá ấp chiến lược của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. (Ảnh tư liệu)
Nhân dân Bình Giã vùng lên phá ấp chiến lược của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. (Ảnh tư liệu)

Đánh thăm dò phản ứng địch

Cuối năm 1964, vùng giải phóng của tỉnh được mở rộng, tạo thế liên hoàn, nối liền vùng giải phóng Long Đất, căn cứ Minh Đạm và vùng giải phóng Đông và Tây lộ 2 đến vùng giải phóng Xuyên Mộc. Thực lực cách mạng của các huyện thị dần lớn mạnh. Các đơn vị hậu cần, quân dân y của tỉnh được củng cố, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho các đơn vị vũ trang và nhân dân vùng giải phóng.

Trong thế suy yếu và bị động, địch tập trung lực lượng co cụm giữ các chi khu, tỉnh lỵ và các trục giao thông quan trọng. Tại khu vực lộ 2, địch tăng cường phòng thủ chi khu Đức Thạnh và ấp chiến lược Bình Giã.

Xã Bình Giã nằm trên hương lộ 327, giáp với chi khu Đức Thạnh, cách TX.Bà Rịa khoảng 18 km về hướng Bắc.

Bình Giã là khu gia binh của lực lượng thủy quân lục chiến và lính biệt động ngụy. Nếu Bình Giã bị diệt, Chi khu Đức Thạnh, Đường số 2 bị uy hiếp, Bà Rịa bị chia cắt khỏi Long Khánh và Đường số 1, khu vực phòng ngự có tầm chiến lược của địch sẽ mất hiệu lực.

Địch xây dựng Bình Giã thành ấp chiến lược kiểu mẫu với hệ thống phòng thủ kiên cố, có hào giao thông; ô, ụ chiến đấu; hàng rào kẽm gai, chông, mìn dày đặc bao quanh.

Bên ngoài cùng là hàng rào tự nhiên bằng tre gai kiên cố. Ngoài số tề xã, tề ấp, địch tổ chức ở đây một lực lượng quân sự gồm: 147 tên dân vệ được biên chế thành Liên trung đội, trang bị mạnh, có máy thông tin PRC10. Địch bố trí Đại đội 2 biệt động quân/Tiểu đoàn biệt động 38 và một Đại đội bảo an ninh quân số 131 tên thường trực dã ngoại để bảo vệ. Ngoài ra, chúng còn bố trí 108 thanh niên tự vệ thành các đội bảo vệ Chúa, được trang bị đầy đủ vũ khí. Mỹ-ngụy coi ấp chiến lược Bình Giã là “bất khả xâm phạm”.

Cuối tháng 10/1964, Bộ đội tỉnh nổ súng tiến công vào Bình Giã. Bộ đội bí mật tiếp cận cổng phía đồi Đức Mẹ ngay trong đêm. 2 Đại đội 440 và 445 chia làm 2 mũi, ém quân trong bãi bắp gần cổng chính làng 2. Khi địch mở cổng ấp vào lúc 6 giờ sáng, các mũi xung kích đồng loạt nổ súng và xông lên chiếm cổng, tràn vào ấp với ưu thế hoàn toàn bất ngờ, nhanh chóng làm chủ làng 2 và phát triển sang làng 3.

Khoảng 9 giờ sáng, ngụy quyền làng 2 cho bọn tay sai phản động thúc ép hàng trăm đồng bào biểu tình dùng gậy gộc và hung khí xông vào đánh bộ đội, đòi thả những tên ác ôn vừa bị bắt. Trước áp lực của quần chúng bị bọn phản động lợi dụng, đồng chí Sáu Chiến dùng đại liên nghếch nòng súng lên tầm quá đầu người bắn uy hiếp để giải tán đoàn biểu tình. Bộ đội ta tiếp tục tổ chức đánh vào làng 3 trong đêm, diệt một số tên địch, phát loa kêu gọi binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, tuyên truyền cương lĩnh của mặt trận dân tộc giải phóng rồi rút quân ra để củng cố lực lượng.

“Đánh điểm, diệt viện”

Nhằm nâng cao quy mô tác chiến và trình độ vận động chiến của bộ đội chủ lực, làm vận động chiến giữ vai trò quyết định, Quân ủy và Bộ chỉ huy miền quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thực tiễn của đợt đi chuẩn bị chiến trường của đoàn cán bộ tham mưu Miền cho thấy bộ đội ta chưa quen đánh công kiên, trong khi công sự địch rất kiên cố, lực lượng trinh sát Miền chưa qua được 10 lớp rào của chi khu Xuyên Mộc. Trận đánh thăm dò vào chi khu Đất Đỏ của 1 đơn vị bộ đội chủ lực Miền bị thương vong nặng.

Trong lúc đó, trận tiến công ấp chiến lược Bình Giã của bộ đội địa phương diễn ra khi đoàn cán bộ của Bộ Chỉ huy Miền về điều nghiên chiến trường Bà Rịa-Long Khánh. Theo sự chỉ đạo của Miền, đồng chí Nguyễn Việt Hoa (Mười Thà), Tỉnh đội trưởng Bà Rịa trực tiếp chỉ huy liên tiếp thêm 2 trận tiến công Bình Giã vào các thời điểm khác nhau để thăm dò phản ứng của địch. Lực lượng tham gia gồm 2 đại đội 440 và 445 bộ đội tỉnh, Đại đội 20 bộ đội huyện, du kích xã Ngãi Giao và đội công tác di cư do đồng chí Nguyễn Trọng Vĩ phụ trách.

Hai ngày sau, Đại đội 440 và Đại đội 445 bất ngờ đánh vào làng 1, tiêu diệt sinh lực địch rồi nhanh chóng rút ra khi địch chưa kịp hoàn hồn. Đại đội 20 bộ đội huyện, du kích xã Ngãi Giao và đội công tác di cư phối hợp tuyên truyền đường lối chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi Nhân dân không để địch lừa bịp, đưa con em đi lính làm bia đỡ đạn cho địch. 

Một tuần sau, đồng chí Mười Thà chỉ huy lực lượng một lần nữa tiến công ấp chiến lược Bình Giã. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, từ sáng đến 3 giờ chiều ta mới chiếm được làng 1. Địch dùng máy bay lên thẳng đổ một tiểu đoàn biệt động quân xuống Bình Giã. Bộ đội ta đào hầm để tiếp tục trụ lại đánh địch. Cuộc chiến đấu không cân sức, giằng co kéo dài đến ngày hôm sau. Trước tình thế bất lợi, Ban chỉ huy tỉnh đội quyết định rút lui để bảo tồn lực lượng.

Ba lần tiến công chưa giải phóng được Bình Giã, nhưng qua chiến đấu ta nhận ra chỗ mạnh, yếu cũng như phản ứng của địch. Nắm bắt tình hình này, đoàn cán bộ tham mưu Miền đề đạt ý kiến lên Bộ chỉ huy chiến dịch về việc chọn Bình Giã, Đức Thạnh làm điểm tấn công mở màn cho chiến dịch và thực hiện phương thức tác chiến mới: “đánh điểm, diệt viện”, nhằm tiêu diệt quân chủ lực ngụy, đánh bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" ở quy mô cấp chiến dịch.

MẠNH QUÂN

(Còn nữa)

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Đức (1930-2000); Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975); Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (1945-2010) và Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Đức (1930-2015); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (1954-1975).

 
.
.
.