.
CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM

Kỳ 2: Ba mũi giáp công giải phóng ấp chiến lược

Cập nhật: 18:06, 23/09/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Kế hoạch Staley-Taylor phá sản, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng kế hoạch Johnson-Mc.Namara” với mục tiêu bình định miền Nam có trọng điểm trong vòng 2 năm (1964-1965).

Ngụy quân Sài Gòn bố trí các chòi canh dọc theo hàng rào ấp chiến lược. (Ảnh tư liệu)
Ngụy quân Sài Gòn bố trí các chòi canh dọc theo hàng rào ấp chiến lược. (Ảnh tư liệu)

“Thay ngựa giữa dòng”

Sự kiện Ấp Bắc đầu năm 1963 mở ra phong trào "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công" trên toàn miền Nam, đẩy kế hoạch Staley-Taylor đi đến phá sản. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Johnson Mc.Namara dẫn đầu một phái đoàn sang nghiên cứu tình hình chiến trường và đưa ra "Kế hoạch Johnson-Mc.Namara" nhằm bình định miền Nam có trọng điểm trong vòng 2 năm (1964-1965). Kế hoạch tập trung vào việc: tăng cường chỉ huy trực tiếp của Mỹ, tăng quân số cho quân đội Sài Gòn; xúc tiến hơn nữa lập ấp chiến lược, bình định các tỉnh xung quanh Sài Gòn; dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam và Lào gây sức ép buộc miền Bắc phải ngừng chi viện cho miền Nam.

Cuối năm 1963, phong trào cách mạng ở miền Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Ngụy quân, ngụy quyền tay sai lâm vào khủng hoảng trầm trọng sau khi chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1/11/1963). Các phe phái ngụy Sài Gòn tiếp tục tranh giành quyền lực. Năm 1964 có tới 9 cuộc âm mưu đảo chính, trong đó 5 lần phải “thay ngựa giữa dòng”.

Địch suy yếu nghiêm trọng về chính trị, nhưng còn mạnh về quân sự. “Quốc sách” ấp chiến lược thất bại thảm hại, Mỹ-ngụy quay sang thực hiện kế hoạch “bình định có trọng điểm”. Trong năm 1964, Mỹ tập trung xây dựng cho ngụy lực lượng 471.000 quân, gồm 245.000 chủ lực, 226.000 bảo an. Ngoài ra còn có hàng vạn cố vấn, đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ cho quân ngụy tiến hành chiến tranh. Địch đôn lực lượng vào càn quét bình định, trọng điểm là các vùng quanh Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Kiến An, Kiến Tường, Bến Tre và Hậu Giang. Năm 1964, địch mở 6.492 trận càn từ cấp tiểu đoàn đến sư đoàn, trong đó 74% số trận được tiến hành ở Nam Bộ, nơi có các trọng điểm bình định.

Chúng ráo riết đôn quân bắt lính, số tân binh ở trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp tăng nhanh, thường xuyên có từ 5.000-10.000 tên. Các cứ điểm quân sự như khu Phước Biên, chi khu Đức Thạnh, Long Lễ được bổ sung thêm hàng đại đội lính biệt kích, thám báo, biệt động… chiếm giữ càn quét bên ngoài thế chân cho bọn bảo an dân vệ ruồng bố, phòng vệ bên trong. Tại Bà Rịa, pháo địch ở Phú Mỹ, Bà Rịa, Ông Trịnh ngày đêm bắn phá, gieo rắc nhiều tai họa cho Nhân dân. Long Đất và Châu Thành là những “trọng điểm bình định” của địch.

Ba mũi giáp công phá ấp chiến lược

Phía ta, phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị: Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng... tiếp tục lên cao, thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, đặc biệt, sau khi Nguyễn Khánh ra những sắc lệnh phát xít mới và chính quyền ngụy sát hại nhà yêu nước Nguyễn Văn Trỗi (15/10/1964). Trên mặt trận chống phá “bình định”, trong năm 1964, từng mảng lớn ấp chiến lược do địch lập nên đã bị ta phá; nhiều ấp chiến lược trở thành căn cứ cách mạng, vùng tự do của ta ngày càng được mở rộng.

Tại Bà Rịa, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục về chống, phá ấp chiến lược, đầu năm 1964, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Đại đội 440, quân số, vũ khí được tách từ Đại đội 445 và nguồn bổ sung từ bộ đội huyện. Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về chống, phá ấp chiến lược, lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện mở đợt cao điểm liên tục tấn công địch. 

Được sự chi viện của bộ đội tỉnh, Đại đội 25 bộ đội huyện Long Đất phục kích tại Cầu Ngang (xã An Nhứt) chặn đánh bọn công an, cảnh sát từ Long Điền chi viện. Trên hướng lộ 44, địch ở chi khu Đất Đỏ đưa 1 đại đội bảo an lên càn thọc sâu vào Long Mỹ hỗ trợ cho bọn tề xã, ấp làm lại ấp chiến lược. Đại đội 25 và du kích Long Mỹ tổ chức thành 3 mũi bao vây địch tại khu mả Ông Đại (Bàu Tây), diệt gọn đại đội bảo an.

Tại TT.Long Điền, du kích xã nổ súng tiến công đội thanh niên chiến đấu, bắt sống 4 tên, thu 8 súng. Trong các ấp chiến lược, cán bộ, du kích đột nhập tiến hành vũ trang tuyên truyền, giải tán các đội thanh niên chiến đấu.

Tháng 5/1964, bộ đội huyện kết hợp du kích xã tiến công vào 2 bót An Ngãi và Tam Phước. Tại Phước Hải, cơ sở mật trong xã đã đưa 2 trung đội bộ đội huyện ém quân bí mật, phục kích diệt gọn 1 trung đội bảo an.

Giữa năm 1964, hầu hết các ấp chiến lược ở Long Đất mất hiệu lực, nhiều ấp ở Đất Đỏ bị phá banh. Bọn tề ngụy ở xã, ấp trong huyện Long Đất gần như tan rã. Ta giải phóng cơ bản các trục lộ 23, 52. Địch co cụm vào các chi khu Long Điền, chi khu Đất Đỏ và các đồn: Con Ó, Phước Hải, Bờ Đập, Phước Tỉnh, Long Hải, An Nhứt, An Ngãi.

Tại huyện Xuyên Mộc, lực lượng vũ trang tỉnh, bộ đội huyện cùng với du kích, Nhân dân địa phương tiến đánh, giải phóng ấp chiến lược Láng Găng (Bình Châu), Bưng Riềng, Gò Cà (Xóm Rẫy), Bà Tô, Bàu Lâm… Đến giữa năm 1964, quân và dân Xuyên Mộc phá hầu hết các ấp chiến lược trên toàn huyện, giải phóng 2/3 dân cư và đất đai.

Ở vùng Tam Long, Đại đội 20 bộ đội huyện Châu Thành với sự hỗ trợ của một phân đội Đại đội 445 bộ đội tỉnh phục kích tại ấp Bắc (xã Hòa Long) tiêu diệt ác ôn, bắt 8 dân vệ, thu vũ khí. Ban chỉ đạo đấu tranh chính trị huyện Châu Thành tổ chức cuộc đấu tranh lớn vào tháng 5/1964, với hơn 2.000 người tham gia, từ Ngãi Giao, Xuân Sơn, Bình Ba, Hòa Long, Long Phước kéo về tỉnh lỵ đấu tranh chống bắn pháo vào xóm ấp.

Nhằm hỗ trợ cho đợt hoạt động mở vùng của Bà Rịa, Quân khu 7 điều tiểu đoàn chủ lực D.800 về hoạt động trên hướng lộ 15. Tháng 6/1964, du kích Mỹ Xuân và bộ đội huyện Châu Thành phối hợp tiểu đoàn 800 phục kích tại khu vực Đại Tùng Lâm, phá hủy 25 xe quân sự, diệt hơn 100 tên địch, phá hủy 3 khẩu 105 ly... Lực lượng du kích Phước Hòa, Hội Bài, Mỹ Xuân hỗ trợ cho quân và dân Long Sơn phá rã ấp chiến lược, đưa nhiều thanh niên chiến đấu ra sống bất hợp pháp ở Rừng Sác.

Tháng 7/1964, địch đưa lực lượng bộ binh và bảo an từ quân lỵ Đức Thạnh hành quân xuống lấn chiếm Bình Ba. Đại đội 445 bộ đội tỉnh và du kích chặn đánh tiêu diệt, bắt sống nhiều tên, thu nhiều vũ khí. Quân và dân Long Phước kiên trì ba mũi giáp công, bao vây bức rút đồn Long Phước. 

Vùng giải phóng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng được mở rộng, nối liền với các cơ sở cách mạng tạo thế liên hoàn. Các huyện phá rã, phá banh trên 80% ấp chiến lược, ta làm chủ từng đoạn lộ 2, lộ 15, lộ 23, lộ 44, lộ 52, tạo địa bàn đứng chân cho các đơn vị bộ đội, dân, chính, Đảng của tỉnh và quân khu. Vùng Núi Dinh được chọn làm khu huấn luyện, trường đào tạo cán bộ hoạt động nội thành của Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Các cơ sở của Thị ủy Bà Rịa đưa đón và cung cấp lương thực, thực phẩm cho lớp học. Ở vùng giải phóng, chính quyền được thành lập, chi bộ được củng cố, các hội, đoàn thể hoạt động mạnh, từng bước ổn định đời sống Nhân dân. Lực lượng vũ trang, dân quân du kích phát triển, ngày đêm luyện tập, tuần tra canh gác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng.

MẠNH QUÂN

(Còn nữa)

 

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Đức (1930-2000); Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975); Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (1945-2010) và Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Đức (1930-2015); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (1954-1975).

 
.
.
.