Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Chiều 10/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp |
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm điều chỉnh, có một số quy định đã không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn; nhất là các vấn đề phát sinh trong “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” cần phải luật hóa. Do đó, việc Quốc hội cho ý kiến sửa đổi đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, nhất là khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực sau ngày 31/12/2023.
Đại biểu Hùng nhận định có một số nội dung quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 và đối tượng áp dụng tại Điều 2 của Dự thảo luật nhưng chưa được dự thảo luật quy định đó là: Các nội dung liên quan đến tài chính của tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại từ doanh thu, chi phí, doanh thu nhận trước, lãi dự thu, trích lập dự phòng, hoàn nhập dự phòng, hạch toán lãi lỗ, vấn đề chế độ kế toán, kiểm toán, vấn đề trích lập các quỹ… Vì vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, rà soát bổ sung các quy định này vào nội dung dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận |
Về điều chỉnh nội dung ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (ví dụ như các trường hợp: Góp vốn mua cổ phần các công ty con kinh doanh trong các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, cho thuê tài chính): Đại biểu Hùng cho biết, mặc dù dự thảo luật có đề cập vấn đề này tại Điều 4 và Điều 103 dự thảo luật, song chưa cụ thể. Đại biểu Hùng nhận thấy đây là vấn đề phức tạp có liên quan đến quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và Luật Quản lý Thuế 2019, cụ thể như xác định doanh thu, chi phí, lỗ lãi tại dự thảo Luật so với các quy định về tính toán các khoản thuế, doanh thu, chi phí theo các quy định của Luật quản lý Thuế…nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải luật hóa, quy định cụ thể hơn nữa. Nên cân nhắc thiết chế có một chương riêng quy định về tài chính của các ngân hàng thương mại trong dự thảo Luật.
Liên quan đến cơ chế xác định giá của khoản nợ xấu (Điều 182, 183): Đại biểu Hùng cho biết dự thảo Luật quy định: “…tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với “giá bán phù hợp với giá thị trường” (Điều 182). Tuy nhiên, cơ sở để xác định giá trị thị trường hay định nghĩa thế nào là “phù hợp” với giá thị trường thì dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể, sẽ khó khăn cho việc triển khai trong thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn cơ sở để xác định giá thị trường và nguyên tắc “phù hợp” với giá thị trường của các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan, hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.
Về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 184): Đại biểu Hùng nhận định, hiện nay, thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo quy định trong dự thảo Luật chưa có những cơ chế pháp lý khác nhau đối với các loại tài sản đảm bảo khác nhau. Ví dụ: Việc thu giữ tài sản đảm bảo là bất động sản trên thực tế sẽ khác biệt với các tài sản đảm bảo khác như vốn góp, cổ phần, chứng khoán…Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hành vi thu giữ phù hợp với từng dạng tài sản bảo đảm cụ thể, nhằm cân đối các lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo được tính ổn định của các giao dịch trên thị trường có liên quan đến tài sản bảo đảm.
Đối với khoản 5 Điều 184 quy định: “Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”. đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định như trên là chưa rõ. Trên thực tế, khi triển khai Nghị quyết 42, do cũng không có quy định rõ ràng trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an; nên chính quyền địa phương và cơ quan công an vào cuộc không quyết liệt, chưa kịp thời, đồng bộ và nhất quán. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Liên quan đến thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu: Đại biểu cho biết, Dự thảo chưa quy định điều này. Theo đại biểu, nếu như thủ tục rút gọn được thực hiện trong thực tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác xử lý nợ xấu như giảm thiểu chi phí, tiết kiệm được nhiều thời gian công sức, tăng tốc độ xử lý nợ xấu. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này, trong đó có mở rộng phạm vi và thay đổi các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo hướng đơn giản, khả thi hơn.
Liên quan đến đối tượng tham gia xử lý nợ xấu: Đại biểu đề nghị Dự thảo luật nên xem xét mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ xấu, bao gồm cả doanh nghiệp mua - bán, xử lý nợ xấu tư nhân (cả trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài). Hiện nay, Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư đã bãi bỏ các rào cản cho việc thành lập doanh nghiệp mua bán nợ, nhưng các doanh nghiệp này vẫn không hoạt động được vì không được hưởng các cơ chế theo Nghị quyết 42 (ví dụ như không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm như các tổ chức tín dụng). Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, nên xem xét cho phép các doanh nghiệp khi mua nợ xấu cũng được hưởng cơ chế xử lý nợ xấu như các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp này. Với các nhà đầu tư, doanh nghiệp mua - bán, xử lý nợ xấu nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc ủy quyền thông qua một tổ chức hoạt động tại Việt Nam.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)