ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thảo luận tại tổ 2 dự án luật sửa đổi: Luật Căn cước và Luật Viễn Thông
Sáng 10/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật Căn cước (Sửa đổi) và Luật Viễn thông (Sửa đổi).
Tổ thảo luận số 7, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ sáng 10/6 |
Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: Việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…khắc phục những hạn chế, vướng mắc, của Luật Căn cước công dân hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Do vậy, tôi nhận thấy, Quốc hội xem xét ban hành luật này là cần thiết.
Về bố cục của dự thảo luật, đại biểu cơ bản thống nhất với 12 chương, 46 Điều, trong đó đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung 07 điều so với Luật Căn cước Công dân hiện hành, tuy nhiên để đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền con người triệt để khi cập nhật các thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc rà soát kỹ lưỡng nội dung dự thảo luật với các văn bản luật liên quan như: Luật Quốc tịch; Luật Hộ tịch; Luật Cư trú; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Trẻ em; Bộ luật dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Đấu thầu; Luật Khám chữa bệnh; Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em; Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị… để đảm bảo tính thống nhất và bảo mật.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ |
Về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam (Điều 7): Đại biểu Phúc nhận xét đây là quy định mới, nhân văn, tiến bộ hơn so với Luật căn cước công dân hiện hành; song đại biểu nhận thấy đây là vấn đề xuất phát từ trong đời sống pháp lý xã hội, nên cần luật hóa cụ thể hơn thành các quy định của luật này, để điều chỉnh cụ thể các nội dung liên quan đến “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch” để đảm bảo không xung đột với Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định pháp luật hiện hành khác.
Về quyền và nghĩa vụ về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 5) và Thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 11): Đại biểu Phúc cho biết còn băn khoăn và đề nghị ban soạn thảo cân nhắc làm rõ thêm nội dung sau:
- Tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Dự thảo luật quy định:
“1. Công dân có quyền sau đây:
a) Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;”
- Tại khoản 4, Điều 11 quy định:
“4. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.”
Từ 02 quy định trên, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ việc Công dân có quyền biết được các cơ quan, tổ chức nào đang khai thác, sử dụng thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không và có thể thông báo đến công dân bằng ứng dụng VNEID được không.
Về quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi (Điều 20) và trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước (Điều 24): Đối với quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi (Điều 20), đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ của người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước công dân đã cấp cho họ, vì theo quy định của Bộ luật dân sự thì người dưới 14 tuổi chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa thể tự mình thực hiện một số giao dịch dân sự mà phải thông qua người giám hộ.
Đối với quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi (không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học) hiện được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 24 Dự thảo luật, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bỏ quy định này vì nếu đã không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học thì không cần thiết cấp thẻ căn cước cho đối tượng này. Hiện nay, trong phần mềm VNeID đã có cập nhật người phụ thuộc, cha mẹ có thể tích hợp thông tin cho con dưới 6 tuổi vào phần mềm. Bên cạnh đó, phần mềm VNeID hiện nay cũng đã tích hợp đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ. Việc bỏ quy định này nhằm tránh phân tán, lãng phí nguồn lực vì trong thực tế các trường hợp này rất ít phát sinh giao dịch cần thẻ căn cước mà chỉ cần sử dụng giấy khai sinh như hiện nay cũng không gặp khó khăn, vướng mắc – Đại biểu Phúc phát biểu.
Về việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23): Đại biểu Phúc cho rằng đây là nội dung khó, mới và đột phá trong cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân và công tác quản lý tốt hơn cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập, đảm bảo nguyên tắc kế thừa, trong đó có các cơ sở dữ liệu hiện hành; tính thống nhất và tránh gây quá nhiều xáo trộn. Song để triển khai tốt quy định này trong thực tiễn đòi hỏi cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành cần phải khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thống nhất trên toàn quốc dùng chung cho các cơ quan tổ chức cá nhân, nhằm cung cấp chính xác kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ đảm bảo sự đối khớp, thống nhất thông tin giữa các ngành, các cấp để phục vụ tích hợp.
Đại biểu Phúc trích dẫn khoản 3, khoản 5, Điều 23 quy định về thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước:
“3. Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin về: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định (không tích hợp thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp).”
“5. Người dân thực hiện thủ tục tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID khi đã có căn cước điện tử.”
Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các thông tin trên căn cước điện tử có bao gồm tất cả với các thông tin được tích hợp trên thẻ căn cước hay không? Vì hiện nay trên ứng dụng VNEID chưa được tích hợp các thông tin về giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn….. Tại Chương IV Cấp, quản lý căn cước điện tử chưa có điều, khoản quy định về nguồn thông tin nào sẽ được tích hợp trên căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNEID).
Mặc khác đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trên căn cước điện tử (cụ thể thông qua ứng dụng VNEID). Ví dụ như: Trường hợp người dân thực hiện thao tác tích hợp thông tin trên ứng dụng VNEID khi được thông báo có bất cập giữa thông tin người dân yêu cầu tích hợp với cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì người dân liên hệ cơ quan quản lý căn cước như thế nào. Luật cần có quy định rõ.
Về trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước (Điều 26): Đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc cần đưa trình tự, thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khoản 2, 3, 4 Điều 26 lên trước trình tự, thủ tục cấp lại thẻ căn cước khoản 1 cho phù hợp và thống nhất với tiêu đề của Điều 26, giống như cách sắp xếp vị trí, thứ tự của Điều 25 của dự thảo luật cho đảm bảo tính lôgic.
Về cấp, quản lý căn cước điện tử (Chương IV): Để thiết chế nội dung chương này, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo cung cấp rõ thêm thông tin căn cước công dân điện tử được phép sử dụng thay thế căn cước công dân trong trường hợp nào. Nếu như chỉ với quy định được thể chế tại Điều 34 về “sử dụng căn cước điện tử”, thì không cần thiết phải có thêm căn cước điện tử mà chỉ cần quy định sử dụng căn cước công dân là đủ.
Về Bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 40): Đại biểu trích dẫn điểm a, khoản 1 Điều 40, quy định: “Ứng dụng công nghệ thông tin để nhập, xử lý và kết xuất thông tin về dân cư và căn cước bảo đảm an toàn các dữ liệu theo đúng các nguyên tắc, định dạng các hệ cơ sở dữ liệu”, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung thành: “Ứng dụng công nghệ thông tin để nhập, xử lý và kết xuất thông tin về dân cư và căn cước, căn cước điện tử bảo đảm an toàn các dữ liệu theo đúng các nguyên tắc, định dạng các hệ cơ sở dữ liệu” Vì đại biểu nhận thấy nếu không có “căn cước điện tử” là chưa đầy đủ.
Tương tự, tại điểm c, khoản 1 Điều 40 đề nghị ban soạn thảo sửa đổi nội dung: Bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh thông tin về dân cư và căn cước trên mạng máy tính; bảo đảm an toàn thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu; phòng, chống các hành vi truy nhập, sử dụng trái phép, làm hư hỏng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước” thành “Bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh thông tin về dân cư và căn cước, căn cước điện tử trên mạng máy tính, ứng dụng VNeID; bảo đảm an toàn thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu; phòng, chống các hành vi truy nhập, sử dụng trái phép, làm hư hỏng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước”.
Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng góp ý đối với dự án Luật Viễn Thông (Sửa đổi): Đại biểu cho biết cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật gồm 10 Chương, 74 Điều, đã luật hóa nhiều vấn đề mới trong xu hướng hội tụ giữa các dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin đặt ra đối với lĩnh vực viễn thông.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ |
Về Đối tượng áp dụng (Điều 2): Dự thảo Luật quy định: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam”. Đại biểu Hùng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc mở rộng đối tượng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, vì việc mở rộng này sẽ dẫn đến việc thực hiện nhiều quy định của luật trong thực tế khó khả thi, nên giới hạn đối tượng áp dụng theo hướng chỉ bao gồm những cá nhân và tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Về trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin (Điều 5): Đại biểu Hùng nhận thấy với việc quy định bao gồm tất cả các hoạt động viễn thông theo khoản 4 Điều 5 là quá rộng và sẽ áp đặt các nghĩa vụ không hợp lý đối với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có mối liên hệ nào với các cơ sở hoạt động hoặc cung cấp các dịch vụ không phải là trọng tâm của luật này, mặc khác có thể dẫn đến những yêu cầu vượt quá thẩm quyền của cơ quan nhà nước, sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, cũng như yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tuân theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định khoản 4 Điều 5 chỉ tập trung vào “Doanh Nghiệp Viễn Thông” cung cấp “Dịch Vụ Viễn thông” và bổ sung cụm từ "theo quy định pháp luật" vào cuối khoản 4 này, cụ thể sửa đổi như sau:" Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ viễn thông chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin theo quy định pháp luật.
Về Cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (Điều 22) và Cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây (Điều 23), Đại biểu cho biết việc quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải có biện pháp đảm bảo hoạt động ổn định của dịch vụ là không khả thi, vì: Việc cung cấp các dịch vụ này phụ thuộc vào khả năng truy cập Internet do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ này cũng không kiểm soát được việc người tiêu dùng chọn mạng nào. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến không thể bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ hoặc khắc phục các vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ được cung cấp. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này cho phù hợp thực tiễn.
Đại biểu cũng cho biết quy định tại khoản 3 Điều 22 về nghĩa vụ thông báo báo cho người sử dụng về sự cần thiết và phải được người sử dụng đồng ý trước khi thực hiện truy cập dữ liệu là không cần thiết vì: Các nghĩa vụ liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định trong Luật An toàn Thông tin mạng, Luật Công nghệ Thông tin, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, Bộ Luật Dân sự. Trên thực tế, không có cơ sở pháp lý để áp dụng cơ chế quản lý các dữ liệu khác (dữ liệu không phải là dữ liệu cá nhân) với cùng một mức độ như dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân chỉ là một tập hợp nhỏ trong "thông tin, dữ liệu hoặc tính năng trên thiết bị đầu cuối của người sử dụng". Vì vậy, quy định này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ dữ liệu cá nhân, mà còn bao gồm cả các dữ liệu khác ngoài dữ liệu cá nhân.
Mặt khác, trên thực tế, để được sự đồng ý của người dùng, nhà cung cấp dịch vụ, trong nhiều trường hợp, cần phải truy cập vào một số thông tin nhất định mà không phải là thông tin cá nhân của người dùng (ví dụ như dữ liệu kỹ thuật). Do đó, Khoản 3 Điều 22, hiện đang quy định một phạm vi áp dụng khá rộng đối với "thông tin, dữ liệu hoặc các tính năng trên thiết bị đầu cuối của người sử dụng”, có thể dẫn đến tình huống mà nhà cung cấp dịch vụ không bao giờ có thể thu thập được sự đồng ý của người dùng. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này, để tránh chồng chéo với quy định có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân/an toàn thông tin mạng, cũng như tránh việc áp đặt nghĩa vụ không cần thiết cho các doanh nghiệp.
Tương tự như thế tại khoản 2 Điều 23 về Cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây cũng quy định "Không được truy nhập, khai thác, sử dụng thông tin của người sử dụng nếu chưa được người sử dụng đồng ý" là quá rộng, cẩn phải sửa lại cho phù hợp.
Về Cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 24): Đại biểu Hùng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ khái niệm “chính sách công cộng chính đáng” tại điểm a, khoản 2, Điều 24 bao gồm những nội dung gì và các yêu cầu mà nhà cung cấp dịch vụ cần tuân thủ tương ứng là gì.
Về Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 48): Đại biểu nhận định điều luật chưa quy định cơ quan quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông với tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung cơ quan quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông với tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh vào điều luật.
Về Hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại (Điều 62): Đại biểu nhận thấy điều luật chưa quy định trách nhiệm của đại lý dịch vụ viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông (trong trường hợp nếu không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết). Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung này.
Về Quy hoạch công trình viễn thông (Điều 63): Đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cụm từ “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ở địa phương” tại khoản 3, Điều 64 gồm đối tượng nào được lập Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ở địa phương (doanh nghiệp viễn thông hoặc doanh nghiệp xã hội hóa).
Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng đối với hai dự thảo Luật trên tại phiên thảo luận tổ.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)