Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh.
Phóng viên: Thưa ông, các phong trào thi đua trong tỉnh đã phát triển sâu rộng với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của phong trào thi đua yêu nước trong năm qua?
- Ông Đặng Minh Thông: Trong năm qua, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, đạt được nhiều kết quả thiết thực toàn diện trên các lĩnh vực. Các phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng, trong đó trọng tâm là các phong trào thi đua: Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau; Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở, Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước, Đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Thi đua quyết thắng, Vì an ninh Tổ quốc, Đảng viên tình nguyện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo... đã khơi dậy tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng với tinh thần “ngành ngành thi đua, người người thi đua”.
Thông qua các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực sáng tạo, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiệu quả của phong trào thi đua đã thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí tăng 8,57%; GRDP trừ dầu thô và khí đốt bình quân đầu người đạt 7.497,1 USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 112.093,171 tỷ đồng-mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là 1 trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển DN có nhiều khởi sắc với 1.900 DN đăng ký thành lập mới và 596 DN hoạt động trở lại; nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối được tập trung triển khai; hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ; công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; công tác an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả, thiết thực. Đến cuối năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, về đích sớm 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra.
Các chính sách đối với người có công, dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em được quan tâm chỉ đạo sát sao; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng; hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng cao chất lượng.
Từ kết quả thực hiện các phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân đã được Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng: Năm qua, tỉnh đã trình Nhà nước khen thưởng 28 tập thể, 45 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng: 88 Cờ thi đua, 220 danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, 108 danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, 581 Bằng khen tập thể, 2108 Bằng khen cá nhân.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ (bìa trái) Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải tiếp đoàn lãnh đạo tỉnh thăm và làm việc tại Cảng. |
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng triển khai đồng thời các phong trào thi đua yêu nước như đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và đặc biệt là phong trào đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng như thế nào, thưa ông?
- Ngoài việc tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương phát động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đối với phong trào “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh” đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh xếp hạng 6 trong toàn quốc, đứng đầu các tỉnh, thành Đông Nam Bộ; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng thứ 4 trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, thông qua phong trào “Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh”, các tổ chức, cá nhân đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình dự án trọng điểm của tỉnh. Năm 2022 tỷ lệ giải ngân của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 83% so với kế hoạch giao, trong đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Trung ương giao đạt 100% chỉ tiêu giao.
Đặc biệt, phong trào “Đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thu hút 100% chi bộ, cơ sở và trên 90% đảng viên đăng ký thực hiện với những chương trình, phần việc cụ thể, có ý nghĩa thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh nhần cho nhân dân. Với vai trò đầu tàu gương mẫu, mỗi đảng viên đã trở thành 1 tấm gương sáng, 1 tuyên truyền viên tích cực; tinh thần tình nguyện tiên phong của đảng viên trong xây dựng và phát triển địa phương đã khích lệ nhân dân chung sức làm theo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng văn minh, hiện đại.
Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua, xin ông cho biết một số định hướng triển khai phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới?
- Năm 2023, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng-năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025. Để phong trào thi đua thật sự là động lực góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa 11 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; về giá trị lịch sử và tính thời đại của Lời kêu gọi thi đua ái quốc gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động, trong đó đề ra các mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; có biện pháp, giải pháp cụ thể để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, lựa chọn khâu yếu, việc khó để phát động phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương “Người tốt, việc tốt”; Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, chú trọng việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo; Đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, chú trọng khen thưởng đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
HUYỀN TRANG
(Thực hiện)