Tiếp tục tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ ba, đồng thời tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4 – lĩnh vực Thanh tra.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp |
Sau phần kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 3, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra, gồm: (1)- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng; (2)- Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; (3)- Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân; (4)- Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chịu trách nhiệm chính phần trả lờì chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cơ cấu tổ chức bộ máy - dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ
Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu - Ông Phạm Bình Minh trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn |
Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu - Ông Phạm Bình Minh trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn.
Phát biểu về một số vấn đề đại biểu nêu về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ đây là chủ trương lớn, quan trọng, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị năm 2008, Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.
Tiếp đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra. Kết quả, việc thực hiện về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các đơn vị trong giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trường hợp cần có chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng báo cáo thêm về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và bám sát chủ trương, quy định của Đảng và của Quốc hội.
Đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo đó dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ.
Về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định đây cũng là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính. Đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất quan tâm đến việc bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.
Riêng về giáo dục và y tế, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn. Ảnh: CHÂU VŨ |
Liên quan đến chất vấn lĩnh vực thanh tra, Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong thời gian qua Tổng Thanh tra Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu và kết luận thanh tra còn chậm, còn chồng chéo giữa kiểm toán và kiểm tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng các nguyên nhân mà Tổng thanh tra đã nêu trong báo cáo cũng như đã giải trình, trả lời chất vấn hôm nay vẫn còn một nội dung rất quan trọng, đó là số lượng các cuộc tổ chức thanh tra, kiểm tra quá nhiều.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành thanh tra đã tổ chức 6.301 cuộc thanh tra chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, hiện nay không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của thanh tra, của ngành thanh tra. Do đó đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Tống Thanh tra Chính phủ phải có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Trả lời tranh luận của đại biểu Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, thời gian qua có thực hiện nguyên tắc từng bước tách bạch hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, nâng cao tính độc lập, tính pháp lý để thanh tra hiệu quả hơn…
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn tại phiên họp |
Về việc hạn chế số lượng thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng trong việc tham mưu thủ trưởng quyết định định hướng chương trình thanh tra hàng năm, cần lưu ý hạn chế số lượng thanh tra để đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, mỗi năm Thanh tra Chính phủ tiến hành 15, 16 cuộc thanh tra, nên hiệu quả của công tác này sẽ phụ thuộc vào các cơ quan thanh tra của các bộ, ngành. Giải pháp mấu chốt cho vấn đề này vẫn là nâng cao hiệu quả, chất lượng thực chất của các cuộc thanh tra.
Liên quan đến cơ chế xử lý đối với trường hợp cố ý không thực hiện kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng chất vấn: Hiện nay vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra cố ý chây ỳ, kéo dài thời gian thực hiện kết luận; có trường hợp tẩu tán tài sản, không thu hồi được tài sản. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân, giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết có hiệu quả vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng chất vấn tại phiên họp |
Theo chương trình, chiều ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4. Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4; sau đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN