.
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM 2021

Chính sách phục hồi phải có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài

Cập nhật: 19:44, 05/12/2021 (GMT+7)

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 5/12, các đại biểu là chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích, đánh giá, đề xuất, khuyến nghị nhiều giải pháp để duy trì đà phục hồi kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Nhiều ý kiến nhận định, các chính sách phục hồi phải có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tham luận tại Diễn đàn.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tham luận tại Diễn đàn.

Phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia cho rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh và làm cho kinh tế thế giới suy thoái sâu. Một số quốc gia phục hồi khá nhanh, nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro, thách thức, trong đó có rủi ro địa chính trị, lạm phát, giá cả tăng; lợi nhuận của doanh nghiệp giảm;…

Khuyến nghị các chính sách hỗ trợ, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh quan điểm phải hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu, có sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Bên cạnh đó, các chính sách cần có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài; có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng quan tâm đến tính khả thi và phải triển khai nhanh.

Về phạm vi của chính sách, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần quan tâm giảm chi phí; giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa cho an sinh xã hội… Chuyên gia này cũng đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT, giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường; có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có gói hỗ trợ lãi suất, cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng, chống dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; ưu tiên phát triển các dự án liên kết vùng, các dự án mang tính trọng điểm, có tính lan tỏa cao.

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các gói hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn, như hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp bởi biện pháp ngắn hạn sẽ tác động đến tiềm năng, sự phát triển của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn. Đồng thời, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung vào phát triển hạ tầng xanh, chuyển đổi số…

Đẩy mạnh chuyển đổi số

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chỉ rõ những lợi ích của phát triển kinh tế số đối với quốc gia là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành/lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tăng chất lượng dịch vụ công.

Lợi ích đối với doanh nghiệp là tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, thay đổi linh hoạt hơn, kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình ra quyết định. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã chỉ ra một số định hướng và giải pháp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế từ góc độ của chuyển đổi số và kinh tế số. Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện pháp luật theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu số hóa trong nước, phát huy vai trò của nguồn tài nguyên số phục vụ cho kinh tế số, thúc đẩy kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi bất chấp các đợt dịch COVID-19 bùng phát, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng trong bối cảnh giá đầu vào ngày càng tăng và chuỗi cung ứng gián đoạn. Tiến trình hồi phục này có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên, mức độ phục hồi của các nước phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng.

Theo ông Francois Painchaud, trong năm 2021, Việt Nam đối mặt với đợt dịch bùng phát lớn hơn và dai dẳng hơn đã tác động nhiều mặt đến nền kinh tế. Đại diện IMF khuyến nghị Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: Tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông, mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn để phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Francois Painchaud cho rằng, các chương trình hồi phục đã được Việt Nam cân nhắc rất kỹ nhưng cũng cần hết sức quan tâm thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa.

NGUYỄN HOÀNG

.
.
.