.
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG, HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Đảng lãnh đạo cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới

Cập nhật: 22:07, 25/01/2021 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020, tô đậm thành tựu của 35 năm Đổi mới với những bước tiến vượt bậc.

Trong gần 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Trong ảnh: Sản xuất bia tại Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ). Ảnh: THỤY NHIÊN
Trong gần 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Trong ảnh: Sản xuất bia tại Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ). Ảnh: THỤY NHIÊN

SỰ LỰA CHỌN KHOA HỌC VÀ CÁCH MẠNG

Thực tiễn cho thấy, không có Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có công cuộc đổi mới, không có sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam thì không có được công cuộc đổi mới theo định hướng đúng đắn.

Công cuộc đổi mới là sự lựa chọn khoa học và cách mạng nhằm mục tiêu phát triển đất nước, trước hết là phát triển kinh tế, là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam được đánh dấu từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986).

Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế.

Đây là một bước đột phá quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng, tạo tiền đề lý luận cho việc triển khai đồng bộ và nhất quán các giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là giải pháp cải cách kinh tế để giải phóng sức sản xuất, thực hiện sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt thời gian dài trước đổi mới, chúng ta duy trì quá lâu nền kinh tế hiện vật, kế hoạch, phi hàng hóa, phi thị trường, mặc dù trong giai đoạn lịch sử trước đây nền kinh tế này có vai trò nhất định trong việc động viên sức người, sức của cho chiến tranh giải phóng, nhưng đã trở nên bất cập, kìm hãm sự phát triển trong điều kiện mới.

Nền kinh tế nước ta đứng trước yêu cầu phải đổi mới về mọi mặt từ cơ cấu kinh tế đến cơ chế kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với kinh tế, tổ chức bộ máy, phương thức và phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng phải thay đổi.

Do đó, đổi mới là tất yếu vừa để đón kịp thời cơ, vừa chủ động chấp nhận và vượt qua thách thức để phát triển. Đổi mới, do đó cũng là mở đường cho những nhận thức sáng tạo, thúc đẩy mọi hành động tích cực, năng động sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội và dân chủ hóa đời sống xã hội.

THÀNH TỰU TOÀN DIỆN, TO LỚN VÀ QUAN TRỌNG

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.

Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Nếu như giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1996-2000, tốc độ tăng GDP đạt 7%...

Theo Dự thảo Báo cáo chính trị tháng 10/2020 trình Đại hội XIII của Đảng: Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011-2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.

Trong 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ động từng bước chuyển dịch sang các nước có trình độ phát triển cao và cơ cấu hàng hóa nhập khẩu có tính bổ sung cho cơ cấu hàng hóa trong nước.

Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019).

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục lên tới 20,1 tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao
Sau giai đoạn đổi mới (1986-1990), tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Giai đoạn 1996-2000, tốc độ GDP đạt 7%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,8%. Năm 2020, nền kinh tế vẫn tăng trưởng 2,91%, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương khu vực và trên thế giới.
Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể
GDP đạt khoảng 262 tỷ USD vào năm 2019, tăng 18 lần so với năm đầu đổi mới, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.800 USD/người và thuộc các nước có thu nhập trung bình trên thế giới.
Chất lượng tăng trưởng được nâng cao
Năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016-2020, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 45,2% (mục tiêu là 30-35%.
Nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh
Giai đoạn 2011-2020 đạt gần 15 triệu tỉ đồng, tăng bình quân 10,6%/năm. Vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đặt 20,8% tổng đầu tư xã hội. Vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh từ 36% năm 2010 lên 46% năm 2020.
Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu tăng
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 67 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng, tăng 10 bậc so với năm trước, ở vị trí 77 trong số 135 với hầu hết các chỉ số được cải thiện.
Tích cực hội nhập kinh tế thế giới
Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện là 1 trong 10 nền kinh tế có độ mở của thị trường lớn nhất thế giới với tỉ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019).

Sau 35 năm vượt qua các thử thách và khó khăn to lớn, tiến hành công cuộc đổi mới trên mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội..., đến nay, Việt Nam có đủ cơ sở để khẳng định rằng đổi mới đất nước là sự lựa chọn đúng đắn, đã đặt Việt Nam vào quỹ đạo phát triển mới về chất, phù hợp với xu thế của thời đại và với ý nguyện của nhân dân.

Công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Trải qua 35 năm phấn đấu bền bỉ, phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, dù trong hoàn cảnh thời cơ và nguy cơ đan xen nhau, có lúc nguy cơ lấn át cả thời cơ, công cuộc đổi mới đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện.

Trong thời gian tới, với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc.

HUỲNH ANH

.
.
.