Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Nhiệm kỳ qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường được Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt thực hiện. Nhờ đó, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát.
Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên hiện đang chờ sự hướng dẫn quản lý hiệu quả từ Bộ TN-MT. Trong ảnh: Xử lý chất thải sinh hoạt tại Công ty TNHH Kbec Vina. |
NHIỀU ĐIỂM NÓNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT
Cống số 6 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) nhiều năm liền đều nằm trong danh sách các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường bởi toàn bộ diện tích 12,6ha mặt nước khu vực này luôn trong tình trạng hôi thối do hoạt động xả thải của hàng chục cơ sở chế biến hải sản và là nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Chà Và. Năm 2019, tỉnh triển khai “Đề án xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường khu vực đầm nước trước cống số 6” bằng cách nạo vét bùn, làm sạch đầm chứa, chặn họng xả thải của các nhà máy chế biến hải sản ra cống, đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại đây. Đến nay khu vực cống số 6 không còn mùi hôi thối, tình trạng ô nhiễm gần như được khắc phục hoàn toàn.
Hoạt động xả thải của các nhà máy thép đã cơ bản được kiểm soát nhờ hệ thống quan trắc tự động. Trong ảnh: Kỹ sư kiểm tra Kho lưu trữ bụi lò thép của Nhà máy thép Tung Ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ II). |
KCN Phú Mỹ I, II (TX. Phú Mỹ) hiện nay tập trung 6 nhà máy thép nằm gần các khu dân cư nên thường xuyên bị người dân phản ánh hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, Sở TN-MT đã yêu cầu các nhà máy đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về trung tâm quản lý của tỉnh. Hoạt động xả thải của các nhà máy được giám sát liên tục nên tình trạng khiếu kiện của người dân về ô nhiễm khí thải đã giảm hẳn.
Trong khi đó, những nguy cơ gây ảnh hưởng đến hồ cấp nước như: khu xử lý chất thải Thiên Phước (tỉnh Đồng Nai); các cơ sở chăn nuôi ở thượng nguồn các hồ cấp nước tại huyện Xuyên Mộc và Châu Đức đã được được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các trại chăn nuôi có quy mô vừa và lớn đều có công trình xử lý biogas, giảm thiểu đáng kể nồng độ các chất ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi heo. Riêng 18/22 trại chăn nuôi quy mô cấp tỉnh đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải sau biogas (tăng 12 trại so với trước khi thực hiện kế hoạch số 54).
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), đến nay công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã đạt một số kết quả khả quan như: Bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt (Đá Đen, Sông Ray,...); kiểm soát chặt chẽ nước thải từ các KCN, CCN; kịp thời cải thiện, khắc phục ô nhiễm khu vực đầm nước Cống số 6, không để ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định số 1788 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải khí thải, nước thải lớn và chất lượng các hồ cấp nước sinh hoạt, các sông thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục; các điểm nóng về môi trường thường xuyên được rà soát, xử lý, dần kiểm soát tốt; công tác quan trắc môi trường và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường được tăng cường,…
NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN
Các trang trại chăn nuôi đã được rà soát, yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải và xử lý sau Biogas. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi heo tại xã Cù Bị (huyện Châu Đức). |
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 54 về việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ô nhiễm tại các điểm nóng môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt trong toàn hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT. Trong đó, các sở, ngành, địa phương cần tập trung bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn cấp nước sinh hoạt; chú trọng tăng cường công tác phòng ngừa, cải thiện, khắc phục ô nhiễm đối với hoạt động nông nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn; tăng cường công tác BVMT trong khu dân cư, đô thị...
Về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, các địa phương đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm việc chăn nuôi thành vùng tập trung, không gây ảnh hưởng đến thượng nguồn các hồ cấp nước; đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi… di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch bệnh và BVMT. Cùng với đó, Sở TN-MT cũng tham mưu cho UBND tỉnh siết chặt việc cấp phép cho các dự án chăn nuôi, đặc biệt là những dự án chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến các hồ cấp nước sinh hoạt…
Khó khăn hiện nay là việc kiểm soát ô nhiễm ở Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ). Khu này hiện có 11 nhà máy đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang triển khai đầu tư. Do đặc thù của khu xử lý tập trung toàn bộ các loại chất thải của tỉnh nên tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro, phát sinh nhiều vấn đề về môi trường như việc kiểm soát mùi hôi, khí thải, nước thải… Theo ông Đặng Sơn Hải, việc kiểm soát ô nhiễm ở khu vực này là nhiệm vụ khó khăn được sự hỗ trợ của Bộ TN-MT. Do đó, Bộ TN-MT, Tổng cục Môi trường đang hỗ trợ tỉnh kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác quy hoạch, quản lý, công nghệ xử lý chất thải và các công trình BVMT của các nhà máy, các tác động xả thải đến môi trường xung quanh từ đó để đề xuất phương án, biện pháp xử lý đồng bộ, triệt để.
Trong những năm tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 mục tiêu về môi trường: Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn nguồn nước cho phát triển kinh tế và dân sinh; kiểm soát nghiêm ngặt phát thải, các DN trên địa bàn tỉnh sẽ được giám sát chặt chẽ, nếu vi phạm các quy định về phát thải sẽ bị xử lý nghiêm khắc, kể cả việc buộc đóng cửa ngay; xử lý những điểm đen về môi trường gắn với chỉnh trang đô thị, sẽ tiếp tục khảo sát để phát hiện và xử lý các điểm đen về môi trường; chuyển đổi và nâng cao ý thức người dân về xử lý chất thải rắn, đặt ra mục tiêu là phải phân loại rác tại nguồn, từng hộ dân, gia đình, cơ sở y tế, trường học, cơ sở kinh doanh phải phân loại rác thải để có thể xử lý triệt để, hiệu quả hơn; bảo vệ môi trường nghiêm ngặt tại Côn Đảo, xử lý tốt các vấn đề rác thải đại dương, rác sinh hoạt, tổ chức không gian phát triển để Côn Đảo trở thành hòn đảo xanh, có giá trị về môi trường, sinh thái. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ