Xây dựng Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta. Cả cuộc đời, Người cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự đoàn kết và tiến bộ. Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc lịch sử với muôn vàn tình yêu thương. Trong những lời căn dặn của Bác, lời đầu tiên, Người dặn về Đảng và việc đầu tiên được Người nhấn mạnh là thực hành đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng, là nội dung quý giá, mãi soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Đảng. Ảnh: TƯ LIỆU |
Đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng và của dân ta
Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc:“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình’’. Theo Bác, điều cốt tử của một Đảng cầm quyền trước hết là phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà Bác đặt vấn đề đoàn kết lên trước hết và nhiều lần nhắc lại từ này để nhấn mạnh sự quan trọng của nó. Từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Bác đã coi đoàn kết là nhân tố quyết định để giành thắng lợi. Bác luôn luôn tuyên truyền, giáo dục đoàn kết cho cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng, làm cho mọi người hiểu hết ý nghĩa quan trọng của đoàn kết. Người dạy “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời dạy của Bác tuy ngắn gọn, dễ hiểu nhưng thể hiện một tư tưởng lớn, sâu sắc, cả phương pháp và điều kiện để thực hiện đoàn kết, cả lý luận khoa học lẫn đạo đức, cả giá trị truyền thống và ứng xử văn hóa không chỉ để thực hành dân chủ và đoàn kết trong Đảng mà còn trong xây dựng Đảng nói chung.
Phải làm thế nào để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân? Đó là một câu hỏi đang đặt ra, hơn lúc nào hết đối với Đảng ta trong công cuộc đổi mới hiện nay. Vì vậy, để thực hiện theo lời Di chúc của Bác về xây dựng Đảng, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tự mình rèn luyện thường xuyên phẩm chất đạo đức cách mạng mà trước nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, vì đây là tấm gương để cho các đảng viên noi theo. Muốn giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng thì trước nhất cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong Đảng bộ đó phải đoàn kết nhất trí với nhau, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, phải chí công vô tư và thường xuyên thân ái phê bình nhắc nhở lẫn nhau.
Trước tiên là chỉnh đốn Đảng
Xây dựng Đảng là nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, có đạo đức, có trí tuệ, có năng lực. Có thể xem đó là mục tiêu trực tiếp của công tác xây dựng Đảng. Trong bản thảo Di chúc viết lần thứ nhất 5/1965, mặc dù Bác đã căn dặn rất đầy đủ những nhiệm vụ cơ bản về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhưng dường như Bác thấy chưa yên tâm về đoạn viết “Trước hết nói về Đảng”, trong bản thảo đề tháng 5/1968 Bác viết rõ hơn: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng…”. Như vậy, để thấy rằng Bác Hồ coi việc xây dựng chỉnh đốn Đảng là việc phải làm trước tiên, là việc cốt lõi, gắn liền với sự tồn vong, thành bại của Đảng. Những lời di huấn của Bác thể hiện trong Di chúc vừa thắm đượm tình cảm của Bác đối với toàn Đảng, vừa chứa đựng những nội dung lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc. Lời dặn của Người, việc trước hết, trước tiên phải chỉnh đốn lại Đảng, vào lúc này càng trở nên cấp thiết và có tính thời sự biết nhường nào.
Trở lại với bài nói, bài viết của Bác, chúng ta luôn bắt gặp tư tưởng “Chỉnh đốn lại Đảng”. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa II) Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Để phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm trên, Trung ương quyết định việc chỉnh Đảng là công tác chính phải làm ngay trong năm nay”. Trong bài nói chuyện tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ 6 (18/1/1949), sau khi nêu một số vấn đề cần làm trên các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chấn chỉnh bộ máy chính quyền, các đoàn thể quần chúng, cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói kỹ về ý nghĩa có tính chất quyết định của công tác chỉnh đốn Đảng: “Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy đó mà làm. Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”.
Về thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình
Thực hành dân chủ rộng rãi, là tạo môi trường thuận lợi cho cuộc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng, bởi vì, không thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thì đoàn kết chỉ là hình thức. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng vì thế trở thành yêu cầu quan trọng không thể thiếu cho cuộc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng. Trong phê bình phải có thái độ khách quan, trung thực, chân thành, thẳng thắn, có lý có tình, có trách nhiệm giữa những người cùng chung lý tưởng, cùng chung chí hướng, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Trong sinh hoạt Đảng phải bảo đảm thực sự dân chủ, công khai, cởi mở, bình đẳng, dân chủ giữa cấp trên và cấp dưới, dân chủ trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa... kết hợp hài hoà giữa dân chủ gián tiếp và dân chủ trực tiếp, tôn trọng và phát huy quyền dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Người yêu cầu: “Chúng ta phải thật thà tự phê bình để sửa chữa. Phải cố gắng sửa chữa để tiến bộ”. Tuy nhiên, cũng phải nghiêm khắc với tình trạng lợi dụng phê bình để đả kích, bôi nhọ, mạt sát đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ. Cần phải xây dựng được tình thương chân chính giữa những con người cùng là đồng chí, cùng phấn đấu, hy sinh cho một lý tưởng, sự nghiệp cao cả, những con người bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình không nghiêm túc hoặc lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.
Việc học tập và thực hiện tốt những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về xây dựng Đảng là điều kiện để Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
ĐINH VĂN AN