.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XIV: Tranh luận sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn

Cập nhật: 19:43, 06/06/2018 (GMT+7)

Ngày 6-6, sau phần chất vấn nhóm vấn đề thứ tư về giáo dục đào tạo và phần đăng đàn phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề cũng như trực tiếp trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội Khóa XIV đã khép lại. Theo đánh giá chung, không khí chất vấn, tranh luận sôi nổi, sâu sắc và thẳng thắn.

NHỮNG VẤN ĐỀ LỚN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC

Ở phần chất vấn nhóm vấn đề về giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có phần trả lời rõ ràng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực và có lộ trình cụ thể, nhận trách nhiệm đối với những bất cập, hạn chế, tồn tại đối với lĩnh vực quan trọng này. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đăng đàn phát biểu, nói về những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, cử tri.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: PHƯƠNG HOA
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: PHƯƠNG HOA

Phát triển nhanh các trường, nhóm lớp mầm non độc lập

Trước hết về vấn đề chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt tại các khu công nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu nhiều nguyên nhân từ giáo viên tới cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều cần thiết bây giờ là phải phát triển nhanh các trường, các nhóm lớp độc lập, đặc biệt tại các khu công nghiệp”. Phó Thủ tướng đề nghị và lưu ý bên cạnh trường công lập cần hết sức tạo điều kiện để phát triển các cơ sở giáo dục, nhóm lớp mầm non tư thục tại khu công nghiệp.

Đối với tình trạng bạo hành trẻ em trong một số cơ sở giáo dục, trong đó có bậc học mầm non, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục. Không thể vì một số cá nhân đấy mà ảnh hưởng đến ngành giáo dục.

Đẩy mạnh hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh

Trao đổi với đại biểu Quốc hội về tỷ lệ thất nghiệp của người lao động có trình độ đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cho thấy tỷ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng có việc làm không phù hợp hoặc không tìm được việc làm, muốn tìm việc làm mới khoảng trên 4%, mức trung bình ở các nước là khoảng 7%. “Đây là điều bình thường cho nên chúng ta không thể yêu cầu cứ đại học trở lên là phải có việc 100 %”, Phó Thủ tướng nói.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thực hiện hướng nghiệp ngay sau khi học sinh học hết bậc THCS để phân làm 2 luồng sang học nghề và học tiếp lên THPT; tốt nghiệp THPT lại phân làm 2 luồng sang học nghề và học đại học, cao đẳng. Đối với giáo dục đại học, để nâng cao chất lượng đào tạo trước hết cần đẩy mạnh tự chủ, tăng cường kiểm định, xếp hạng đại học. Đồng thời Bộ GD&ĐT thực hiện phân tích và công khai kết quả đối với công tác tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm của các trường đại học để có định hướng cho các em học sinh.

Những kết quả bước đầu từ tự chủ đại học

Liên quan đến những câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về chất lượng giáo dục của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết giáo dục phổ thông của Việt Nam được quốc tế xếp hạng dưới 50 trên thế giới, là một trong hai chỉ số rất tốt so với mặt bằng chung về kinh tế-xã hội ở Việt Nam, chỉ số còn lại là đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, giáo dục đại học ở Việt Nam hiện đứng thứ 80-90, tương ứng với trình độ phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng nhận xét: Trong 3 năm qua Chính phủ đã chỉ đạo ngành giáo dục, các bộ, ngành, địa phương quyết tâm đẩy mạnh tự chủ đại học, đặt ra các chương trình quyết định về đổi mới giáo dục đại học để đạt mục tiêu đến năm 2018 có ít nhất 1 trường đại học của Việt Nam nằm trong tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Sau 3 năm thực hiện tự chủ, giáo dục đại học đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đây là điểm các nhà khoa học và các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ GD-ĐT.

Thời cơ sửa luật để đổi mới giáo dục mạnh mẽ hơn

Kết thúc phần phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lại “câu hỏi rất hóc búa của một đại biểu về việc đánh giá đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 có lộ trình bao nhiêu năm, có tiếp tục đổi mới không, giáo dục Việt Nam đứng ở đâu”. Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng nêu 8 việc cần làm trong đổi mới giáo dục, đào tạo: Đổi mới hệ thống giáo dục; khung trình độ giáo dục quốc gia; chương trình, sách giáo khoa; phương pháp giảng dạy gắn với giáo viên; phương pháp kiểm định và đánh giá thi cử; cơ sở vật chất; quản lý nhà nước; quản trị các trường, cơ sở giáo dục. Mức độ đánh giá đổi mới đến đâu trước hết là phải sửa luật, sau đó là các chương trình, đề án và làm rất nhiều công việc cụ thể.

Kỳ thi THPT quốc gia đã ổn định

Về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua 3 năm đổi mới đến nay kỳ thi THPT quốc gia được đánh giá tốt, hướng tới cơ bản ổn định, chỉ còn cải tiến khâu ra đề và vi chỉnh một số việc. Năm nay, Thủ tướng không phải ra một chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia nhưng không có nghĩa công tác chuẩn bị kỳ thi như mọi năm không được tăng cường. Vì vậy, các địa phương cần phải tiếp tục để làm thật tốt, tổ chức kỳ thi được thành công.


KHÔNG BỎ QUÊN XÃ HỘI, KHÔNG HY SINH MÔI TRƯỜNG 

Chiều 6-6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: HOA PHƯƠNG
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: HOA PHƯƠNG

Mặt tích cực của xã hội vẫn là chủ đạo

Chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu vấn đề: Cử tri đánh giá cao thành tựu kinh tế của đất nước ta trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhưng vấn đề xã hội chưa ngang tầm với chấn hưng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp gây bức xúc trong dư luận. ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này và sắp tới, Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ nào để khắc phục?

Trả lời phần chất vấn của ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Phó Thủ tướng nêu rõ, quan điểm bảo đảm phát triển bền vững, dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Không bỏ quên xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”. 

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, hiện nay vấn đề xã hội diễn biến phức tạp, nhưng mặt tích cực vẫn là chủ đạo, chỉ có một số vụ việc đạo đức xã hội xuống cấp.

Bảo đảm chất lượng thuốc và giảm giá thuốc

Trả lời chất vấn của ĐB Mùa A Vảng về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, số liệu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng trung bình trên thế giới khoảng 10%. Việt Nam là một trong những quốc gia theo phân loại có tỷ lệ khá thấp, khoảng 2,1%. Vừa qua, trước tình trạng xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đến thuốc giả, thì vụ việc này chúng ta đã tiến hành khởi tố và bắt giam. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý về mặt Nhà nước của Bộ Y tế. 

 “Chính phủ chỉ đạo tăng cường đấu thầu thuốc tập trung”, Phó Thủ tướng cho biết, cụ thể là “đấu thầu quản lý chất lượng thuốc trên cơ sở mời thầu minh bạch, giảm giá thuốc từ 15-20% chi phí giá thuốc, thuốc biệt dược cũng giảm giá được 13-14%”. Đối với các cửa hàng, hiệu thuốc sẽ tăng cường quản lý chất lượng, quy trình bán thuốc. 

Quyết liệt phòng, chống tham nhũng

Liên quan đến phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng đồng tình với nhận định của ĐB Giàng A Chu và cho rằng, trong thời gian qua, nhất là trong năm 2017, công tác này đã đạt kết quả to lớn, căn bản, được đồng bào cử tri ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ có quan điểm sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt công cuộc này. Thực tế, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, tiến hành thanh, kiểm tra nhiều vụ việc có dấu hiệu của tham nhũng. Kết quả thanh tra cùng với kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã củng cố thêm chứng cứ tham nhũng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan trong những vụ việc vừa qua. Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã tiến hành điều tra kịp thời nhiều vụ việc, nhất là những vụ việc liên quan đến tham nhũng kinh tế. 

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra

Cập nhật tình hình nửa đầu năm 2018, Phó Thủ tướng cho biết, tình hình KT-XH tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% (chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá thịt lợn hơi), bình quân 5 tháng tăng 3,01%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Tín dụng 5 tháng tăng 5,8%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, tăng 13,6%, bằng 41,6% dự toán. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, KT-XH nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

ĐÌNH NAM - NGUYỄN CẢNH

.
.
.