.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức

Cập nhật: 17:46, 05/06/2018 (GMT+7)

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng đội ngũ trí thức nói chung, đặc biệt là những cán bộ trí thức làm về chính trị, đường lối chính sách… có ý nghĩa hết sức quan trọng. Họ có vai trò quyết định trong việc biến khoa học kỹ thuật thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Quá trình đó được Hồ Chủ tịch gọi là “Công nông hóa trí thức” và “Trí thức hóa công nông”. Đó là một quá trình phát triển khách quan và tất yếu của quy luật xã hội. 

Đảng viên Trần Thế Lực (thứ 2 từ phải qua), Đội trưởng Đội kéo tàu (thuộc Công ty CP Dịch vụ hậu cần thủy sản tỉnh BR-VT) trao đổi với công nhân tại công trường. 
Đảng viên Trần Thế Lực (thứ 2 từ phải qua), Đội trưởng Đội kéo tàu (thuộc Công ty CP Dịch vụ hậu cần thủy sản tỉnh BR-VT) trao đổi với công nhân tại công trường. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức là vốn quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”; “Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”. Đó là chân lý hiển nhiên không chỉ đúng trong cách mạng dân chủ nhân dân, mà càng đúng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trí thức lớn, một danh nhân văn hóa thế giới, là người khởi xướng và lãnh đạo thành công cuộc cách mạng lớn nhất, khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc ta, cũng là người đối đãi với trí thức một cách rất mẫu mực. Ngay từ khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, ngày 20-11-1946, Bác Hồ đã có bài viết “Tìm người tài đức”, coi như “Chiếu cầu hiền” của cách mạng với lời lẽ chân thành, lay động con tim của những tri thức. 

Từ cuối thế kỷ 19, nhất là từ giữa thế kỷ 20 tới nay, giữa người lao động trí óc và lao động chân tay nước ta ngày càng chuyển hóa, thâm nhập vào nhau. Đội ngũ trí thức xuất thân từ công nhân, nông dân, bộ đội… ngày càng đủ năng lực để gánh vác nhiệm vụ cùng nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Người ta nói nhiều tới khái niệm “Nền kinh tế tri thức” và “Người lao động trí óc”, những người này ngày càng có vị trí quan trọng trong việc phát triển bền vững của đất nước. Do đó, cách đối đãi với trí thức có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của xã hội, của dân tộc. V.I.Lênin đã từng nói: “Hãy cho tôi 1000 nhân tài, tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga”. 

Bác Hồ luôn nói: “Tìm kiếm người tài đức là nghĩa vụ và bổn phận của nhà lãnh đạo. Phải tin dùng và mạnh dạn trao cho người trí thức những chức vụ tương xứng với tài năng và đức độ của họ, tạo điều kiện cho họ được cống hiến, được thể hiện đầy đủ nhất tài năng và trách nhiệm của mình đối với đất nước”. Một người có bằng cấp cao chưa hẳn đã là một trí thức, mà người đó phải gắn kết công tác chuyên môn của mình với vận mệnh của tổ quốc.

Ngày 6-8-2008, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về trí thức. Kể từ đó, trong thực tế xã hội, Đảng ta đã coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan, cán bộ nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với trí thức và giữa trí thức với Đảng, Nhà nước.

Đảng ta đã khẳng định coi trọng nguồn lực con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới đất nước. Nhưng, trong thực tế hiện nay, chúng ta chưa thu hút được đa số người giỏi, người có trình độ chuyên môn tốt vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Chúng ta cũng đã đưa thanh niên đi đào tạo ở nước ngoài, có chuyên môn cao nhưng khi về nước khó tìm được việc làm phù hợp, lương bổng của một thạc sĩ, tiến sĩ còn thấp. Có người được chính cơ quan cử đi học nhưng khi về nước không được nhận lại, do đó không ít người lại ra đi, vấn đề chảy máu chất xám là như vậy. 

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, bất cứ thời đại nào, nơi nào biết quy tụ và trọng dụng hiền tài thì nơi ấy hưng thịnh. Thấu hiểu điều đó, trước khi qua đời, Bác Hồ còn căn dặn phải đào tạo thanh, thiếu niên trở thành những người có đạo đức và tài năng “vừa hồng”, “vừa chuyên”; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Vì vậy, ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đang cố gắng thực hiện lời dạy của Bác để đất nước Việt Nam trong tương lai không xa có một đội ngũ trí thức sánh vai cùng cường quốc năm châu.

ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG
(Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh BR-VT)

 

.
.
.