.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11-6-1948 – 11-6-2018)

Vang mãi lời kêu gọi thi đua ái quốc

Cập nhật: 17:22, 06/06/2018 (GMT+7)

Nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, ngày 11-6-1948 tại bản Là Nọn (xã Phú Bình, Định Hóa, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động Cuộc vận động thi đua ái quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Sở Y tế khám bệnh miễn phí cho người nghèo xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) trong Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”. Ảnh: MINH NHÂN
Đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Sở Y tế khám bệnh miễn phí cho người nghèo xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) trong Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”. Ảnh: MINH NHÂN

Trên thế giới chưa lãnh tụ nào nhìn nhận về thi đua rộng lớn đến như vậy: Lấy thi đua làm động lực phát huy, bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước và lấy lòng yêu nước thúc đẩy, nâng cao hiệu quả thi đua. Chỉ vẻn vẹn hơn 400 từ, nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển tải thông điệp mang tầm chiến lược, gắn kết giữa phong trào thi đua với lòng yêu nước và có sức lan tỏa nhanh chóng, rộng lớn trong toàn xã hội. Lời kêu gọi của Người không chỉ dừng lại ở những quan điểm, nội dung lớn về mục đích, phương châm, khẩu hiệu của thi đua ái quốc, mà còn chỉ dẫn những nội dung thi đua cụ thể, thiết thực để cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành.

Thi đua yêu nước nhằm: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, tức là làm cho “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc; Toàn dân biết đọc, biết viết; Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm; Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Thi đua ái quốc không chỉ mang lại lợi ích chung cho toàn dân tộc, mà còn đem lại lợi ích riêng của từng thành viên trong xã hội “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Và theo Người, mục đích cuối cùng và  cao nhất của thi đua ái quốc chính là mang lại “Hạnh phúc cho dân”!

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương châm thi đua ái quốc là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân và Người đã mở rộng phạm vi nội dung thi đua trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội: “Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”. Khẩu hiệu thi đua là “Toàn dân kháng chiến; Toàn diện kháng chiến”. Phong trào thi đua yêu nước phải lâu dài, thường xuyên và sâu rộng đến mức: Từ “các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng” đến “đồng bào phú hào, đồng bào công nông, đồng bào trí thức, nhân viên Chính phủ, bộ đội, dân quân”… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia; người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Có như vậy mới huy động, khai thác được mọi tiềm năng trí tuệ, sức lực, của cải cho kháng chiến, kiến quốc.

Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua đã làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước nạn đói hoành hành, Người phát động phong trào “Tăng gia sản xuất”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Nhường áo, sẻ cơm”, “Áo ấm mùa đông chiến sĩ”; trước một dân tộc mù chữ, Người phát động phong trào “Bình dân học vụ”; trước họa xâm lăng, Người kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua “kháng chiến, kiến quốc”. Song song với phong trào thi đua ái quốc, để động viên, Người thực hiện chế độ khen thưởng xứng đáng, kịp thời  đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Vì vậy, những phong trào do Người phát động đã huy động được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đất nước vượt qua tất cả những thử thách hiểm nghèo nhất của lịch sử. 

Trong 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục, lôi cuốn, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nghe theo, đi theo và làm theo. Những phong trào thi đua yêu nước như  “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã huy động được tối đa sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mặc dù chiến tranh phá hoại rất ác liệt, nhưng những phong trào thi đua lao động, sản xuất vẫn nảy nở, sinh sôi trên miền Bắc thân yêu “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên hải”, “Trống Bắc Lý”, “Cờ ba nhất”, “Tuổi nhỏ chí lớn”,… đã tạo nên sức mạnh vật chất to lớn giúp miền Bắc vững vàng đi lên CNXH trong mưa bom, bão đạn và trở thành hậu phương vững chắc của cách mạng miền Nam. 

Khi đất nước thống nhất, phong trào thi đua ái quốc tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Hàng loạt phong trào được khởi xướng “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Dân vận khéo”, “Nông dân sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi”, “Thi đua quyết thắng”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Về nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì Trường Sa thân yêu”… Số lượng ngày càng nhiều, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao và những thành quả mà các phong trào thi đua mang lại là không thể phủ nhận. Nhưng đáng tiếc có nơi, có lúc phong trào còn nặng về hình thức, đầu voi đuôi chuột, có phát mà không động, làm theo phong trào, chiến dịch mà thiếu đi tính thường xuyên, sôi nổi, liên tục, hiệu quả... 

Đất nước bước sang giai đoạn mới, phong trào thi đua yêu nước theo lời hiệu triệu của Người càng đòi hỏi phải thật sự thiết thực và trở thành động lực mới nhằm khai thác tối đa mọi tiềm năng to lớn ở trong và ngoài nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài những phong trào thi đua trọng tâm “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thiết nghĩ cần huy động sức mạnh của toàn dân, tạo ra phong trào thi đua ái quốc  “loại trừ tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, làm cho “Quốc gia khởi nghiệp”, “Xây dựng con người mới”, “Phát huy sáng kiến, sáng chế trong lao động, công tác, chiến đấu và học tập”, “Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc”... Cùng với thi đua phải thực hiện công tác khen thưởng dân chủ, minh bạch, công khai, đúng người, đúng việc, đúng công trạng. Làm theo lời Người, thi đua ái quốc chắc chắn sẽ “đập tan mọi khó khăn và mọi âm mưu của địch”, “chúng ta nhất định thắng lợi” và chúng ta sẽ “đi đến thắng lợi cuối cùng” đúng như Người khẳng định!

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.