.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11-6-1948 – 11-6-2018):

Phụ nữ huyện Châu Đức có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế

Cập nhật: 14:35, 07/06/2018 (GMT+7)

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, các cấp hội, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Đức đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua, tích cực học tập, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Chị Võ Thị Mỹ Châu (đứng), chủ cơ sở bóc tách hạt điều Song Hân (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) trao đổi với người lao động.
Chị Võ Thị Mỹ Châu (đứng), chủ cơ sở bóc tách hạt điều Song Hân (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) trao đổi với người lao động.

Nhờ sự cần cù, chăm chỉ kết hợp với sự hỗ trợ về vốn, kiến thức của các cấp Hội, nhiều phụ nữ ở huyện Châu Đức đã mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Đến ấp Lộc Hòa (xã Bình Giã), hỏi thăm về chị Võ Thị Mỹ Châu (SN 1980), chủ cơ sở bóc tách hạt điều Song Hân, ai cũng biết về chị. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, chị Châu chia sẻ: Trước đây, do không có đất sản xuất nên vợ chồng chị mở một quán nước giải khát nhỏ trước nhà để kiếm sống. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc này không đủ để trang trải các khoản sinh hoạt thường nhật. Năm 2016, sau khi tham gia vào Chi hội Phụ nữ ấp Lộc Hòa, chị được hỗ trợ vay 15 triệu đồng không lãi suất từ quỹ của chi hội và 30 triệu đồng lãi suất thấp từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Với số vốn trong tay, chị Châu mạnh dạn đến các vườn điều trong vùng mua hạt điều về để bóc vỏ, gia công, sau đó bán lại cho thương lái.

Thời gian đầu, cơ sở của chị Châu gặp khá nhiều khó khăn do đầu ra không ổn định, thường bị thương lái ép giá, nhưng chị không nản chí. Một mặt chị Châu nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm gia công, mặt khác chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, cơ sở bóc tách hạt điều Song Hân hoạt động ngày càng ổn định, cung cấp gần 5 tấn hạt điều bóc vỏ/tuần cho các thương lái. Cơ sở đã tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thu nhập từ 100 - 300 ngàn đồng/người/ngày (tùy theo năng suất bóc tách hạt điều của từng người). Hiện mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, chị Châu thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Phụ nữ khu phố 7, thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Phụ nữ khu phố 7, thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được các cấp hội, hội viên Hội LHPN huyện Châu Đức tích cực hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn dân cư. Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Châu Đức đã hỗ trợ hội viên vay hơn 53 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; đồng thời thành lập 519 nhóm tiết kiệm để tạo vốn xoay vòng. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế như: “Phụ nữ làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Chuyển giao vật dụng cũ cho phụ nữ nghèo”, “Quỹ tiết kiệm giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn”… Không chỉ giúp đỡ về vốn, trong năm 2017, Hội LHPN huyện Châu Đức đã giới thiệu việc làm cho 258 hội viên và tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho chị em.

Bên cạnh việc vận động chị em hăng hái thi đua lao động, phát triển kinh tế, các cấp Hội LHPN trong huyện còn tích cực đồng hành với hội viên trong nhiều hoạt động khác. Từ 2011 đến nay, hơn 120 ngàn lượt phụ nữ đã được trang bị các kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình; gần 100 ngàn lượt phụ nữ được tuyên truyền pháp luật… Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục củng cố và duy trì 40 tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở với 265 thành viên tham gia; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn trang bị cho chị em kiến thức về giới, nuôi dạy con cái, phòng chống HIV/AIDS; duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ… 

Bà Nguyễn Thị Bé,  Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho biết, toàn huyện hiện có hơn 26.000 hội viên. Kinh tế của hội viên chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN trong huyện đã thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong đời sống xã hội.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

.
.
.